Tây Ninh: Công tác an ninh tư tưởng ngày càng được chú trọng

Thứ ba - 11/02/2025 22:02 146 0
Tư tưởng là quan điểm, ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan. An ninh tư tưởng là sự ổn định và phát triển của tư tưởng trong xã hội đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, trên nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. An ninh tư tưởng là yếu tố cốt lõi, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị của một địa phương hay quốc gia.

* Thách thức đối với tình hình an ninh tư tưởng

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, những thách thức về an ninh tư tưởng ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi. Đối với Tây Ninh, là tỉnh có vị trí chiến lược với gần 240km giáp biên giới, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ tác động tiêu cực về an ninh tư tưởng.

Trong những năm qua, trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền tỉnh phải giải toả, thu hồi quyền sử dụng đất của một bộ phận Nhân dân để đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến phát sinh một số vấn đề như: khiếu kiện đông người vượt cấp về đất đai; tình hình ngừng việc tập thể trong công nhân ở các khu, cụm công nghiệp; một số hạn chế trong lãnh đạo, điều hành cấp uỷ, chính quyền địa phương và những tồn tại, hạn chế xã hội (tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, tình hình ô nhiễm môi trường)… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, hoạt động tôn giáo còn tiềm ẩn một số yếu tố nhạy cảm như xây dựng, cơi nới cơ sở thờ tự không đúng quy định, hoạt động của một số tà đạo và tổ chức mang tính chất tôn giáo chưa được pháp luật công nhận có lúc còn diễn ra…

Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, có thể bị các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chế độ lợi dụng để gia tăng hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh, có khả năng gây bất ổn về an ninh tư tưởng trong quần chúng Nhân dân. Nếu không có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời, những yếu tố này có thể làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thậm chí có thể dẫn đến sự phản kháng, bất tuân, biểu tình, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của địa phương. Chính vì thế, việc giữ vững an ninh tư tưởng không chỉ nhằm đảm bảo ổn định chính trị, mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

* Công tác bảo vệ an ninh tư tưởng trên địa bàn tỉnh được chú trọng

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng: trong những năm qua, xác định đúng vị trí, vai trò trọng yếu của công tác an ninh tư tưởng, các cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giữ vững an ninh tư tưởng ở địa phương thông qua các hoạt động như tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong cán bộ, đảng viên để tạo sự nhất quán trong nhận thức, hành động. Tỷ lệ học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị trong Đảng thường đạt từ 98% trở lên.

Các cấp uỷ đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Từ năm 2018 đến 2024, các cấp uỷ đã tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện 07 chuyên đề, tạo được tác dụng tích cực trong việc phát huy vai trò nêu gương đối với người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để Nhân dân noi theo. Từ 2018 - 2024, toàn tỉnh có 453 lượt tập thể và cá nhân được biểu dương, khen thưởng thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, đạo đức, từ đó giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở địa phương.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác tuyên truyền, đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan toả, phủ xanh thông tin tích cực, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân được các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đi vào thực chất, có hiệu quả thông qua việc triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đối tượng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy, khai thác vai trò các kênh truyền thông số, ứng dụng công nghệ thông tin có biên độ tiếp cận rộng như các phương tiện thông tin đại chúng, các hạ tầng số của các cơ quan báo chí, cổng/trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin cơ sở, các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Từ năm 2018 đến nay, thông qua các trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện, sở, ngành, hệ thống truyền thanh cấp huyện và cơ sở, hệ thống phát thanh nội bộ trong các đơn vị lực lượng vũ trang đã đăng, phát hơn 12.000 tin, bài viết, video clip, Infographic có nội dung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giới thiệu gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền thông tin đối ngoại, phê phản, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái và định hướng dư luận xã hội. Các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị toàn tỉnh trong 5 năm qua đã đăng tải, chia sẻ hơn 5000.000 tin, bài, video clip, Infographic tuyên truyền. Đồng thời hằng năm, Trường Chính trị, Trung tâm chính trị cấp huyện và tương đương cũng mở rần 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ với hơn 10.000 học viên... Qua các hoạt động này đã góp phần đảm bảo hệ tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng được lan toả sâu rộng, là hệ tư tưởng chủ đạo tác động, ảnh hưởng sâu sắc trong toàn xã hội, tạo lập niềm tin, sự tín nhiệm của toàn xã hội đối với vị trí, vai trò lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền CNXH mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn.

Phát huy vai trò tuyên truyền, lan toả thông tin tích cực của các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội.

Công tác nắm dư luận và định hướng dư luận xã hội được thực hiện thường xuyên, kịp thời: Để đảm bảo an ninh tư tưởng, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt tận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị rất chú trọng công tác nắm tình hình dư luận và định hướng dư luận xã hội ở địa phương, trong giới, ngành, đoàn viên, hội viên, Nhân dân… Qua đó hằng tháng, quý cung cấp thông tin về Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thông qua Hội nghị giao ban an ninh tư tưởng để phối hợp, đề xuất, thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp thẩm quyền hoặc tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Trung bình hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã gửi gần 150 báo cáo cung cấp thông tin liên quan tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để tổng hợp, nắm tình hình, báo cáo, đề xuất cấp uỷ và các cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý, tổ chức tuyên truyền, định hướng, giữ vững an ninh tư tưởng.

Để tăng cường tính kịp thời trong việc nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, trong thời gian qua, các cấp uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo các cấp xây dựng lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở với gần 3.000 thành viên, để hoạt động, các lực lượng này cũng đã xây dựng hơn 1.000 nhóm Zalo để trao đổi, cung cấp thông tin nhanh khi có vụ việc nảy sinh. Đồng thời, trung bình hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng tổ chức từ 2 – 4 cuộc điều tra dư luận xã hội về những vấn đề quan trọng, Nhân dân quan tâm, qua đó tổng hợp, phản hồi kết quả điều tra đến các cơ quan chức năng nghiên cứu, có giải pháp tuyên truyền, định hướng, giải quyết phù hợp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra dư luận xã hội được tăng cường.

Các cấp uỷ, chính quyền, địa phương cũng duy trì tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND các cấp; duy trì việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; phát huy vai trò ban/phòng tiếp công dân các cấp… qua đó kịp thời tiếp thu ý kiến phản ánh, tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, Nhân dân quan tâm để có giải pháp kịp thời tuyên truyền, định hướng, giải quyết, góp phần ổn định tư tưởng, củng cố, giữ vững niềm tin của các tầng lớp nhân dân.

Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân được duy trì thường xuyên, phát huy hiệu quả tích cực. 

Công tác quản lý Nhà nước, đấu tranh phản bác, xử lý thông tin, luận điệu sai trái được đẩy mạnh: Ngành Công an, Thông tin truyền thông tỉnh thường xuyên rà quét, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tán phát thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực đến an ninh tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 35-57 tỉnh cũng đã ban hành Quy chế số 69-QC/BCĐ, ngày 21/10/2022 về phối hợp theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc, sai sự thật trên không gian mạng, qua đó các cơ quan chức năng và cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 35-57 kịp thời phối hợp xử lý khi có vụ việc phát sinh. Từ năm 2018 đến 2024, qua hoạt động của Ban Chỉ đạo 35-57 và các cơ quan chức năng, đã phát hiện 365 trường hợp có thông tin ngụ tại Tây Ninh đăng tải, chia sẻ bài viết có nội dung xấu trên Facebook cá nhân, đã mời làm việc, tuyên truyền, giáo dục, răn đe, vận động gỡ bài viết, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm.

Các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, lực lượng tác chiến trên không gian mạng toàn tỉnh đã đăng tải, chia sẻ gần 19.000 tin, bài, video clip, infographic lan toả, cung cấp thông tin chính thống, luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng tư tưởng, dư luận hiểu rõ các vấn đề thời sự, được dư luận xã hội quan tâm...

Có thể nói, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững, không xảy ra vụ việc nghiêm trọng, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để kích động, gây rối, tạo điểm nóng liên quan an ninh tư tưởng. Đây là tiền đề quan trọng giúp Tây Ninh có được sự ổn định, giữ vững an ninh tư tưởng để phát triển trên tất cả các mặt trong những năm qua và ngành Tuyên giáo, Công an, truyền thông, báo chí tự hào đã đóng góp một phần công sức trong những thành quả chung đó.

* Tiếp tục phát huy vai trò công tác an ninh tư tưởng góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với những kết quả tích cực đạt được nêu trên, công tác bảo vệ an ninh tư tưởng trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế nhất định như: việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí để tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận có lúc, có việc còn chậm so với nhu cầu thông tin trong xã hội; chất lượng thông tin, tuyên truyền có mặt còn hạn chế, sức thuyết phục chưa cao...

Để tiếp tục phát huy vai trò công tác an ninh tư tưởng, nhất là trong thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, góp phần tạo động lực để Tây Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết trong thời gian tới, công tác an ninh tư tưởng cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 127-KH/TU, Chỉ thị số 14-CT/TU, Đề án số 05-ĐA của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gắn với công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", Chuyên đề năm 2025 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo, bảo vệ an ninh tư tưởng.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, đối thoại trực tiếp để phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng. Đẩy mạnh phủ xanh thông tin tích cực, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí và các hình thức truyền thông mới (Internet, mạng xã hội, Infographic, Vieo clip…).

Tăng cường quản lý, kiểm soát không gian mạng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh tư tưởng, trật tự an toàn xã hội; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời những thông tin xấu độc, bóc gỡ những bài viết xuyên tạc trên mạng xã hội. Cung cấp thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác để người dân không bị nhiễu loạn thông tin.

Các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tăng cường đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dự báo, chủ động nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc để tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng kích động.

An ninh tư tưởng là nền tảng vững chắc để giữ vững ổn định chính trị, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Tây Ninh, một tỉnh có vị trí chiến lược, nhiệm vụ đảm bảo an ninh tư tưởng càng trở nên quan trọng và cấp bách. Để thực hiện hiệu quả công tác này, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của toàn thể Nhân dân. Chỉ khi bảo vệ vững chắc mặt trận tư tưởng, Tây Ninh mới có thể phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.

Hoàng Trần

Tác giả: Trần Hoàng Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay836
  • Tháng hiện tại1,405,224
  • Tổng lượt truy cập9,753,854
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây