Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh vào ngày 17/02/1917 tại làng Chang Tác, tổng Ngọ Xá, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo hiếu học, bố là một nhà nho yêu nước, dưới sự giáo huấn của bố, Hoàng Lê Cẩn ngày càng trưởng thành và sớm giác ngộ cách mạng.
Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Lê Kha (Ảnh tư liệu).
Năm 1931, ông tham gia cách mạng, được đoàn thể phân công ra học ở Hà Nội để vận động phong trào học sinh, sau một thời gian thì bị đuổi học vì bọn mật thám Pháp đã nghi ông là người của cơ sở cách mạng. Năm 1933, ông vào học ở Trường Kỹ Nghệ Hà Đông tiếp tục hoạt động phong trào cách mạng, đến năm 1936, ông tốt nghiệp ra trường và được vinh dự gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây sự nghiệp cách mạng của ông ngày được lan rộng nhờ vào sự hoạt động cách mạng sôi nổi đầy nhiệt huyết của người đảng viên trẻ.
Năm 1940: ông được Đảng điều vào hoạt động ở Nam Kỳ.
Năm 1945: là Uỷ viên mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định.
Năm 1947: ông được giao nhiệm vụ làm Tỉnh đội trưởng Dân quân.
Năm 1948: ông được bầu làm trưởng Ty Thông tin tỉnh Gia Định, sau đó làm trưởng Ty Kinh tế Canh Nông.
Năm 1951: ông làm Bí thư Huyện uỷ Châu Thành.
Từ năm 1952 – 1954: ông làm bí thư Huyện uỷ Dương Minh Châu.
Từ năm 1955 – 1959: ông làm Thường vụ Tỉnh uỷ – Trưởng phân ban chỉ đạo 2 huyện Châu Thành – thị xã Tây Ninh. Đồng chí đã xông xáo, hoạt động tích cực, lãnh đạo Nhân dân và cùng Nhân dân đấu tranh chống địch khủng bố, nuôi dấu cán bộ, bảo vệ cơ sở Đảng. Dưới sự dẫn dắt của ông, bà con nhiều nơi đã nhận rõ được bộ mặt thật của kẻ thù và nóng lòng muốn đứng lên đánh đuổi lũ cướp nước, đỉnh cao là tập thể bà con huyện Châu Thành gửi thư cho Bác Hồ và Trung ương cho phép đấu tranh võ trang và tự nguyện móc nối với cán bộ đảng, đề nghị đưa con em mình ra rừng chuẩn bị xây dựng lực lượng, vì không một ai muốn con em mình đi lính đánh thuê cho giặc.
Ngày 16/08/1959, theo sự chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Hoàng Lê Kha đến dự Hội nghị Thị xã uỷ tại nhà ông Nguyễn Văn Thương (Hai Thương). Tại cuộc họp này, ông đã phân tích diễn biến tình hình, âm mưu thâm độc của Mỹ-Diệm sẽ đẩy mạnh “Tố cộng-Diệt cộng” bằng những biện pháp phát xít trắng trợn hòng tiếp tục tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, ông chỉ đạo một số chủ trương cấp bách, vận động nhân dân chống lại âm mưu đen tối của địch, bảo toàn lực lượng cách mạng.
Theo kế hoạch, sau Hội nghị Thị xã uỷ, đồng chí Hoàng Lê Kha sẽ đến dự và phổ biến chủ trương chỉ đạo của Tỉnh uỷ cho huyện Châu Thành. Tuy nhiên, kế hoạch không thành vì bọn mật vụ đã phát hiện được đồng chí Hoàng Lê Kha và cố vây bắt cho bằng được người mà bọn chúng cho là cán bộ nằm vùng nguy hiểm. Đồng chí Hoàng Lê Kha đã chống trả quyết liệt với kẻ thù, rồi bị địch bắt đưa về giam giữ ở khám lớn Chí Hòa. Chúng đã dùng mọi biện pháp tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục được người cộng sản Hoàng Lê Kha.
Đến tháng 10/1959, nguỵ quyền Ngô Đình Diệm buộc phải đưa tòa án lưu động từ Sài Gòn lên Thị xã Tây Ninh để mở phiên tòa xét xử đồng chí Hoàng Lê Kha. Bằng những luận điệu chống cộng, chúng đưa ra bản cáo trạng kết tội đồng chí và tuyên án tử hình, để trả thù cho những thất bại liên tiếp ở Tây Ninh và đàn áp cao trào cách mạng đang lên, đặc biệt sau chiến thắng Tua Hai.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/3/1960, tại ấp Tam Hạp (nay là ấp Suối Muồn), xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nguỵ quyền Ngô Đình Diệm bí mật đưa đồng chí Hoàng Lê Kha lên Bàu Heo, ấp Tam Hạp (nay là ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) để hành hình đồng chí bằng máy chém “Luật 10/59”. Để khắc ghi công ơn và tưởng nhớ tấm gương hy sinh cao cả đồng chí Hoàng Lê Kha, năm 1995, Uỷ ban nhân dân tỉnh cho xây dựng nơi đây Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha. Hiện nay, từ thị xã Tây Ninh theo tỉnh lộ 781 về hướng huyện Châu Thành khoảng 6 km là đến Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha, di tích nằm cặp lộ, bên phải trong khuôn viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha.
Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha, nằm bên phải trong khuôn viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha.
Ghi nhận công lao của đồng chí Hoàng Lê Kha, ngày 23/7/1997, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (theo Quyết định số: 1305 của Chủ tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) và truy tặng Huân chương độc lập hạng nhất cho đồng chí Hoàng Lê Kha (theo Quyết định số: 1357 của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 01/09/1997).
Hoài Minh
(Nguồn tư liệu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930 – 2005; Lý lịch di tích lịch sử - văn hoá Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha)
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc