Trong giai đoạn mới, tỉnh xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành…
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. Ảnh: Dương Ðức Kiên
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã nhất trí 8 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có nội dung: “Ðẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp...". Phát triển công nghiệp phù hợp với định hướng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Nhiều kết quả quan trọng
Tây Ninh tiếp giáp với các địa phương có kinh tế phát triển nhanh, năng động, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh- đầu tàu kinh tế phía Nam và tỉnh Bình Dương. Thời gian qua, Tây Ninh được xem là tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, Tây Ninh là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông; có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng mạnh trong những năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,04%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội X đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước tăng từ 6,5%-7%). Quy mô nền kinh tế tăng lên so với giai đoạn trước (GRDP năm 2020 theo giá hiện hành tăng 1,76 lần so với năm 2015).
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.266 USD, cao hơn 1,57 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 75,5% trong GRDP.
Trong đó, ngành công nghiệp tăng trưởng khá và đóng góp cao nhất cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP năm 2015 đạt 28%, đến năm 2020 đạt 38,7%. Mức tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 16,7%, tăng đồng thời ở 6 ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh (chế biến hàng nông sản, gạch và xi măng, sản phẩm cao su và plastic, dệt may, sơ chế da, sản phẩm từ kim loại).
Các dự án thu hút được trong giai đoạn này là những dự án ít gia công, tăng cường các yếu tố về công nghệ và tự động hoá. Ngành nghề công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày được quan tâm tạo điều kiện phát triển. Ngành công nghiệp chế biến mía, khoai mì, cao su được khuyến khích cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao hơn.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh thu hút 145 dự án với tổng vốn đăng ký gần 4,4 tỷ USD. Luỹ kế có 354 dự án hoạt động trong KCN, khu kinh tế cửa khẩu (KKT) với vốn đăng ký gần 7 tỷ USD và 15.941 tỷ đồng. Các KCN, KKT tiếp tục được quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát huy vai trò huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và tạo động lực hình thành đô thị, dịch vụ gắn liền với KCN.
Công nhân một nhà máy trên địa bàn huyện Tân Châu. Ảnh Công Ðiều
Hiện tỉnh có 5 KCN đang hoạt động với diện tích 3.384 ha, diện tích có thể cho thuê là 2.410 ha, đã cho thuê 1.330 ha. Trong năm 2020, các KCN dự kiến cho thuê thêm khoảng 120 ha, nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN đã được đầu tư hạ tầng đạt khoảng 60,2%.
Bên cạnh đó, 5 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với diện tích 164,97 ha, có tỷ lệ lấp đầy đạt 78,67%, thu hút 20 dự án với tổng vốn đăng ký 3.060 tỷ đồng cũng góp phần tích cực cho tăng trưởng công nghiệp. Việc phát triển các KCN, KKT, CCN đã góp phần thu hút mạnh vốn FDI vào tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 130.000 lao động, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng của tỉnh.
Thời gian gần đây, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển với ngành nghề đa dạng hơn, đặc biệt đã thu hút được một số dự án lớn, đóng góp chủ yếu cho tốc độ tăng GRDP của tỉnh hằng năm. Vai trò của các KCN, CCN ngày càng được phát huy trong việc thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng chỉ số công nghiệp.
Song song đó, điện lưới quốc gia tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và dân sinh. Ðiểm nổi bật của tỉnh là điện mặt trời phát triển rất nhanh. Ðến nay, tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu điện vào mùa khô, góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp.
Ðáng chú ý là môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện đáng kể, đặc biệt là nỗ lực cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp đã đẩy PCI liên tục tăng hạng (PCI năm 2016 hạng 20/63; 2017 hạng 19/63; 2018 hạng 14/63; năm 2019 hạng 15/63). Ðây là một trong các “điểm nhấn" được các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước quan tâm, đề xuất nhiều cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh. So với giai đoạn trước, tỉnh tăng mạnh cả về số doanh nghiệp đăng ký mới và số vốn thu hút đầu tư.
Ðẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế phát triển toàn diện, vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. GRDP bình quân đầu người cao gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước.
Về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm đạt 8% trở lên. Ðến năm 2025, GRDP bình quân đầu người từ 5.500 USD trở lên. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2020: công nghiệp - xây dựng đạt 52%-53%, dịch vụ đạt 30%-31%, nông - lâm - thuỷ sản đạt 14%-15%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn so với tổng sản phẩm trên địa bàn là 36% GRDP.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 5 năm đạt khoảng 15,5%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 9%, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản tự cân đối chi thường xuyên. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân đạt khoảng 8%. Tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 52,85% trở lên. Số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 16.000 lao động/năm. Ðến năm 2025, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 75%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 1,65%, nông thôn là 1,35%.
Giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm đất đai và lao động.
Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có chất lượng và thị trường ổn định. Tỉnh cũng tiếp tục phát triển một số KCN mới gắn với phát triển đô thị mới và điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát cho phù hợp với tình hình mới, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở KCN Phước Ðông.
Tỉnh còn đa dạng hoá thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, áp dụng tập đoàn có thương hiệu quốc tế, có khoa học công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.
Trong giai đoạn mới, tỉnh xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như chế biến sản phẩm nông nghiệp theo định hướng sản xuất nông nghiệp mới, cơ khí chế tạo, chế tác thiết bị công nghiệp - thiết bị điện - thiết bị y tế, trang trí nội thất và lương thực thực phẩm.
Bảo Tâm
(còn tiếp)
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc