“Hạ tầng hiện vẫn là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng nếu không sớm được cải thiện". Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tại buổi hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ" vừa được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, ngày 22.11 vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc.
Giảm áp lực giao thông vùng
Nhìn nhận những hạn chế của hạ tầng giao thông (HTGT) trong vùng, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định: “Về tổng quan, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn là một nút thắt chưa thực sự tạo tiền đề cho phát triển".
Theo ông Tuấn, hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là nút thắt. Các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các CKQT chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới thành phố Hồ Chí Minh. Các cảng cạn, trung tâm Logistics đang hoạt động hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, kết nối chủ yếu với vận tải đường bộ nên chưa thực sự đóng vai trò là các trung tâm trung chuyển hàng hóa. Tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả liên kết vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, muốn phát triển kinh tế, hệ thống giao thông phải đi đầu. Ngoài việc mở rộng các tuyến đường kết nối với tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Long An, tuyến Cao Tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cần sớm hiện thực hóa. Tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ là tuyến đường huyết mạch kết nối vùng Đông Nam bộ, tạo “cú hích" lớn cho việc phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, kích thích sự phát triển của tỉnh, tạo điều kiện phát triển các KCN, KCX dọc tuyến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài.
Hạt nhân phát triển là thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước, vùng có 6 hành lang vận tải, gồm: Hành lang thành phố Hồ Chí Minh - phía Bắc; Hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long; Hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu; Hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Campuchia; Hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh - Campuchia; và hành lang Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Nguyên. Trong đó, hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Campuchia có vai trò đặc biệt quan trọng, là hành lang đối ngoại của vùng, cũng như của cả nước.
Ông Nguyễn Tấn Tài-Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh cho biết, vì đây là hành lang vận tải ngắn nhất kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng KTTĐ phía Nam, với hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh đến Campuchia và vào các nước ASEAN. Tuy nhiên, kết nối giao thông đường bộ hiện tại chỉ có tuyến đường Xuyên Á, bắt đầu từ ngã tư An Sương đến CKQT Mộc Bài, dài 59Km, với quy mô đường cấp II, mặt đường rộng từ 16m đến 18m. Hiện tuyến đã mãn tải, ùn tắc giao thông thường xuyên.
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh ) kết nối vào QL.22 trước CKQT Mộc Bài, dài 50Km
Ông cho biết thêm, để tháo gỡ điểm nghẽn của hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - Campuchia, đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầu tư dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Hai địa phương đang phối hợp triển khai thực hiện, đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2025.
Tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) kết nối vào QL.22 trước CKQT Mộc Bài, dài 50Km. Quy mô xây dựng 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự án 13.614 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng 5.117 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT cần phải sớm đầu tư khép kín đường Vành đai 3, tạo mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi đến các đầu mối giao thông lớn của khu vực, như: cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng Cát Lái, sân bay Long Thành đang chuẩn bị đầu tư. Song song đó, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát vừa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương quy hoạch và phát triển thêm, tạo tuyến kết nối từ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài lên CKQT Xa Mát, đi ngang thành phố Tây Ninh.
Tại Tây Ninh, bên cạnh phát triển vận tải bằng đường bộ, hành lang vận tải bằng đường thuỷ nội địa cũng tương đối thuận lợi với 02 tuyến đường thủy nội địa: Tuyến Sài Gòn - Bến Kéo theo sông Vàm Cỏ Đông, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hoá từ Tây Ninh, Campuchia đến thành thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến Sài Gòn - Bến Súc - Bến Củi theo sông Sài Gòn.
Đây là tuyến đường thuỷ nội địa của vùng, thu hút lượng hàng hoá từ thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, hàng hoá từ Camphuchia qua các CKQT Mộc Bài, Xa Mát, cửa khẩu Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân... đến cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn và các cảng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, tuyến này vẫn chưa phát huy hiệu quả do hạn chế tĩnh không cầu Bình Lợi (trên đường sắt).
Đường Đất Sét-Bến Củi (Tây Ninh) kết nối với tỉnh Bình Dương
UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã đề nghị Bộ GTVT đầu tư dự án nâng cấp luồng (cấp II, tàu 2.000 tấn lưu thông). Đồng thời, đang tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư Khu đa chức năng Trung tâm Logistics, cảng tổng hợp và cảng thuỷ nội địa tại khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn (phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh, thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), vị trí tam giác thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương. Đây sẽ là điểm kết nối các phương thức vận tải, thông quan hàng hoá của vùng.
Giải pháp kết nối giao thông vùng
Đề xuất các giải pháp, theo ông Nguyễn Tấn Tài, thuận lợi hiện nay là chúng ta đang xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch; các quy hoạch này có tầm nhìn chiến lược lâu dài, ổn định, được lập đồng bộ. Chính phủ, Bộ GTVT cần ưu tiên phát triển các cao tốc kết nối với thành phố Hồ Chí Minh của Vùng, song song với đầu tư hoàn thiện hệ thống đường vành đai, đặc biệt là vành đai 3 và 4, nhằm tăng năng lực vận tải và kéo giảm mật độ lưu lượng vào trung tâm thành phố, hạn chế ùn tắc giao thông nội đô.
Các hành lang vận tải của Vùng hiện nay chiếm tỷ trọng chủ yếu là vận tải bằng đường bộ, với các tuyến quốc lộ (QL.1, QL.13, QL.14, QL.22, QL.50, QL.51...) đã quá tải, hệ thống đường địa phương đầu tư đã lâu, trong khi các tuyến cao tốc đầu tư rất ít và chậm. Theo thống kê, hiện có 02 tuyến (thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) với tổng chiều dài 91Km.
Các tuyến kết nối cấp địa phương, các tỉnh chủ động ký kết hợp tác, ghi nhớ song phương đầu tư phát triển đồng bộ, gắn với kết nối mạng giao thông quốc gia (đường cao tốc, quốc lộ). Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư, chủ động thực hiện phần bồi thường, giải phóng mặt bằng phần dự án đi qua địa phương. “Giải pháp này, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh đang áp dụng đầu tư cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài"- Ông Tài nói.
Dự án đường và cầu kết nối hai tỉnh Tây Ninh- Bình Dương đang được mở rộng.
Vùng Đông Nam bộ gồm 7 tỉnh/thành (thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận), tổng diện tích khoảng 31.373 km2, bằng 9,4% diện tích cả nước. Dân số khoảng 19,06 triệu người, chiếm 19,8% cả nước.
Theo thống kê, đây là vùng có kinh tế phát triển nhất cả nước với tỉ lệ đóng góp GDP trên 34%, trên 60% nguồn thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI (trên 60% số lượng dự án), 50% tổng vốn đầu tư. Vùng có đủ 5 phương thức vận tải: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, và đường biển. Vì vậy, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực tương xứng với vai trò đầu tàu phát triển của nền kinh tế là mục tiêu chung của cả nước, của vùng, cũng như của từng địa phương trong vùng.
Tâm Giang
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc