Tây Ninh những ngày sục sôi Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ tư - 19/08/2020 19:00 399 0

Tháng Tám – một mùa thu nữa lại về. Đất nước ta, dân tộc ta không thể nào quên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 – một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béc-lin. Ngày 8-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. 

Trước diễn biến mau lẹ của tình hình, ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào đã thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh", thông qua “lệnh Tổng khởi nghĩa" quyết định Quốc kỳ nền đỏ, sao vàng; chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. 

Ở Tây Ninh, tuy chưa nhận được chủ trương tổng khởi nghĩa của Trung ương, nhưng ngày 16-8-1945, đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập cuộc họp mở rộng. Hội nghị đánh giá tình thế cách mạng đã chín muồi và quyết định thành lập Ban vận động giành chính quyền và gấp rút triển khai các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa.  

Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi. Tại Tây Ninh, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo quần chúng rải truyền đơn, khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim", “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh". Ngày 23-8-1945, được tin Sài Gòn đang khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử đồng chí Trần Kim Tấn và nữ đồng chí Trương Mỹ Lan liên lạc với Xứ ủy để xin chỉ đạo hành động. Ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập hội nghị đảng viên và cán bộ nòng cốt của tỉnh, thống nhất chủ trương tổ chức một cuộc mít tinh có đông đảo quần chúng tham gia để Mặt trận Việt Minh tỉnh ra hoạt động công khai, đồng thời kêu gọi Nhân dân ủng hộ Việt Minh. Hội nghị cử ra Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Thanh, Trần Văn Mạnh, Phạm Tung, Trương Mỹ Lan, Trần Văn Đẩu, Nguyễn Văn Chấn, về sau bổ sung thêm đồng chí Trần Kim Tấn.

san van dong 1.png

Sân vận động Tây Ninh - nơi diễn ra mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 (hiện nay vị trí này là trụ sở làm việc của Viễn thông Tây Ninh). Ảnh tư liệu

Thực hiện chủ trương của Hội nghị, ngay trong đêm 23-8-1945, Ban lãnh đạo hành động cử người đi các nơi huy động Nhân dân, lực lượng Thanh niên Tiền phong và học sinh về dự mít tinh ở thị xã. Sáng sớm ngày 25-8-1945, đông đảo quần chúng từ Thanh Điền, Xóm Vịnh, Quán Cơm mang theo cờ đỏ sao vàng; lực lượng Thanh niên Tiền phong có trang bị súng và tầm vông; quần chúng tín đồ Cao Đài mang theo cờ đạo, tất cả đội ngũ chỉnh tề từ các hướng rầm rập tiến vào sân vận động thị xã. Một cuộc mít tinh lớn, tập hợp lực lượng quần chúng đông chưa từng thấy ở Tây Ninh đã diễn ra. Tại buổi mít tinh, đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh đọc diễn văn nêu rõ: Quân đội Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh, chính quyền Hà Nội và khắp miền Bắc, Trung đã thuộc về Việt Minh; đồng bào Tây Ninh hãy đứng lên giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành đoàn biểu tình kéo qua dinh tỉnh trưởng, quanh chợ và các đường phố chính trong thị xã. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, chính quyền bù nhìn đã không dám phản ứng.  

Chiều ngày 25-8-1945, trên cơ sở nhận định chính quyền bù nhìn tinh thần đã rệu rã,  mất khả năng chiến đấu, chỉ chờ quân Đồng minh vào để chuyển giao chính quyền, bọn phát xít Nhật thì đã bị cô lập, ta đã vận động được viên chỉ huy trung đội cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng ngả theo cách mạng, Ban Cán sự Đảng tỉnh quyết định huy động lực lượng khoảng 500 quần chúng có trang bị đầy đủ, đột nhập dinh tỉnh trưởng và chiếm các công sở. Mọi việc tiến hành nhanh gọn, không gặp phải một sự kháng cự nào của địch. Tỉnh trưởng Tây Ninh Lê Văn Thạnh được yêu cầu nộp sổ sách, giấy tờ và bàn giao chính quyền.

dinh tinh truong.png

Dinh Tỉnh trưởng thời kỳ Pháp (nay là Trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh). Ảnh tư liệu

Tình hình diễn biến mau lẹ, chỉ trong một ngày đêm (25-8-1945), chính quyền ngụy từ tỉnh đến quận đã sụp đổ hoàn toàn. Đến ngày 28-8-1945, chính quyền các xã đều thuộc về tay Nhân dân. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Tây Ninh diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn.Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cùng với Tây Ninh, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu.jpg

Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong cuộc mít-tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ quân chủ phong kiến đã kéo dài hàng ngàn năm, kết thúc hơn 80 năm Nhân dân ta oằn mình dưới ách đô hộ của thực dân, phát-xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhớ về mùa thu cách mạng Tháng Tám 1945 hào hùng, kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta càng hiểu hơn giá trị vĩ đại và to lớn của Cách mạng Tháng Tám, càng thêm biết ơn và trân trọng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng máu xương để mang lại độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 75 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vì quê hương Tây Ninh giàu đẹp, phát triển nhanh, bền vững.

Thắng Nguyễn

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập222
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm158
  • Hôm nay9,709
  • Tháng hiện tại390,356
  • Tổng lượt truy cập6,700,948
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây