Những vấn đề cử tri quan tâm

Thứ sáu - 21/08/2020 01:00 82 0

​    Trong những ngày qua, các địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh và sau kỳ họp thứ 11 HĐND huyện nhiệm kỳ 2016- 2021. Qua đó, nổi lên nhiều vấn đề được cử tri quan tâm.

Thuốc y tế chưa đủ phục vụ người dân

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri cụm xã Trí Bình và thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, cử tri Phạm Văn Căng- Trưởng ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình cho biết, mua Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những tiêu chí bắt buộc phải đạt mới được công nhận xã đủ tiêu chuẩn Nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện nay rất khó vận động người dân tham gia loại hình bảo hiểm này, vì trong thời gian qua, ở các cơ sở công lập bị thiếu thuốc y tế làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Cử tri này kiến nghị lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng sớm khắc phục tình trạng này để thời gian tới thuận lợi hơn cho công tác vận động người địa phương tham gia BHYT.

Trả lời vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, nhiều cử tri trong tỉnh phản ánh vấn đề thiếu thuốc ở các cơ sở công lập, đặc biệt, thiếu một số loại thuốc chủ lực. Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do ngày 30.10.2018, Bộ Y tế có ban hành Thông tư số 30 quy định mới về việc đấu thầu thuốc.

Trước đây, ngành y tế trên toàn quốc ổn định việc đấu thầu mua thuốc, tuy nhiên trong quá trình đấu thầu giá thuốc có nơi này nơi kia, giá thuốc không bằng nhau. Do đó, Bộ Y tế quy định lại việc đấu thầu thuốc rất cụ thể, chặt chẽ và không giao cho Sở Y tế đấu thầu nữa mà giao cho các cơ sở y tế đấu thầu trực tiếp.

​​167_duplicate45_dsc-0084.jpg

Việc thiếu thuốc điều trị sẽ gây lo lắng cho những người bệnh. Ảnh minh hoạ

Ở Tây Ninh, Sở Y tế giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh đấu thầu mua thuốc cho toàn ngành y tế trong tỉnh. Quy trình đấu thầu thuốc rất phức tạp nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh gặp lúng túng. Trong khi đó, danh mục thuốc để phục vụ cho việc khám chữa bệnh hằng năm có đến hơn 2,5 ngàn mặt hàng và phải đấu thầu từng mặt hàng.

Vì vậy, từ khi làm thủ tục mở thầu đến lúc đấu thầu mất thời gian 9 tháng mới xong. Nếu không làm đúng quy trình này thì khi thanh tra kiểm toán, đơn vị đấu thầu sai quy trình phải xuất toán.

Nguyên nhân chủ quan, đội ngũ làm công tác đấu thầu còn non kém, bị động, cho nên trong thời gian qua, công tác đấu thầu thuốc còn chậm chạp. Tính đến ngày 29.7 năm nay mới cơ bản hoàn thành trúng các gói đấu thầu thuốc cho địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, do đặc thù, thuốc có phần khác với những mặt hàng khác. Có những loại thuốc, khi đấu thầu trúng, nhưng nhà thầu không cung cấp được, vì số lượng thuốc này nhỏ lẻ và bị thiếu. Đối với những loại thuốc nhỏ lẻ này, ngành y tế cho chủ trương cho mua trực tiếp để kịp thời phục vụ cho bệnh nhân có thẻ BHYT.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh vừa qua, Giám đốc sở y tế cũng đã hứa trong thời gian tới ngành y tế sẽ đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, như tiếp tục điều động, biệt phái nhân viên ở các đơn vị để hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong công tác đấu thầu thuốc.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, cải tiến quy trình thực hiện, thay thế nhân sự không đạt yêu cầu. Tổ chức làm việc liên tục từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.

Khởi động sớm dự án đấu thầu mới ngay khi hoàn thành dự án đấu thầu trước. Tổ chức bộ phận thường trực, xử lý ngay những vấn đề phát sinh trong quá trình cung ứng thuốc.

Chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực quản lý. Điều hành cung ứng thuốc tại cơ sở. Theo dõi chặt chẽ, dự báo tình hình để sớm đề xuất phương án, điều chuyển thuốc phù hợp hoặc tổ chức mua sắm bổ sung nhanh, để kịp thời phục vụ cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại các cơ sở y tế công lập.

Hệ thống điện yếu, không đáp ứng nhu cầu của người dân

Cử tri cụm xã Tân Bình, Thạnh Tân, Bình Minh (TP Tây Ninh) phản ánh tình trạng điện lưới quốc gia bị yếu. Trưa ngày 19.8, chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở khu vực tổ 12, ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân- nơi cử tri phản ánh điện lưới quốc gia bị yếu. Tại đây có nhiều vườn mãng cầu đang mùa ra trái, một số vườn đang cắt cành, vài vườn bỏ vụ và một số phần đất mới trồng.

Ông Trần Văn Bắc, 62 tuổi, ngụ tại địa phương cho biết, gia đình ông đang trồng 1ha mãng cầu, đã được 3 năm tuổi, những năm gần đây, vào mùa mưa, ít người dùng môtơ điện bơm nước tưới nên điện mạnh, nhưng vào mùa khô, người nào cũng sử dụng nên điện yếu.

Nhiều khi ở nhà vừa mở điện lên để bơm nước thì ở ngoài tủ điện, cầu dao an toàn (CB Aptomat) nhảy qua chế độ ngắt điện. “Trước tình hình này, năm nay, tôi đành phải bỏ vụ làm trái vào mùa khô, chờ mưa nhiều mới bắt đầu làm vụ mới và chịu thất thu khoảng 50% tiền lời so với những những năm trước", người nông dân này cho hay.

Để chứng minh cho lời mình nói, ông Bắc mở mô tơ bơm nước tưới vườn mãng cầu cho chúng tôi xem. Khi ông mở khoảng ½ đường dẫn nước tưới tự động thì nước phun đủ mạnh, nhưng khi xả hết các đường dẫn thì tưới không hết toàn bộ cành cây.

167_duplicate45_dsc03951.jpg

Điện yếu sẽ gây khó khăn lớn cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Hoàng Nam, Bí thư, đồng thời là Trưởng ấp Thạnh Đông chia sẻ, ở 2 tổ này hiện có khoảng 60 hộ dân dùng điện để tưới vườn cây mãng cầu, mì, mía.

Trong lần tiếp xúc cử tri trước, người dân ở đây đã kiến nghị ngành điện lực hạ thêm một bình biến áp. Sau đó, nhân viên điện lực đến đây kiểm tra xem ý kiến cử tri đúng hay sai. Sau khi đo điện áp, thấy đủ 240V, vì vậy ngành điện lực không lắp thêm bình biến áp.

“Nhân viên điện lực đo vào lúc mùa mưa, ít người tưới vườn cây ăn trái nên kết quả đủ 240V, chứ đo vào mùa khô thì điện áp rất thấp", ông Nam khẳng định. Mới đây, chúng tôi lại ý kiến về vấn đề này với mong muốn ngành điện khắc phục tình trạng này để người dân an tâm sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Đội trưởng Đội Quản lý - Điều hành, Điện lực TP Tây Ninh cho biết, vào lúc 11 giờ ngày 7.6.2020, đơn vị đã kiểm tra điện áp tại khu vực này với kết quả điện áp đạt 240V, ngưỡng này nằm trong quy định. Tuy nhiên, Điện lực TP Tây Ninh ghi nhận ý kiến của cử tri, sẽ kiểm tra thực tế lại để đưa vào phương án xây dựng mới.

Ở thị xã Trảng Bàng, một số cử tri cũng phản ánh vấn đề liên quan tới điện. Cử tri Trần Thị Loan, ngụ ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận phát biểu: “Điện ở đây yếu quá, không xài được".

Cử tri Nguyễn Văn Vui, ngụ ấp Tân Thuận xã Hưng Thuận, cho hay, đường dây điện ở tổ 13 rất thấp gây nguy hiểm cho người dân và điện yếu khó sử dụng được. “Trảng Bàng đã lên thị xã rồi mà điện yếu như vậy là không ổn", cử tri này nói.   

Đại Dương

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm113
  • Hôm nay4,929
  • Tháng hiện tại136,423
  • Tổng lượt truy cập7,934,331
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây