Ngày 11/12, tại Khách sạn Vinpearl, Tỉnh uỷ Tây Ninh phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương với sự hỗ trợ của Nhóm Hỗ trợ xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam (VBI Fast Track) tổ chức Hội thảo khoa học “Khu kinh tế Mộc Bài - Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển".
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Khu kinh tế Mộc Bài - Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển".
Dự và chủ trì Hội thảo có Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh.
Cùng tham dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIII của Đảng, lãnh đạo một số tỉnh, thành và đại diện một số trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức nước ngoài.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho biết, phát triển kinh tế biên giới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ tỉnh, trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một trong những điểm đến nói lên sự phát triển của tỉnh. Qua hơn 20 năm hoạt động, mặc dù được quan tâm đầu tư, đem lại một số kết quả ban đầu, nhưng sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế phát triển là rất lớn, nhất là về vị trí địa lý chiến lược, quy mô đất đai; quán triệt chỉ đạo, ý kiến góp ý của Trung ương về phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, phải nghiên cứu tìm ra động lực mới để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tương xứng với tiềm năng, bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại, đầu tư trong thời kỳ nước ta mở rộng hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành cực tăng trưởng cao của tỉnh trong tương lai. Hội thảo này cũng là bước đầu tiên để tạo cơ sở lý luận cho việc báo cáo đề xuất Trung ương về mô hình phát triển mới trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức vào thời điểm rất ý nghĩa khi dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII lấy ý kiến rộng rãi toàn dân. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được đặt trong tầm nhìn, định hướng phát triển của đất nước đã được dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng thống nhất. Hội thảo có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà đầu tư cùng các nhà tư vấn để cùng suy nghĩ, bàn luận rõ hơn về khu kinh tế với diện mạo mới, qua đó cụ thể hóa định hướng phát triển trên cơ sở thực tiễn cụ thể của Tây Ninh; kêu gọi đa dạng hóa các đối tác đầu tư; tiếp cận tư duy toàn cầu...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập theo Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg ngày 27/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích đất tự nhiên 21.284 ha, nằm trên địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc huyện Bến Cầu và 2 xã thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Với 3 cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận) phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa và các quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Trong đó, Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, là cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam với Thủ đô PhnomPenh của Vương quốc Campuchia.
Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được xác định là 1 trong 9 Khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 27 /5/2011, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1102/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đô thị mới Mộc Bài, thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, với quy mô 7.400 ha.
Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 58 dự án đầu tư, 18 dự FDI và 40 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 455,88 triệu USD và 8.587,4 tỷ đồng. Hiện tại, có 21 dự án đi vào hoạt động, chiếm 15% trên tổng diện tích đất đăng ký đầu tư; giải quyết việc làm cho 17.500 lao động địa phương; kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu đạt 878 triệu USD. Số lượt phương tiện qua lại đạt 417.611 lượt. Bình quân mỗi năm có trên 2 triệu lượt người qua lại cửa khẩu.
Tuy nhiên, sự phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của khu; đóng góp của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vào nền kinh tế của tỉnh không đáng kể so với quy mô được duyệt. Chỉ có 15% trên tổng diện tích đất đăng ký đầu tư được đưa vào sử dụng, khai thác, chủ yếu là các dự án sản xuất và dịch vụ, thương mại; các dự án có diện tích đất lớn, sử dụng nhiều đất không triển khai được do đền bù không liền thửa gây lãng phí tài nguyên, khó khăn cho quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các dự án siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên chỉ khởi sắc vào những năm đầu khi áp dụng chính sách bán hàng miễn thuế cho khách nội địa tham quan, du lịch; khi chính sách thay đổi, hoạt động thương mại ngày càng bị thu hẹp dần. Quy hoạch chung Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến nay đã không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia ý kiến và có tham luận trình bày của nhiều lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành các Bộ, ban ngành hữu quan, lãnh đạo một số các tỉnh thành, các Viện, Trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục có uy tín, một số nhà đầu tư, tổ chức thương mại quốc tế tại Việt Nam. Nội dung trọng tâm xoay quanh đánh giá thực trạng của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, vị trí địa kinh tế, địa chính trị với Tây Ninh, vùng, Quốc gia, khu vực và quốc tế; phân tích, làm rõ tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để so sánh với các khu kinh tế khác trong nước và quốc tế; những kết quả triển khai thực hiện phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian vừa qua; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp – đô thị mô hình mới v.v… qua đó đề xuất mô hình mới cho Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nhằm phát huy lợi thế so sánh trong bối cảnh phát triển mới; đề xuất về mô hình và định hướng phát triển Khu kinh tế Mộc Bài trong giai đoạn mới.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin, Hội thảo đã được nghe 6 báo cáo tham luận, 10 ý kiến được trình bày trực tiếp của các nhà khoa học, các bộ ngành, đều khẳng định Mộc Bài có một vị trí rất quan trọng đặc biệt trong kết nối vùng Đông Nam bộ với quốc tế, trước hết trong tuyến đường xuyên Á, có quy mô diện tích lớn với hơn 21.000 ha. Đây chính là tiềm năng và vị trí rất quan trọng trong phát triển bền vững của đất nước nói chung và trong vấn đề an ninh quốc phòng nói riêng.
Hội thảo được nghe đánh giá thực trạng phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, qua hơn 20 năm qua đã thu được một số kết quả nhất định, đặc biệt là phát triển giao thương giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, phát triển bền vững khu vực biên giới, nâng cao đời sống cho người dân biên giới. Tuy nhiên, các báo cáo và các ý kiến thảo luận đều khẳng định Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, với những kinh nghiệm quốc tế, những cơ hội, thách thức của đất nước nói chung của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nói riêng.
Trên cơ sở đó, các ý kiến, tham luận đã gợi ý đưa ra mô hình phát triển mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, theo hướng không chỉ phát triển kinh tế cửa khẩu, mà phải là khu tổng hợp có nhiều chức năng, khu công nghiệp sinh thái, hiện đại, đô thị thông minh, dịch vụ hiện đại, tiện lợi, tuân thủ nguyên tắc thị trường, thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện được mô hình này, phải có cơ chế phù hợp vượt trội để đảm bảo phát triển khu này, tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, thu hút đầu tư không chỉ trong nước mà còn của nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường kinh doanh và dịch vụ tốt;, tạo ra môi trường sống ổn định, đô thị thông minh, mọi dịch vụ đều là tốt nhất trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế; kết hợp quy hoạch tổng thể đồng bộ, kết nối, phát huy được thế mạnh, tiềm năng; quy hoạch phân khu chức năng cũng cần được kết hợp hài hòa, trên cơ sở đó thu hút tốt nhất nguồn lực đầu tư và nguồn lao động chất lượng cao về đây sinh sống, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển trong tương lai.
Nhật Khang
Ý kiến bạn đọc