Ngày 17/6/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2019/QÐ-UBND quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Thả ong để thụ phấn trong vườn dưa lưới.
Ðối tượng được áp dụng chính sách này là pháp nhân và cá nhân (sau đây gọi chung là nhà đầu tư) có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo quy định. Ðối với pháp nhân, mức trần vốn vay được hỗ trợ lãi vay không vượt quá 20 tỷ đồng/dự án; đối với cá nhân, không vượt quá 10 tỷ đồng/dự án.
Vốn bố trí hằng năm từ 5-10 tỷ đồng/năm, kể từ năm thứ 2 trở đi, ngoài bố trí vốn hằng năm thì bố trí thêm vốn để thanh toán hỗ trợ lãi vay cho năm trước. Tổng vốn thực hiện chính sách giai đoạn 2019-2025 khoảng 100- 200 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh.
Từ khi được triển khai đến nay, nhiều dự án đã tiếp cận với chính sách, tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Anh Ðoàn Văn Dương (ngụ ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Ðông, huyện Tân Châu) cho biết, cuối tháng 3/2020, dự án trồng sầu riêng xen canh cây mít, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 40 ha của anh đã được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ lãi vay.
Dự án có thời gian thực hiện 3 năm, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1,34 tỷ đồng (trong đó, năm 2020 khoảng 340 triệu đồng; 2 năm còn lại, mỗi năm 500 triệu đồng). Có thể nói, chính sách đã hỗ trợ một phần nguồn vốn, tạo động lực cho những người sản xuất như anh phát triển theo hướng nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dự án trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh) với quy mô 1,1 ha cũng là một trong những dự án được hỗ trợ từ chính sách này, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1,4 tỷ đồng trong thời gian 5 năm. Theo đó, năm 2021 hỗ trợ 325 triệu đồng; từ năm 2022-2025, mỗi năm 286,7 triệu đồng.
Anh Dương Nguyễn Phúc, chủ dự án cho biết, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao là rất hữu ích, tạo đà cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Vườn dưa lưới của anh Phúc đã có chứng nhận GlobalGAP trên diện tích 2.200m2 và chứng nhận VietGAP với 8.800m2. Trung bình 1 vụ (3 tháng), vườn cho thu hoạch khoảng 35 tấn. Hiện trang trại của anh đang làm việc với siêu thị để sắp tới đưa sản phẩm vào tiêu thụ.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, đã có 10 dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 9,8 tỷ đồng.
Trúc Ly
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc