Ảnh minh họa.
Công tác nhân sự đại hội không chỉ đơn thuần là một trong những nội dung quan trọng của một đại hội đảng mà còn là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện nghị quyết đại hội, suy rộng ra là vận mệnh của đảng, sự tồn vong của chế độ, quốc gia, dân tộc. Bởi thế, cứ mỗi dịp chuẩn bị kỳ đại hội đảng các cấp, người dân và hàng triệu đảng viên cả nước lại ngóng trông, dõi theo những ai sẽ được đảng cử, dân bầu bước vào điều hành bộ máy lãnh đạo các cấp; để thay mặt nhân dân gánh vách giang sơn, đất nước. Háo hức, tin tưởng thì nhiều nhưng cũng không khỏi ruột gan lo lắng; băn khoăn liệu chúng ta có để những con sâu mọt, thậm chí cả sâu “cải trang”, trà trộn, lọt vào bộ máy lãnh đạo của đảng như nhiệm kỳ vừa qua hay không?
Đường đi của những "con sâu"
Chúng ta hoàn toàn tự tin khẳng định rằng, với hệ thống văn bản, quy chế, quy định về tổ chức đại hội đảng các cấp khá đồng bộ, khoa học, chặt chẽ như hiện nay, nếu đại hội đảng ở các cấp mà đều thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả các khâu, các bước thì nhất định sẽ chọn lựa được đội ngũ cán bộ, đảng viên ưu tú vào hàng ngũ lãnh đạo của đảng; đó sẽ thực sự là lực lượng tinh hoa của tinh hoa. Và chắc hẳn khi đó sẽ không còn vấp phải tình trạng “nhìn gà hóa cuốc”, “thấy đỏ tưởng chín”, “thấy cái mã bên ngoài, mà che đậy cái sơ sài bên trong”… sẽ không còn phải ray rứt, nuối tiếc vì đã trao nhầm phiếu bầu cho một số cán bộ “rởm” như thời gian vừa qua.
Ai cũng biết, theo quy định mọi đảng viên đều tham gia sinh hoạt trong một tổ chức đảng, nhỏ nhất là cấp chi bộ, đây là nơi gần dân nhất, vì thế đó cũng là tổ chức hiểu dân nhất, và dĩ nhiên cũng là nơi mà dân hiểu rõ cán bộ, đảng viên nhất. Theo nhiệm kỳ, đại hội đảng ta được tổ chức ở nhiều cấp, như vậy, rõ ràng để có thể “lách” vào được vị trí lãnh đạo các cấp trong bộ máy của đảng ta, chắc hẳn những “con sâu” này đã hết sức thành thạo phép “cải trang, biến hình” để che đậy đi bộ mặt thật cũng như những tội lỗi, khuyết điểm. Không chỉ vậy, chúng còn lợi dụng một số tổ chức đảng xa rời nguyên tắc, thiếu nền nếp trong tổ chức và sinh hoạt, buông lỏng trong lãnh đạo, xuề xòa trong tiến hành các quy trình, quy định, các khâu, các bước tổ chức đại hội để qua mặt, “lòe” tổ chức, đặc biệt là trong tổ chức đại hội ở cấp nhỏ. Không chỉ vậy, để tạo dựng được hình ảnh, một số cán bộ cơ hội còn dùng nhiều thủ đoạn để “làm màu”; trước đại hội không ít phần tử còn lên cho bản thân kế hoạch xây dựng hình ảnh; “ghế to” thì kế hoạch lớn, “ghế thấp” thì kế hoạch nhỏ miễn sao có được thành tích mang dấu ấn cá nhân mình để “pi - a”. Có nơi, có cán bộ còn dựa vào uy danh, quyền thế, tiền bạc, mối quan hệ dọc ngang để tạo sức ép, hướng lái bỏ phiếu bầu cho mình; không được thì tìm cách mua quan, bán chức, mua phiếu bầu.... Ở cấp cao hơn, không ít đại hội rất chủ quan trong việc rà soát, thẩm tra, xác minh nhân sự, nhiều nơi trao trọn niềm tin, giao khoán công tác thẩm tra, xác minh nhân sự đại hội cho cấp dưới, thậm chí mắc vào tư tưởng cấp dưới đã rà soát, thẩm định rồi thì việc của cấp trên chỉ là thủ tục hành chính, là hình thức. Có nơi lại vướng vào suy nghĩ “anh ấy”, “chị ấy” đang giữ cương vị này, trọng trách kia, quan trọng như vậy rồi thì cần gì phải thẩm tra, xác minh thêm mữa? Và cứ thế đầu xuôi, đuôi lọt, từng bước chui sâu, leo cao, chễm chệ ngồi vào ghế trong bộ máy lãnh đạo.
Thực tế hiện nay, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên kiên định, tâm huyết, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia- dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, xứng đáng là công bộc của nhân dân thì Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý…chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; còn cán bộ, đảng viên trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, gây ra dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín Đảng, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thờ ơ, vô cảm, “tự diễn biến”, "tự chuyển hoá”, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Rất đau lòng trước những sai phạm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ trì, chủ chốt, đảm nhiệm những chức vụ cao, quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước thời gian qua. Điều đó đã làm giảm sút uy tín, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Những sai phạm trên cũng là “mảnh đất mầu mỡ”, cơ hội để các thế lực thù địch được đà điên cuồng chống phá, lợi dụng các “hiện tượng” để xuyên tạc “bản chất”- chủ trương, đường lối, chính sách, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta…
Những con số thống kê về số lượng các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật bị xử lý trong thời gian qua cho thấy tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, trước cám dỗ của vật chất. Điều đó lý giải tại sao Đảng ta đang triển khai mạnh mẽ, toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm làm trong sạch về tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đây là nhiệm vụ hệ trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vạch lá bắt sâu - hết rồi thời “3 ệ” - xin chào thế hệ “3T”
Ở một số nơi, đi đến đâu dân tình cũng xôn xao, bức xúc về tình trạng cán bộ thăng tiến nhờ cái gói là “3 ệ” được hiểu ra là “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ” len lỏi vào bộ máy lãnh đạo của đảng; dân tình xì xào rằng cái “quỹ đất” đặc biệt là những nơi mà họ vẫn gọi là “vị trí quyền lực” dành cho hiền tài, người thực sự tiêu biểu về phẩm chất và năng lực bước chân vào là rất hiếm, vô cùng khó khăn, gần như không còn nữa, mà nếu có còn thì cũng khó mà đến lượt. Sẽ là tai họa khôn lường cho đảng, nguy hại cho nước, cho dân nếu như để lọt những thành phần “3 ệ” kia vào bộ máy lãnh đạo, đặc biệt là những vị trí trọng yếu.
Mặc dù Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quy định; đặc biệt là Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đây được ví như một bản tuyên ngôn về công tác cán bộ; cũng là lần đầu tiên trong quy định, Đảng ta đã nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực, nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, cũng như quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chạy chức, chạy quyền và xử lý các hành vi. Quy định đã nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của rộng rãi xã hội, dư luận cho rằng, đảng ta đã nhìn rõ, đánh trúng vào yếu điểm trong công tác nhân sự đại hội, tuy nhiên dường như kết quả mới chỉ dừng lại ở bước đầu.
Kỳ vọng của gần 100 triệu người dân và hơn 5 triệu đảng viên về một dân tộc Việt Nam hùng cường, đất nước Việt Nam thịnh vượng không cho phép chúng ta cả tin, tặc lưỡi, nhắm mắt làm ngơ trao quyền lãnh đạo cho những kẻ có dính líu tới những cái “ệ” ấy. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã làm nhưng chưa triệt để, đã quyết tâm nhưng chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Sứ mệnh của đại hội các cấp nhiệm kỳ tới là phải thực hiện triệt để hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn tâm thư mà nhân dân trao gửi, lựa chọn cho kỳ được đội ngũ cán bộ thế hệ “3 T” vừa có “Tâm”, vừa có “Tài”, vừa có “Tầm” bước vào điều hành bộ máy, lãnh đạo đất nước.
Khen cho con mắt tinh đời
Chưa bao giờ công tác lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương lại được mọi tầng lớp nhân dân quan tâm như hiện nay. Một phần vì nhân dân rất hy vọng, trông đợi vào những đột phá của bộ máy lãnh đạo mới trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh chóng tiềm ần nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo; phần khác vì không khỏi xốt ruột, lo lắng bởi trong nhiệm kỳ đại hội vừa qua không ít cán bộ, thậm chí cả lãnh đạo chủ chốt được dân mến, dân tin bầu vào các vị trí lãnh đạo của đảng, có cả vị trí chủ chốt nhưng đã không hoàn thành nhiệm vụ, thoái hóa biến chất, phản bội Tổ quốc, trở mặt nhân dân; có tội với dân, với nước. Vì thế sau mỗi nhiệm kỳ đại hội đảng, nhất là khóa XIII vừa rồi để chúng ta thêm một lần rút ra những kinh nghiệm máu xương, chuẩn bị chu toàn hơn, cặn kẽ hơn, hiệu quả hơn cho tiến hành công tác nhân sự đại hội đảng nhiệm kỳ tới.
Hiền tài của đất nước chưa bao giờ thiếu, song ở thời nào thì cũng có sâu mọt nảy nở, sinh sôi; vì vậy, rất cần có một kỳ đại hội đảng các cấp thực sự sáng suốt, tỉnh táo, tinh tường trong công tác lựa chọn nhân sự cán bộ các cấp. Muốn làm được điều đó, thiết nghĩ trước hết những người làm công tác tham mưu cho đại hội về vấn đề nhân sự phải thực sự là những người tiêu biểu, lòng dạ sáng trong, kiểu mẫu về tính trung thực, công tâm, khách quan, bám sát và giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy trình, quy định, đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tham mưu, lựa chọn nhân sự; phải chịu trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân về chất lượng tham mưu, giới thiệu; chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cán bộ ngay trong những người làm nhân sự đại hội.
Muốn tìm được cán bộ có đức, có tài thì rất cần đại hội phải nối dài tầm mắt thông qua nắm bắt dư luận, lắng nghe ý kiến phản hồi, lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng nhân dân. Nhân dân là lưới lọc cán bộ tốt nhất cho đảng; song việc lấy ý kiến của nhân dân cũng cần phải có cơ chế phù hợp thì mới hòng mang đến dân chủ và đạt hiệu quả thực sự, thực chất như mong muốn. Cần coi trọng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm, hướng dẫn để phát huy tốt vai trò của người dân; thậm chí mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân được lựa chọn, giới thiệu nhân sự, nghiên cứu phương án minh bạch, công khai danh sách nhân sự giới thiệu vào các cơ quan đảng, nhà nước thậm chí là công khai quy hoạch nhân sự Ủy viên Trung ương để nhân dân nắm, kiểm tra, giám sát và cho ý kiến.
Không ai gần cán bộ bằng nhân dân, không ai hiểu cán bộ bằng nhân dân và cũng không ai ngoài nhân dân có thể phân biệt, nhận biết rõ hơn trong đội ngũ cán bộ ai là người thật, người giả, ai tốt, ai xấu, ai là người tận tâm, tận tụy với nước với dân và ai là người rao giảng vì dân nhưng lại thực chất là vì mình. Rất nhiều vụ án nhờ dân phát hiện, vì vậy muốn biết nhà quan chức có bao nhiêu xe, bao nhiêu nhà, đất, có giàu nhanh hay không thì nào cần đâu xa, hỏi dân là biết tường tận. Những ý kiến, phản ánh của nhân dân, của cử tri, người dân nơi công tác, cư trú, cũng như từ các tổ chức chính trị - xã hội mới thực sự là lá phiếu chuẩn xác, đáng tin cậy nhất trong lựa chọn nhân sự cho đại hội các cấp.
Cán bộ giữ vị trí, trọng trách càng cao thì càng phải lựa chọn cẩn trọng, chặt chẽ; làm đúng, làm đủ, làm hiệu quả thực sự các quy trình, các khâu, các bước; không vì vị trí hiện tại mà xuề xòa, khỏa lấp đi những “tì vết” trước đó; theo đó, rất cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc bước thẩm tra, xác minh; rà soát kỹ càng hiệu quả thực tế công việc mà cán bộ, đảng viên dự bầu đã từng được phân công đảm nhiệm trước đó; tránh giản đơn, nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn, duy ý chí trong giới thiệu, lựa chọn nhân sự cho đại hội để khỏi hối tiếc và rơi vào tình trạng “tá hỏa” về những chuyện đã rồi, những hệ lụy mà họ đã “dính chàm”, gây ra trước đó. Đồng thời cũng có biện pháp để cảnh báo với những người “có vết” nên xin rút, dẹp ngay những trường hợp ngồi nhầm ghế, loại bỏ những cán bộ có tư tưởng luồn sâu, trèo cao để trục lợi. Chúng ta tin tưởng nhưng không tuyệt đối hóa, đặt trọn niềm tin vào những người đã được tôi luyện, thử thách, đi lên từ gian khó mà cần phải kiểm tra, giám sát, theo dõi thường xuyên, liên tục để họ luôn giữ vững được danh dự, thấm sâu tư cách, đạo đức cách mạng, thực sự có sức đề kháng, hệ miễn dịch tuyệt đối, không vướng vào các “tử huyệt”, tránh bị cám dỗ, lôi kéo, sa chân khi được giao những cương vị, chức trách, nhiệm vụ lớn hơn.
Một điều mà trong công tác nhân sự nhiều kỳ đại hội gần đây chúng ta đều quan tâm đó là phương hướng nhân sự đại hội phải dựa trên cơ cấu hài hòa, hợp lý về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ thiểu số, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện… vừa bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, cân đối về số lượng và chất lượng, trong đó chất lượng là quan trọng. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, phải thấu triệt quan điểm bảo đảm được tiêu chuẩn, tuyệt đối không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chí, tiêu chuẩn; làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ cấp dưới để chuẩn bị kỹ lưỡng nhân sự đại hội cho Trung ương; đặc biệt tránh tình trạng làm đúng quy trình, quy định những vẫn không chọn được đúng người, vì thế trong giai đoạn hiện nay nhất thiết phải bám sát Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ theo một định lượng cụ thể; nghiên cứu, ứng dụng “phác đồ” căn cơ để điều trị dứt điểm căn bệnh mất dân chủ trong đảng, thiếu minh bạch, công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự đại hội.
Dưới có vững thì trên mới bền chắc, đại hội đảng các cấp có tốt thì đại hội toàn quốc mới thành công. Quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội là quá trình lâu dài với nhiều khâu, nhiều bước, phải được tiến hành dày công, kỹ lưỡng, bài bản, chặt chẽ, nếu như sơ xuất, chúng ta sẽ phải trả giá thậm chí là giá rất đắt. Nhận thức chung rằng, lựa chọn đúng cán bộ, đặt họ vào đúng vị trí để phát huy tốt năng lực, sở trường của họ là trọng trách của những người “cầm lái”, vì vậy hơn lúc nào hết để lựa chọn, sàng lọc được từ trong đội ngũ tinh hoa những “anh hùng đứng giữa trần ai” đủ sức gánh vác, tô đẹp giang sơn, gấm vóc của ta thì công tác nhân sự đại hội đảng các cấp rất cần phải có một tư duy mới, cách nhìn mới và hành động mới.
Còn với mỗi cán bộ, đảng viên thiết nghĩ phải giữ đúng bổn phận, xứng đáng là công bộc của nhân dân. Muốn vậy, cần tu dưỡng “Đảng tính” thật tốt, làm việc gì cũng phải tính đến lợi ích chung của tập thể, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết; cần giữ cho mình “tâm chính”; phải làm kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính; tận tâm, tận tuỵ với công việc được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhắc nhở bản thân dù ở địa vị cao hay thấp, dù đảm đương công việc, nhiệm vụ lớn hay nhỏ, cán bộ cấp trung ương hay cơ sở…thì đều là đày tớ, công bộc của nhân dân; không để mắc các bệnh như quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, kiêu ngạo, thờ ơ với nhân dân, nói suông, tự kiêu, tự đại, xa xỉ, vô cảm, thiếu và sợ trách nhiệm…phải tự học tập nâng cao trình độ mọi mặt, luôn giữ được phẩm giá, nhân cách của người cộng sản trước nhân dân, có vậy mới lãnh đạo được cơ quan, đơn vị, mới phục vụ được nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên tự suy ngẫm, rút ra cho mình bài học kinh nghiệm, để không đi vào “vết xe đổ”, đồng thời cần đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi sai trái như “lợi ích nhóm”, tạo “uy tín giả”, “làm xiếc”, bệnh sĩ diện, thích sống sang, ăn sang, tiêu sang, chơi sang…
Suy cho cùng, mọi thành công hay thất bại đều do yếu tố con người và tất nhiên sự thành bại của cách mạng cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên của Đảng tốt hay xấu. Hiện nay, Đảng rất cần những cán bộ, đảng viên thực sự trung thành, trong sạch, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc; luôn nói đi đôi với làm, chí công vô tư, hết lòng, hết sực phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng có thành công được hay không tuỳ thuộc rất lớn vào những cống hiến, hy sinh của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Do vậy, công tác lựa chọn nhân sự của Đảng thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, phải thực sự soi sao cho kỹ, chọn sao cho đúng để tìm được những người có “mắt sáng”, “lòng trong”, “tay sạch” đứng ra gánh vác việc non sông./.
Bùi Văn Dinh - Lại Đắc Huy - Vũ Trọng Hưng
(Học viện Hậu cần – Bộ Quốc phòng)
Nguồn ĐCSVN
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn
Ý kiến bạn đọc