Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch

Thứ ba - 19/10/2021 06:00 85 0

​  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cả nước đã trải qua 4 đợt dịch và đợt dịch thứ 4 đang diễn ra nhưng từng bước kiểm soát tình hình. Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những việc làm mà đội ngũ y, bác sĩ đã làm trong suốt 2 năm vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 vừa rồi.

Chiều ngày 18/10, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia chủ trì.

Cùng dự cuộc gặp mặt tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia. Tham dự tại điểm cầu TPHCM, có đồng chí Duơng Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.


Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch. Ảnh: VGP

Tình hình dịch trên toàn quốc đã được kiểm soát

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cả nước đã trải qua 4 đợt dịch và đợt dịch thứ 4 đang diễn ra nhưng từng bước kiểm soát tình hình. Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những việc làm mà đội ngũ , bác sĩ đã làm trong suốt 2 năm vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 vừa rồi.

Theo Thủ tướng, đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác.


Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát. Ảnh: VGP

“Dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện các đợt dịch khác, các biến chủng khác, nhưng đợt dịch này đã tạm thời lắng xuống, được kiểm soát và chúng ta an tâm được phần nào. Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức cuộc họp, đánh giá bước đầu kết quả chống dịch và sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn, toàn diện, tổng thể hơn", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin.


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và các đại biểu tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, đến giờ này, sau nhiều ngày chống dịch (từ ngày 27/4 đến nay), chúng ta mới an tâm được phần nào, tình hình dịch trên toàn quốc đã được kiểm soát nhưng còn hết sức phức tạp. Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt trực tuyến đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để nhìn lại những ngày tháng khốc liệt và chuẩn bị cho cuộc chiến mới.

Cũng tại cuộc gặp, các cơ quan sẽ tổ chức khen thưởng, động viên một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch. Công tác khen thưởng, động viên sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để kịp thời tôn vinh những người chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho Nhân dân.

Cuộc chiến chưa từng có trong tiền lệ

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

“Hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định và cho biết, cùng một lúc, phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân; củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

“Những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả khi chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

* Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Có ý thức bảo vệ cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng

Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới, với hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, các đồng chí lãnh đạo địa phương, người dân cả nước thực hiện, làm theo cùng nhau, mỗi người có ý thức bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống trở lại bình thường.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP

* BS CKII Lý Thế Huy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Xác định người bệnh như những người thân của mình

Mỗi nhân viên y tế đều vì bệnh nhân, xác định người bệnh như những người thân của mình, với mục tiêu là cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Áp lực, vất vả là thế nhưng chúng tôi chưa từng nghe lời than khổ từ đội ngũ y, bác sĩ. Ở đây, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân.

Tất cả mọi người đều đồng lòng, tập trung hết sức lực, trí tuệ của mình để điều trị bệnh nhân tốt nhất, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Và chính điều đó giúp tất cả nhân viên y tế ở đây từng ngày cố gắng vì nhau, vì bản thân họ biết được nền tảng từ sức mạnh đồng đội, sự gắn kết giữa các bệnh viện, đơn vị khác nhau, biết tương trợ và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

* PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Nâng cao chất lượng các cơ sở y tế

Sau những ngày vừa qua, bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng các cơ sở y tế. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Điều này cũng tốt như đầu tàu kéo tất cả tiến lên. Tuy nhiên trong đại dịch mới thấy, hệ thống y tế cơ sở phường xã - đặc biệt là tuyến huyện của chúng ta còn kém, cụ thể là vấn đề con người và cơ sở vật chất trang thiết bị, thuốc men.

Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung để nâng cao tay nghề.

Nguồn sggp

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay7,577
  • Tháng hiện tại13,378
  • Tổng lượt truy cập8,022,083
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây