Ngày 18/10, Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về việc thực hiện quy định các mức thu, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh và thực hiện chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19.
Bà Kim Thị Hạnh-Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, thành viên Ban Văn hoá-Xã hội của HĐND tỉnh phát biểu ý kiến.
Sau khi nghe lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH báo cáo, ông Nguyễn Tiến Hưng, thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nhìn nhận, Trường Trung cấp y tế là cơ sở có nguồn thu thấp nhất và đối tượng được miễn giảm học phí thấp nhất, cũng vì nguồn thu thấp nên mức tự chủ tài chính cũng thấp.
Ông Hưng đề nghị Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo cán bộ cơ sở rà soát, xem xét thực hiện chế độ hỗ trợ từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sao cho thống nhất, không bỏ sót, vì hiện có phản ánh vẫn còn những đối tượng chưa nhận được hỗ trợ. “Cách thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn có tình trạng mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ trong triển khai" - ông Hưng nêu.
Bà Kim Thị Hạnh - Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, thành viên Ban hoá - Xã hội HĐND tỉnh nêu vấn đề học phí, trong đó, kiến nghị không tăng học phí nguyên cả năm học 2021 - 2022. Số liệu thống kê cho thấy, số đối tượng được hỗ trợ, miễn giảm học phí vẫn còn thấp, do đó, cần xem xét mở rộng nhóm đối tượng thuộc diện miễn giảm học phí để thu hút người học, qua đó nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Đối với việc hỗ trợ nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bà Hạnh cho rằng, việc phân cấp cho chính quyền cấp huyện, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ là đúng. Về cách thức thực hiện, bà Hạnh đề nghị ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm chính sách chế độ đúng đối tượng, không bỏ sót.
Bà Trần Thị Ngọc Mai - Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh nêu, ngành chức năng rà soát xem học sinh, sinh viên trường nghề đóng học phí có đủ hay không, mức chênh lệch giữa học phí cũ và mới ra sao. Số hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19 nhận được hỗ trợ chưa nhiều, Sở LĐ -TB&XH nên rà soát, thống kê lại để có cơ sở đánh giá việc thực hiện chính sách.
Ông Võ Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu vấn đề, ngoài chính sách học phí, có hay không tình trạng lạm thu trong trường nghề. Việc hỗ trợ những nhóm đối tượng ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Khánh cho rằng, cấp cơ sở đang có những thiếu sót, người thuộc diện được hưởng lại chưa được và ngược lại có tình trạng một người được hưởng hai nơi cư trú khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội phát biểu kết luận
Bà Huỳnh Vương Hiếu - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh lưu ý Sở LĐ-TB&XH về việc quản lý các trường nghề cho thuê cơ sở vật chất (nhà giữ xe, căn tin trong nhà trường), hiện mỗi trường thực hiện một kiểu, không thống nhất.
Bà Hiếu cho rằng, ngoài quy định của Chính phủ, địa phương có thể xem xét mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ học phí, theo tình hình cụ thể của địa phương. Về chính sách hỗ trợ bởi đại dịch COVID - 19, theo bà Hiếu, việc chi trả chậm làm giảm hiệu quả chính sách này.
Ông Lê Minh Thế - Bí thư Thành uỷ Tây Ninh, thành viên Ban Văn hoá-Xã hội của HĐND tỉnh nhận định, chính sách như hiện nay, hệ thống trường nghề khó phát triển, vì ngân sách hoạt động của nhà trường còn eo hẹp. Ông Thế đề nghị khi thực hiện chính sách học phí mới cần thuyết minh, giải thích làm rõ mức thu theo tinh thần Nghị định 81 của Chính phủ.
Việc hỗ trợ nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, ông Thế cho biết, để chính sách đến tay người nhận, phải qua nhiều vòng nhiều cấp, do đó người dân chậm nhận được tiền hỗ trợ, “hiện nay người dân cũng đã mệt mỏi, số hồ sơ còn tồn đọng, chưa được giải quyết hiện rất lớn".
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ, vì tình hình kinh tế, đời sống của người dân, công nhân đang rất khó khăn, vì thế chính sách hỗ trợ phải thật nhanh, kịp thời. Theo ông Phong, ngoài nhóm đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, nên chăng, Tây Ninh xem xét để bổ sung, mở rộng diện hỗ trợ.
Giải trình một số nội dung, ông Dương Quốc Sinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định, học sinh học hết lớp 9 vào trường nghề không phải đóng học phí, riêng học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề vẫn phải đóng khoản tiền này. Chuyện lạm thu trong trường nghề được ghi nhận là không xảy ra.
Trong trường nghề hiện nay có một thực trạng đã được bàn nhiều, đó là học lực của học sinh khá yếu, do đó nhiều em phải thi lại, kiểm tra lại hoặc bỏ học. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, lãnh đạo Sở thừa nhận, có tình trạng cán bộ cơ sở “chưa nhiệt tình" hướng dẫn người dân làm hồ sơ để nhận chính sách hỗ trợ.
Chuyện một người nhận hai lần hỗ trợ, điều này xảy ra do một số người trùng tên và một số thông tin, lúc đầu không phát hiện, sau này kiểm tra mới biết. Việc hỗ trợ hộ kinh doanh bị chậm, lãnh đạo Sở giải thích, nhiều hộ không đăng ký kinh doanh nên theo quy định không thuộc diện hỗ trợ. Một số địa phương linh hoạt chuyển hộ kinh doanh không đăng ký sang diện lao động tự do để được nhận hỗ trợ.
Bà Trương Thị Phương Thảo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện các trường nghề chưa thể tự chủ tài chính; mức thu học phí không thay đổi so với năm học 2020 - 2021. Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân, số lượng học sinh vào học ở trường nghề chưa nhiều, khó tuyển sinh.
Kết luận, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH làm rõ một số tồn tại, hạn chế ở các trường nghề, trong đó có Trường trung cấp y tế. Bà Xuân Hương đề nghị các trường nghề phải thích ứng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, vì nội dung, chương trình đào tạo của trường nghề còn lạc hậu trong khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động và đào tạo theo kiểu "cầm tay chỉ việc", vì thế, việc thu hút người học nghề khó khăn hơn.
Xung quanh chính sách hỗ trợ, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở LĐ-TB&XH đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện chính sách này, vì đang có nhiều bất cập trong khâu thực hiện. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cán bộ ở ấp, khu phố không biết hoặc hạn chế sử dụng công nghệ thông tin, kể cả nhận thức, thái độ của người thực thi chính sách ở cơ sở.
Không chỉ cấp ấp, khu phố, ngay cả một số cấp chính quyền cao hơn như cấp huyện cũng chưa làm hết trách nhiệm, có hiện tượng “qua loa đại khái" rồi dồn công việc về cho Sở LĐ -TB&XH, đây là một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai chế độ hỗ trợ chậm trễ.
Đ.V.T
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc