Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, là nhiệm vụ then chốt có vị trí đặc biệt quan trọng. Việc vận dụng tư tưởng của Người vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay sẽ góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đoàn Chủ tịch Đại hội III của Đảng. Ảnh TL. tháng 9-1960
Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (ngày 11-5-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Vì điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc. Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm như: không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô hủ hóa khá nặng, v.v…"(1). Từ đó, có thể thấy xây dựng Đảng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng, ngày một tiến bộ hơn, trở thành người cách mạng chân chính.
Trong Di chúc, Người cũng đề ra những yêu cầu cơ bản về đạo đức của cán bộ, đảng viên và yêu cầu xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(2).
Ngày nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn, đồng thời đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy cơ, thách thức. Trong đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, bộ máy Nhà nước vẫn đang diễn ra với nhiều mánh khóe tinh vi, gây nhức nhối trong xã hội, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn làm mất lòng tin của nhân dân đối với đường lối đổi mới của Đảng, đe dọa thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bác Hồ nói chuyện với Thanh niên Việt Nam. Ảnh TL. |
Từ nhiều năm nay, Trung ương Đảng đã nhận thấy rõ những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, coi đây là một vấn đề then chốt đảm bảo nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Nếu không, Đảng sẽ không thể đáp ứng được sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó. Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ban hành Nghị quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; tiếp đến Hội nghị Trung ương 4, khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, nhằm lập lại kỷ cương trong Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Trước hết, xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận và tổ chức; lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Mở đầu tác phẩm “Đường cách mệnh", Hồ Chí Minh đã đưa luận điểm nổi tiếng của V. Lê-nin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong"(3). Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc" (10-1947), Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"(4). Như vậy, khẳng định Cách mạng Việt Nam “trước hết phải có Đảng cách mệnh", Người còn muốn nhắc đến một điều đặc biệt quan trọng: dẫn đường cho mọi hoạt động của cách mạng đều cần thiết phải có một học thuyết, một chủ nghĩa cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát hiện được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình"(5). Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam"(6). Nhưng, Người cũng phát hiện ra rằng “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin" (7).
Có chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, soi đường, dẫn lối, Đảng đã đạt được những mục tiêu nhất định, đã lãnh đạo được giai cấp công nhân thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình, đưa dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thử thách của lịch sử, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lê-nin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam… không phải chỉ học thuộc lòng vài bộ sách của Mác - Lê-nin mà làm được như vậy. Đảng phải có tinh thần khoa học và tinh thần cách mạng rất cao, phải hiểu rõ lịch sử xã hội, phải quyết tâm phấn đấu cho giai cấp và nhân dân, phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng"(8). Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao năng lực về lý luận để vận dụng vào thực tiễn cách mạng chứ không phải “học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng"(9)
Hai là, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Nguyên tắc tập trung, dân chủ: Theo Hồ Chí Minh, “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: .. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Trong Đảng, bất kỳ cấp trên hoặc cấp dưới, đảng viên cũ hoặc đảng viên mới, đều nhất định phải giữ kỷ luật của giai cấp vô sản"(10). Đây là nguyên tắc rường cột, quan trọng nhất để xây dựng Đảng chặt chẽ, vững chắc, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tập thể lãnh đạo, về cá nhân phụ trách:“Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phảigiao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong"(11). |
Theo Bác, tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên như người ta rửa mặt hằng ngày; phải thẳng thắn, trung thực, “không đặt điều", “không thêm bớt", không che giấu,. Tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, “ráo riết". Người cũng yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"(13). Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"(14). Theo Người, muốn đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, tu dưỡng đạo đức cách mạng, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân" và các biểu hiện tiêu cực khác, phải yêu thương lẫn nhau, “sống có tình, có nghĩa".Thực hiện nguyên tắc này trong công tác xây dựng Đảng phải chú ý khắc phục những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, đồng thời phải chống lại tình trạng dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán và chịu trách nhiệm. Về Nnguyên tắc tự phê bình và phê bình, : Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"(12).
Ba là, xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Cán bộ là những người vừa xây dựng nên chính sách vừa đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng đặt ra. Vì vậy, cán bộ chính là “cái gốc của mọi công việc". Đảng phải coi xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài là “công việc gốc" của Đảng. Trên thực tế, ở đâu có cán bộ tốt thì ở đó có phong trào tốt và ngược lại thì phong trào sẽ yếu và đi xuống, thậm chí là tạo nên nhiều hệ lụy cho cách mạng.
“Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việcchung"(15). |
Năm là, thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một quá trình thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau, gắn kết với nhau vì mục tiêu đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới để Đảng luôn tồn tại với tư cách người lãnh đạo cách mạng, luôn phát triển với tư cách Đảng cầm quyền. Do vậy, với Người, xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ là nhiệm vụ then chốt, mang tầm chiến lược, mà còn là công việc thường xuyên của Đảng trong vai trò lãnh đạo cách mạng, bởi “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy"(17). Trên thực tế, ở đâu, muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì ở đó, tổ chức của Đảng phải trong sạch, vững mạnh, toàn thể cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Muốn vậy, phải tổ chức cấp cấp uỷ thật tốt, vừa giáo dục, vừa phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục cán bộ, đảng viên làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Chỉ có như vây, Đảng mới được củng cố cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức.Việc sử dụng, cất nhắc cán bộ, cũng được Người hết sức qua tâm. Đó là việc xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng xem “người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không", “người ấy xứng với công việc gì", “có đủ dức tài không"?. Nếu không, sẽ “không khỏi đem người bô bô la la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại"(16). Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ được thể hiện rất rõ, thể hiện tính cách mạng, soi đường trong công tác cán bộ của Đảng ta.
Trong giai đoạn cách mạng mới, bên cạnh những thời cơ mới, vận hội mới, dân tộc ta cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần được nâng cao hơn bao giờ hết để ứng với các yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử dân tộc giao phó. Đảng cần xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trong đó, quán triệt, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sẽ góp phần làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền./.
__________________
(1), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.7, tr. 414- 415.
(2), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 622.
(3), (6), (7), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 279, 289.
(4), (11), (12), (15) (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr. 273- 274, 619-620, 301, 313, 314.
(5), (8), (10), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 277, 277, 275.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.95.
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
Ý kiến bạn đọc