Mùa Thu này, ngành Tuyên giáo mà tiền thân là Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tròn 90 tuổi. Thế là niềm vui được nhân đôi. Niềm vui ấy hòa quyện với niềm tự hào về những thắng lợi vẻ vang mà đất nước ta giành được trong suốt chặng đường 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của ngành Tuyên giáo.
NIỀM TỰ HÀO CỦA NGÀNH TUYÊN GIÁO
Niềm tự hào bắt đầu từ lịch sử ra đời. Ban đầu tiên được thành lập bên cạnh Trung ương Đảng chính là Ban Cổ động và Tuyên truyền. Trải qua các thời kỳ, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng chữ “Tuyên" bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.
Tuyên là tuyên truyền, nói rộng ra là công tác tư tưởng lý luận. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X, Đảng ta chỉ rõ: “Công tác tư tưởng, lý luận hay công tác tuyên giáo nói chung là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ; khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đồng chí Lê Duẩn từng nói: “Muốn làm tốt công tác tư tưởng phải nắm vững quy luật của tư tưởng. Vì sao? Vì tự nhiên có quy luật của tự nhiên, xã hội có quy luật riêng của xã hội, tư tưởng có quy luật riêng của tư tưởng, cho nên, khi làm cách mạng tư tưởng và văn hóa, phải nắm vững và vận dụng cho được những quy luật riêng của tư tưởng…".
Phát biểu tại Hội nghị Tuyên giáo toàn miền Bắc bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, tháng 4/1962, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh, “công tác tư tưởng không phải chỉ nắm lý luận, mà còn phải biết gắn tình cảm với lý luận. Triết học giải quyết lý trí, văn học - nghệ thuật xây dựng tình cảm, cả hai đều phải nhất trí với nhau thì mới giải quyết được vấn đề tư tưởng".
Ban Tuyên giáo cũng như các ban khác của Trung ương đều được xác định là cơ quan tham mưu, đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ mình phụ trách.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các nhà báo (nhà báo Hà Đăng, Hữu Thọ ngồi thứ 2 và thứ 3 từ phải sang). |
Với tư cách là cơ quan tham mưu, Ban Tuyên giáo đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện 3 nhiệm vụ được giao. Một là, nghiên cứu, đề xuất với Trung ương những vấn đề thuộc đường lối, chủ trương, chính sách lớn, về việc ra các nghị quyết và chỉ thị mà Ban phụ trách. Hai là, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quyết định và chỉ thị của Trung ương. Ba là, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Việc Ban đóng góp ý kiến vào xây dựng và thực hiện hai nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII là một minh chứng cụ thể.
Đại hội XII của Đảng đánh giá: Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Văn kiện Hội nghị lần thứ 11 khóa XII mới đây cũng có cùng nhận định như vậy, và còn nêu thêm: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nêu gương đạt kết quả bước đầu quan trọng.
Niềm tự hào của ngành Tuyên giáo còn được thể hiện qua thành tựu xây dựng được một đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức, luôn trung thành với công tác tuyên giáo, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và từng bước trưởng thành qua các thời kỳ.
TỰ HÀO KHÔNG PHẢI LÀ KIÊU NGẠO
Thành tựu đạt được là to lớn. Nhưng bức tranh xây dựng Đảng nói chung và xây dựng ngành Tuyên giáo nói riêng không phải chỉ toàn màu hồng. Còn có cả mảng xám và tối nữa.
Bác Hồ, Đảng ta từng nghiêm khắc phê phán bệnh thành tích và bệnh kiêu ngạo. Vì bệnh thành tích mà sự thật bị bóp méo, khuyết điểm nhiều thì nói ít đi, còn thành tích ít thì lại xít lên cho nhiều. Bệnh kiêu ngạo thể hiện ở chỗ: tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.
Quan điểm của Đảng ta trong đánh giá tình hình là: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". Quan điểm ấy do Đại hội VI của Đảng nêu lên, nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nếu nhìn thẳng vào sự thật mà không đánh giá đúng sự thật thì khác nào “thầy bói vẽ voi". Người sờ vào tai voi thì bảo con voi giống như cái quạt. Sờ vào cái vòi thì bảo con voi giống con đỉa. Sờ vào chân thì bảo con voi giống cái cột nhà…
Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (bên phải) và đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang khánh thành Bia Kỷ niệm trụ sở Ban Tuyên huấn Trung ương tại thôn Thia, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (ngày 23/7/2005). |
Trong khi khẳng định những thành tựu đạt được là to lớn, Đảng ta vẫn thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt hạn chế, yếu kém và khuyết điểm. Riêng về công tác tư tưởng, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII chỉ rõ: Công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, tính thuyết phục chưa cao. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, thiếu sắc bén, tính chiến đấu còn hạn chế. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề khó mới phát sinh chưa được làm sáng tỏ. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút…
Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới, Dự thảo Báo cáo Chính trị đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đáng chú ý là trong ba nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Di chúc của Người.
Xin nhắc lại bài học thứ 5 được nêu lên trong Cương lĩnh của Đảng: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Có nghĩa là không phải bất cứ sự lãnh đạo nào mà phải là sự lãnh đạo đúng đắn thì mới quyết định được thắng lợi.
NGHĨ VỀ TRUYỀN THỐNG
Những người làm công tác tuyên giáo chúng ta tự hào rằng công tác tuyên giáo của Đảng đã có một truyền thống quý báu, thể hiện ở lịch sử ra đời và cả trong toàn bộ quá trình hoạt động.
Về lịch sử, có thể nói công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng của các bậc tiền bối đã có từ rất sớm, không phải chỉ sau khi Đảng ta chính thức ra đời. Bản án chế độ thực dân, báo Thanh niên, tác phẩm Đường Cách mệnh là những minh chứng sống động. Bác Hồ chứ không ai khác là người thầy vĩ đại về công tác tư tưởng, người đặt nền móng chính trị và tư tưởng đầu tiên cho sự ra đời của Đảng ta ngay từ giữa những năm 20 của thế kỷ trước.
Về tổ chức, Ban Cổ động và Tuyên truyền (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay) là ban được thành lập sớm nhất so với các ban khác của Trung ương như Tổ chức, Dân vận, Kiểm tra... Các đồng chí Tổng Bí thư thời dựng Đảng và sau Cách mạng Tháng Tám đều là người đứng đầu hoặc trực tiếp chỉ đạo Ban và công tác tuyên truyền của Đảng.
Về hoạt động, trải qua những chặng đường cách mạng nối tiếp nhau, từ thời dựng Đảng đến Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến cứu nước, rồi đổi mới ngày nay, công tác tuyên giáo luôn được khẳng định là một trong những công tác trọng yếu hàng đầu của Đảng, đã trực tiếp góp phần quan trọng vào việc hình thành Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân; biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động tự nguyện, tự giác của hàng chục triệu người, đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong hoạt động của mình, biết bao chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa của Đảng đã tỏ rõ tinh thần quả cảm, khí phách hiên ngang, sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan, thử thách, kể cả hy sinh tính mạng vì sự nghiệp chung.
Tự hào về truyền thống tốt đẹp là chính đáng. Nhưng chúng ta cũng hiểu truyền thống không phải là kho của cải vô tận dành cho những ai chỉ biết sống nhờ, bởi nếu như vậy thì sớm muộn gì, cái kho của cải ấy cũng sẽ bị bào mòn và cạn kiệt. Truyền thống là báu vật vô hình nhưng nếu biết nâng niu, giữ gìn, kế thừa và phát huy thì sẽ trở thành một sức mạnh to lớn cho sự trường sinh.
Ý thức rõ điều này, chúng ta càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình trong việc bồi đắp và làm giàu thêm kho báu truyền thống, không phải bằng những lời khoa trương mà bằng những hành động thực tiễn cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; qua đó, tích lũy ngày càng nhiều hơn tri thức và kinh nghiệm, tạo nên nhiều giá trị tinh thần mới.
MUỐN ĐỔI MỚI PHẢI CÓ CON NGƯỜI MỚI
Ai cũng biết đổi mới là cách mạng và phát triển. Ở đâu có đổi mới, ở đó có tiến bộ và tiến lên. Ở đâu không đổi mới, hoặc đổi mới nửa vời, không đúng hướng thì ở đó còn trì trệ, ngưng động và tụt lùi. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đòi hỏi mọi lĩnh vực hoạt động đều phải tự mình đổi mới.
Vấn đề đổi mới công tác tuyên giáo đã được đặt ra từ lâu, nói đi nói lại nhiều lần, nhưng nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Bởi so với những gì đã làm được thời gian qua thì những gì cần phải làm sắp tới còn lớn hơn nhiều. Đổi mới không bao giờ là chuyện cũ.
(Ảnh minh họa) |
Bác Hồ nói, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Liệu chúng ta có thể nói muốn đổi mới công tác tuyên giáo phải có những con người làm công tác tuyên giáo có tinh thần đổi mới và biết cách đổi mới?
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, trước hết là đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận đương nhiên phải được tiến hành theo quy hoạch, kế hoạch.
Bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tế, “miệng nói tay làm" là những phẩm chất cần có. Cao hơn nữa, cán bộ tư tưởng, lý luận phải là những người có hiểu biết và nhãn quan chính trị rộng, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, nhạy bén nắm bắt cái mới và sáng tạo ra cái mới.
Đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận của ta ngày nay, bên cạnh những người đã trải qua nhiều năm công tác, giàu tâm huyết và kinh nghiệm (nghỉ hưu hay tại chức) còn được bổ sung thêm nhiều cán bộ trẻ, có trình độ học vấn khá, có tinh thần cầu tiến và hăng say nghề nghiệp. Nhưng làm thế nào để lớp cán bộ trẻ này nhanh chóng trưởng thành, có thể kế tục lớp người đi trước, từng bước hình thành nên những nhà tư tưởng, lý luận có tầm cỡ, có uy tín? Làm thế nào để những vị “trưởng lão" không vì tuổi tác cao mà hao mòn trí tuệ? Làm sao để không làm nảy sinh bất kỳ khoảng trống hẫng hụt nào? Đó là điều chúng ta thường trăn trở.
Tôi nghĩ, tre già măng mọc là quy luật của tự nhiên và xã hội. Lớp trước không nên nhìn lớp sau bằng cái nhìn thiếu tin tưởng, cái nhìn bề trên, chỉ nói những lời răn dạy mà không thấy hết trách nhiệm phải dìu dắt và làm giá đỡ cho lớp sau tiến lên. Lớp sau cần thấy rõ, tài năng không bẩm sinh, không từ trên trời rơi xuống. Tài năng muốn có được phải trải qua gian khổ học tập rèn luyện. Học tập tấm gương lớp người đi trước, qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng và qua thực tế công tác. Chớ bao giờ tự ti, nghĩ rằng mình sẽ không thể nào với tới nổi những gì lớp đàn anh đã đạt được. Cũng chớ tự cao tự phụ, hễ làm được một việc gì đã cho mình giỏi, không cần học thêm ai.
Dù lớp trước hay lớp sau thì suốt đời vẫn phải học tập, học tập nữa, học tập mãi! Đó là phương châm cho sự sống còn và phát triển./.
Hà Đăng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Ý kiến bạn đọc