Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương viếng, thắp hương tại Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam
Giai đoạn chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1972)
Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đoàn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng phải thay đổi Chiến lược Chiến tranh cục bộ bằng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Triển khai chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục thi hành quốc sách “bình định”, tiến hành cuộc phản công quyết liệt, tàn khốc bằng sức mạnh toàn diện từ giữa năm 1968 đến cuối năm 1969. Chủ yếu “là sức mạnh quân sự vào trận địa nông thôn, là cuộc chiến tranh giành dân, chiến tranh huỷ diệt trên quy mô lớn với những biện pháp cực kỳ dã man, gây cho ta những khó khăn tổn thất nặng nề”.
Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn xác định nhiệm vụ then chốt trong công tác chính trị, tư tưởng lúc này là phải động viên nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn đảng, toàn dân, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, tiếp tục tấn công quân Mỹ và quân Sài Gòn trên cả ba vùng chiến lược. Phát động một cao trào chính trị, binh vận và du kích rộng lớn để bẻ gãy các kế hoạch bình định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng ở vùng nông thôn đẩy mạnh phong trào đô thị. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với mặt trận ngoại giao để vạch trần âm mưu kéo dài chiến tranh và thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt của Mỹ.
Bám sát nhiệm vụ then chốt trong công tác chính trị tư tưởng, bộ máy tổ chức Ban Tuyên huấn đã có sự điều chỉnh lại cho phù hợp với tình thế mới của cách mạng miền Nam. Bộ máy được tổ chức theo hướng tăng cường các cơ quan Thông tấn xã, Đài phát thanh và bộ phận huấn học. Sau khi sắp xếp các cơ quan, bộ phận trực thuộc, tổng số cán bộ của Ban Tuyên huấn là 1.495 cán bộ. Bộ máy tổ chức của Ban Tuyên huấn trong giai đoạn này gồm Ban lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn. Trong đó Ban lãnh đạo gồm các đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban. Thường trực ban: đồng chí Võ Quang Trinh, Tô Lâm, Tân Đức. Uỷ viên ban: đồng chí Cao Văn Sáu (được điều động từ Khu uỷ Khu VIII năm 1969), Lưu Hữu Phước, Trần Văn Phác, Nguyễn Văn Tòng, Trần Mão, Tô Bửu Giám, Sáu Chí, Thép Mới[1]. Các cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng, Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Văn nghệ, Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Báo chí, Tạp chí Tiền phong, tạp chí Thời sự nhân dân, Tạp chí Tuyên truyền, Nhà xuất bản Giải phóng, Đoàn văn công Giải phóng.
Giữa năm 1969 sau khi có chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam về bố trí nhân sự, sắp xếp tổ chức bộ máy tham gia chuẩn bị thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn đã bố trí nhân sự tham gia Bộ thông tin – Văn hóa, Bộ giáo dục và Thanh niên và một số cơ quan khác của Chính phủ. Đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền phục vụ cho sự kiện chính trị quan trọng này.
Ngày 6/6/1969 Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là một “thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn, cổ vũ nhân dân miền Nam đẩy mạnh kháng chiến”. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhanh chóng đảm nhận nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp ở miền Nam. Một số cán bộ chủ chốt được điều động tham gia Bộ Thông tin - Văn hóa, Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như đồng chí Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa; giáo sư Lê Văn Chí, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Thanh niên; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Bộ Thông tin - Văn hóa; Nguyễn Hữu Dụng, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Thanh niên; đồng chí Dương Văn Diêu, Vụ trưởng Vụ Chuyên môn giáo dục Bộ giáo dục và Thanh niên, đồng chí Nguyễn Nam, phụ trách phòng xuất bản làm Cục Xuất bản Bộ Thông tin - Văn hóa. Đây là sự điều động tạm thời phục vụ nhiệm vụ chính trị khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Các cơ quan thông tin, văn hóa, giáo dục của Chính phủ và các cán bộ được điều động tham gia chính quyền Nhà nước hợp pháp đều đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn trong mọi hoạt động.
Bước sang đầu năm 1970, tình hình chiến trường có nhiều thay đổi sau sự kiện Lonnol làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Xihanuc, biến quốc gia trung lập Campuchia thành thuộc địa và căn cứ quân sự mới của Mỹ trên chiến trường Đông Dương và sự kiện Mỹ và chính quyền Sài Gòn huy động lực lượng hỗn hợp 10 vạn quân vượt biên giới tấn công sang lãnh thổ Campuchia. Đông Dương trở thành chiến trường chung, tại căn cứ của Ban Tuyên huấn đóng ở Campuchia, Ban Tuyên huấn đã tiến hành chấn chỉnh tổ chức và sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, các cuộc họp giao ban, báo cáo, nghị quyết tiến hành theo phương châm “tinh giản, gọn nhẹ”, thực hiện chế độ báo cáo thỉnh trị đều đặn và đảm bảo liên lạc thông suốt từ Ban Tuyên huấn xuống các Khu uỷ, Tỉnh uỷ.
Đầu năm 1971, Ban Tuyên huấn tham mưu Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là đánh bại kế hoạch bình định và chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Ban Tuyên huấn đã “mở các lớp huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ thay thế số cán bộ bị tổn thất khá nhiều trong những năm qua, nhất là cán bộ cơ sở, sử dụng và bố trí cán bộ cho đúng với nhiệm vụ chính trị đã đề ra, thực hiện quản lý cán bộ chặt chẽ; đảm bảo thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, nhất là đối với cán bộ cơ sở, cán bộ già đau yếu và cán bộ nữ”. Qua đó hệ thống tổ chức của Ban Tuyên giáo đã được chấn chỉnh, vững về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Sau chiến thắng đường 9 Nam Lào và Bắc Campuchia, đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972, đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường, hình thành thế “bố trí chiến lược mới”, mở ra một cục diện mới vô cùng thuận lợi cho cách mạng, Ban Tuyên huấn thực hiện công tác sắp xếp điều động cán bộ, tổ chức các cơ quan chuyên môn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã được giao. Đồng thời nhanh chóng chuyển hướng tổ chức bộ máy phù hợp khi hoạt động tại căn cứ trên lãnh thổ Campuchia.
Tuy nhiên với bản chất hiếu chiến, Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố tiếp tục kéo dài chiến tranh. Cuộc tập kích chiến lược của Mỹ từ ngày 18 đến 30/12/1972 vào Hà Nội và Hải Phòng đã bị quân dân miền Bắc đánh bại. Đòn nắn gân quân sự của Mỹ không thành công đã làm tan giấc mộng đàm phán trên thế mạnh. Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris và đi đến giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh bằng một Hiệp định.
Giai đoạn chống Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh là giai đoạn khốc liệt, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam củng cố lại bộ máy tổ chức phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, Ban Tuyên huấn đã điều động cán bộ tham gia bộ máy chính quyền. Đây là thời kỳ chuyển đổi rất đặc biệt, Ban Tuyên huấn thực hiện hai chức năng Đảng và chính quyền. Mặc dù thực hiện cùng lúc hai chức năng vừa là cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam, vừa là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng Ban Tuyên huấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
(Trích từ Lý lịch Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam)
(Còn tiếp phần 4)
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, BBT-ĐH Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh
Ý kiến bạn đọc