Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19.8.1945 - 19.8.2020): Những người lưu giữ truyền thống

Thứ tư - 19/08/2020 18:00 153 0

   ​Những chiếc xe đạp thồ thời chiến, bi đông nước, vỏ đạn, các văn bản sờn màu… cùng nhiều hiện vật, công trình phục chế khác tại Khu Di tích lịch sử, văn hoá Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được những cán bộ, chiến sĩ Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị Công an tỉnh ngày đêm giữ gìn, tôn tạo.

154_dup806_911-thuong-uy-duong-thanh-hue-dang-thuyet-minh-huong-dan-cac-doan-ve-tham-quan-tai-bao-tang-cand CHINH.jpg

Thượng uý Dương Thanh Huệ đang thuyết minh, hướng dẫn các đoàn về tham quan tại bảo tàng CAND

Nơi họ làm việc không phải là ở trung tâm thành phố mà ở tận rừng sâu, nơi giáp với biên giới nước bạn Campuchia. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trên hết, có lẽ là tấm lòng biết ơn sự cống hiến, hy sinh của cha anh trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.

Khu Di tích lịch sử, văn hoá căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam thuộc khu vực rừng Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (giáp biên giới Campuchia). Đây là địa bàn chiến lược, cơ quan đầu não của Cách mạng miền Nam trước đây. Nay là nơi lưu giữ những hiện vật, những tư liệu đầy giá trị lịch sử tái hiện lại một thời hoa lửa của cách mạng miền Nam nói chung và của lực lượng Công an nhân dân nói riêng...

Ban quản lý khu di tích Di tích lịch sử, văn hoá căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam thuộc Phòng công tác đảng và công tác chính trị Công an tỉnh. Trung tá Võ Văn Hải, Trưởng BQL Khu di tích cho biết: “Hiện tại, BQL có 19 người, trong đó có 7 cán bộ chiến sĩ CAND và 12 nhân viên hợp đồng lao động. Công việc chính là bảo vệ an toàn khu di tích; phối hợp các đơn vị đóng quân trên địa bàn biên giới đảm bảo an ninh trật tự khu vực cửa khẩu biên giới.

Ngoài ra, cán bộ nơi đây còn có nhiệm vụ bảo quản các hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng Công an nhân dân, nhà trưng bày cố Bộ trưởng Phạm Hùng; dọn dẹp, chăm sóc, đảm bảo mỹ quan khu di tích... Khi có khách đến thăm, những cán bộ công tác nơi đây sẽ giới thiệu về khu di tích, về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ.

Nghe qua, tưởng chừng như công việc của cán bộ nơi đây hết sức đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thực tế để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc, quản lý, bảo vệ hơn 56 hecta, bao gồm các công trình kiến trúc và rừng nơi đây là cả một thách thức đối với cán bộ phụ trách Ban an ninh nói riêng và Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị nói chung, đặc biệt là việc bảo vệ an toàn khu di tích. Với vị trí giáp ranh biên giới Việt Nam – Campuchia, bốn bề là rừng già xanh thẳm, heo hút người qua lại, đây là điều kiện thuận lợi để một số loại tội phạm lợi dụng hoạt động.

Đó không chỉ là khó khăn duy nhất mà cán bộ nơi đây gặp phải. Quân số ít, việc lại nhiều, nhiều cán bộ phải làm việc xa nhà, đi sớm về khuya, xa rời ồn ào phố thị, nhiều đêm phải ở lại túc trực, canh gác nơi đây nhưng chẳng ai bảo ai, những cán bộ, chiến sĩ vẫn thầm lặng hàng ngày, hàng giờ làm tốt công tác được phân công.

Thượng uý Dương Thanh Huệ, cán bộ nữ duy nhất tại Ban chia sẻ, bản thân chị gắn bó với đơn vị đã gần 10 năm nay với nhiệm vụ là hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn tham quan  khu di tích. Nhà xa, phương tiện đi lại không thuận tiện, chị phải dậy từ sáng sớm bắt chuyến xe buýt lên Ban an ninh để kịp giờ làm, chiều về đến nhà nói sớm thì cũng đã hơn 6 giờ tối. Nhờ sự giúp đỡ, quan tâm  rất lớn của lãnh đạo, chỉ huy, đồng đội, chị đã cố gắng vượt qua khó khăn và yên tâm công tác đến hôm nay.

Cũng như thượng uý Huệ, vợ chồng anh Võ Thanh Lợi và chị Trịnh Thị Hạnh, nhân viên hợp đồng lao động tại Ban an ninh cũng đã gắn bó với mảnh đất này hơn chục năm nay. Anh quét dọn vệ sinh còn chị là “chị nuôi" của đơn vị. “Vợ chồng tôi làm việc ở đây cũng lâu lắm rồi, mỗi người một việc. Ở đây là rừng diện tích lại rộng nên quét dọn vất vả lắm, quét rồi nhưng gió đến là trở lại y như cũ, được cái cực nhưng vui.

154_dup806_922-cac-doan-ve-vieng-nghia-trang-tai-khu-di-tich-lich-su-ban-an-ninh-trung-uong-cuc-mien-nam.jpg

Các đoàn về viếng nghĩa trang tại Khu di tích lịch sử Ban an ninh trung ương cục miền Nam

Cũng nhờ công việc này mà tôi được tiếp xúc với những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý báu, được hiểu thêm về những hy sinh, mất mát của ông cha trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người ta còn phải ở xa đến để được biết Trung ương cục miền Nam còn mình được ở đây, được tạo điều kiện làm việc là may mắn lắm rồi" - anh Lợi vui vẻ chia sẻ.

Công việc thầm lặng, xa nhà, xung quanh là rừng. Thành tích của các anh chị không phải là những trận chiến gay go, cân não trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm mà là trận chiến với chính mình để giữ nhiệt huyết với nghề, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào khi Tổ quốc và nhân dân cần.

Những người lính trẻ ấy vẫn đã và đang ngày ngày thầm lặng dốc hết sức mình giữ gìn, tôn tạo và xây dựng khu di tích trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho lực lượng Công an nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thảo Trang

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay7,074
  • Tháng hiện tại57,222
  • Tổng lượt truy cập7,463,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây