Thống kê từ Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho thấy, tính đến ngày 20/8, số lượt tải ứng dụng Bluezone trên cả nước đã tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mốc 20 triệu lượt. Trong đó, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương đang là 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tỉ lệ số người dùng Bluezone trên dân số.
Tỉ lệ số lượng thuê bao đã cài đặt Bluezone của các nhà mạng đạt khoảng 22% và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Từ ngày 11/8, các nhà mạng cũng đã chủ động triển khai các biện pháp truyền thông (qua tin nhắn, thông báo trên ứng dụng, tờ rơi…), tư vấn, chăm sóc hướng dẫn cài đặt cho khách hàng, phối hợp cùng địa phương và các tổ chức xã hội đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ các bệnh viện, triển khai chương trình khuyến mại tặng lưu lượng truy cập Internet lên tới 5Gb cho các thuê bao cài đặt Bluezone, chung tay góp sức vào nỗ lực dập dịch.
Khi ngày càng nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện, hiệu quả của Bluezone đã được chứng minh. Đến nay, đã hỗ trợ cơ quan y tế địa phương truy vết phát hiện 1.391 trường hợp nghi đã từng ở gần người nhiễm hoặc người nghi nhiễm mới (ngoài danh sách truy vết truyền thống).
Theo ước tính, nếu Việt Nam có 50 triệu người cài đặt và sử dụng Bluezone sẽ đạt hiệu quả bảo vệ cho cả cộng đồng.
Đại diện Cục Tin học hóa cũng nhấn mạnh, ứng dụng Bluezone không sử dụng bất cứ thông tin cá nhân nào ngoài mục đích bảo vệ người dân và gia đình trước dịch bệnh.
Để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với các ca nghi nhiễm Covid
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc sử dụng các ứng dụng giúp xác định tiếp xúc gần để phòng tránh Covid-19 như Bluezone chỉ có hiệu quả khi khoảng 60% dân số trưởng thành cài đặt ứng dụng. Do vậy, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ có khoảng 50 triệu người sử dụng ứng dụng Bluezone.
Tác dụng của ứng dụng Bluezone là lưu lại lịch sử tiếp xúc giữa những người dùng ứng dụng này với nhau. Với sóng Bluetooth được bật sẵn, trong trường hợp 2 người dùng ứng dụng Bluezone có tiếp xúc gần (khoảng cách dưới 2 mét) trong thời gian đủ lâu, thiết bị của họ sẽ bắt sóng Bluetooth và ghi lại mã ID trên thiết bị của người từng tiếp xúc.
Khi phát hiện ra ca nhiễm bệnh mới (hoặc người nghi nhiễm F1), cơ quan y tế sẽ hỏi họ có sử dụng ứng dụng Bluezone không. Nếu có, mã ID ứng dụng Bluezone trên thiết bị của người này sẽ được đưa lên hệ thống.
Hệ thống sau đó sẽ gửi mã ID này tới thiết bị của tất cả những người sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ so sánh mã ID này với lịch sử tiếp xúc trên thiết bị xem có trùng hay không. Nếu trùng nhau, người sử dụng Bluezone sẽ nhận được cảnh báo đã từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Đồng thời, ứng dụng sẽ hiện thông tin về cơ sở y tế để người dùng có thể nhận được sự hỗ trợ.
Bằng cách làm này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ có danh sách những người có khả năng bị lây nhiễm. Cơ chế hoạt động của Bluezone giúp tìm ra chính xác các ca F1 từ F0, F2 từ F1. Quy trình này cứ thế lặp lại cho đến khi việc lây nhiễm được kiểm soát.
Nhờ được cảnh báo kịp thời về khả năng có thể bị lây nhiễm, người dùng Bluezone sẽ chủ động được việc liên hệ với cơ sở y tế nơi gần nhất, đồng thời tự giữ khoảng cách để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
Từ định hướng chỉ đạo cấp thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống Covid-19, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã triển khai cuộc vận động tuyên truyền cài đặt Bluezone trên cả nước với sự đồng hành chỉ đạo quyết liệt từ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hiền Minh
Nguồn Báo điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc