5 năm phán quyết Biển Đông: Không có chuyện sức mạnh tạo ra công lý

Thứ ba - 13/07/2021 00:00 214 0

  ​Phán quyết Biển Đông đóng vai trò “dẫn đường" cho các nước liên quan trong cuộc đấu tranh vì một trật tự dựa trên luật lệ chứ không phải dựa trên “sức mạnh tạo ra công lý". 

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết lịch sử về việc Philippines yêu cầu giải thích một số điều khoản của Công ước trong quan hệ với Trung Quốc.


Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là vụ kiện tại Tòa trọng tài theo Phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: AP

Những đóng góp quan trọng của phán quyết là:

- Khẳng định tính thống nhất và phổ cập của UNCLOS trong việc tạo ra khung pháp lý điều chỉnh quy chế pháp lý của lãnh thổ, đảo, đá, thực thể nửa nổi nửa chìm, bề rộng các vùng biển và các hoạt động hợp pháp trên biển. Tòa khẳng định các quyền và nghĩa vụ trên biển của quốc gia chỉ được điều chỉnh theo quy định của UNCLOS, bác bỏ mọi yêu sách trái với quy định của UNCLOS.

- Giải thích rõ mối quan hệ giữa quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và các quyền lịch sử. Các quy định của Công ước đã thay thế tất cả các quyền lịch sử có nội hàm trái với quy định của Công ước. Trên cơ sở đó, Tòa đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn trong Biển Đông

Lần đầu tiên, một cơ quan tài phán quốc tế đã giải thích cặn kẽ về điều 121 liên quan đến quy chế pháp lý của đảo, đá. Trên cơ sở đó, Tòa đã làm sáng tỏ bức tranh tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và Scarborough. Tất cả các thực thể nổi ở quần đảo Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Tất cả bãi nửa nổi nửa chìm ở quần đảo Trường Sa không phải là đối tượng chiếm hữu và không có vùng biển nào. 

Tòa bác bỏ mọi khả năng áp dụng đường cơ sở quần đảo cho các thực thể ở Trường Sa.

Tòa khẳng định nghĩa vụ của các nước trong việc bảo vệ môi trường biển, phê phán các hành động phá hoại san hô, làm thay đổi tính tự nhiên của thực thể để xây dựng các căn cứ trên biển.

Tòa đề cao nguyên tắc tự do biển cả và chỉ ra khả năng tồn tại biển cả ở Biển Đông cũng như các quyền đánh cá của ngư dân Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác. 

Nhìn nhận lại chính sách Biển Đông

Phán quyết là cơ sở để các nước nhìn nhận lại chính sách của mình trên Biển Đông. Sau nhiều lưỡng lự và chịu tác động của các yếu tố chính trị - kinh tế, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 8/6 vừa qua tuyên bố phán quyết là ngôi sao Bắc Đẩu đang chỉ đường cho chúng ta trong hiện tại, và cũng chỉ ra con đường đúng trong tương lai.

Phán quyết là chung thẩm và Philippines phản đối mạnh mẽ mọi mưu toan hạ thấp giá trị của phán quyết, xóa bỏ nó khỏi luật pháp, lịch sử và trí nhớ tập thể. Theo ông, phán quyết đã trở thành và sẽ tiếp tục là hòn đá tảng trong luật quốc tế và có giá trị với cả các nước khác có cùng các thực thể biển có vấn đề như Philippines.

Bằng việc giải thích các thực thể ở Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, phán quyết đã góp phần giảm thiểu tối đa các vụ tranh chấp phân định trong tương lai cũng như phạm vi các vùng biển chồng lấn. Các nước xung quanh Biển Đông có quyền bảo toàn các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định từ đất liền phù hợp với  UNCLOS và nguyên tắc “Đất thống trị biển".

Phán quyết là lý do để ngày 12/12/2019, Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc yêu sách về một thềm lục địa mở rộng (ECS) ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải về phía Bắc. Việc mở rộng này là hợp pháp nếu nó không tạo ra các vùng chồng lấn với thềm lục địa mở rộng từ Việt Nam hay Philippines.

Phán quyết là cơ sở thúc đẩy các quốc gia trong và ngoài khu vực thể hiện rõ hơn lập trường của mình về các vấn đề ở Biển Đông. Cuộc chiến trao đổi công hàm 2020-2021 với 25 công hàm, 2 thư ngoại giao và 1 tuyên bố (1 tuyên bố từ Brunei, 9 công hàm và 1 công thư từ Trung Quốc, 3 công hàm từ Malaysia, 3 công hàm từ Philippines, 3 công hàm từ Việt Nam, 2 công hàm từ Indonesia, 1 công hàm từ Australia, Pháp, Anh, Đức, Nhật và 1 công thư từ Mỹ).

Trừ Trung Quốc, nội dung các công hàm này đều thể hiện:

- Kêu gọi công nhận sự thống nhất và tính phổ quát của UNCLOS trong việc quy định khung pháp lý cần thiết cho mọi hoạt động trên biển và đại dương phải tuân theo. UNCLOS là cơ sở pháp lý căn bản để giải quyết các tranh chấp biển.

- Phán quyết ngày 12/6/2016 là chung thẩm và bắt buộc với các bên tranh chấp, Philippines và Trung Quốc.

- Các thực thể ở Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý.

- Quyền tự do hàng hải và hàng không trong Biển Đông cần phải được tôn trọng.

- Phương pháp vẽ đường cơ sở quần đảo chỉ được áp dụng cho các quốc gia quần đảo và chúng không thể được áp dụng một cách bất hợp pháp cho các đảo xa bờ của quốc gia ven biển.

- Các hoạt động cải tạo đất và tất cả các hình thức chuyển hóa nhân tạo khác không làm thay đổi quy chế pháp lý và sự phân loại các thực thể trên biển theo UNCLOS.

- Yêu sách liên quan đến thực thi “các quyền lịch sử" tại Biển Đông là không phù hợp với luật quốc tế và UNCLOS.

Nền tảng tạo nên sự thống nhất

Phán quyết tác động đến lập trường của ASEAN trong việc khẳng định vị trí trung tâm của tổ chức. Tuyên bố Chủ tịch hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 trong năm 2020 nêu rõ tính chất phổ quát và thống nhất của UNCLOS trong xác định các danh nghĩa vùng biển, các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển. 

Mọi hoạt động trên biển cần được thực thi trên cơ sở phù hợp với khung pháp lý mà UNCLOS quy định. Phán quyết có thể trở thành nền tảng tạo nên sự thống nhất của ASEAN trong thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông.

Các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thể hiện chính sách nhất quán từ chính quyền Trump tới chính quyền Biden ủng hộ phán quyết. Tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/2/2021 nêu rõ: 

Lập trường của Mỹ tương tự như các kết luận của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 về các yêu sách không có cơ sở pháp lý của Trung Quốc trong những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Philippines. 


​Mỹ tuyên bố ủng hộ phán quyết. Ảnh: AP

Mỹ phản đối bất kỳ yêu sách vùng nước bên ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo yêu sách tại quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc xua đuổi hoạt động thăm dò và đánh cá của các nước trong các vùng biển của các quốc gia yêu sách khác, hoặc đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên đó là phi pháp. Các vùng biển này được nêu đích danh là vùng Bãi Cỏ Rong (Phillipines), Tư Chính (Việt Nam) hay Luconia (Malaysia). Đây là cơ sở để Mỹ và các nước đồng minh Australia, Pháp, Đức, Anh triển khai các hoạt động tự do hàng hải của tàu chiến trong những tháng gần đây. 

Sự tham gia của nhiều nước trong tranh luận công hàm không phải là sự hình thành liên minh chống lại yêu sách của Trung Quốc mà là sự thể hiện lập trường chung về mặt pháp lý. Các vấn đề tranh chấp phải được giải quyết dựa trên luật pháp chứ không phải mạnh ai nấy làm, đi ngược lại nguyên tắc của Liên hợp quốc là các quốc gia đều bình đẳng.

Chính sách đơn phương của Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách đơn phương không chấp nhận thẩm quyền của Tòa, không chấp nhận phán quyết và không thực thi phán quyết. 

Nước này không chỉ tập trung các nhà nghiên cứu để viết lập luận nhằm bác bỏ lập luận phán quyết. Trung Quốc còn đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý và thúc đẩy thực thi pháp luật Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông như thành lập các quận hành chính, đặt tên thực thể, tên các thực vật cây cỏ, thông qua Luật cảnh sát biển 2021…

Phán quyết buộc Trung Quốc có những điều chỉnh khi đưa ra khái niệm Tứ Sa thay thế cho yêu sách đường 9 đoạn. Trung Quốc tiếp tục vận dụng các quy định UNCLOS có lợi và lảng tránh các quy định bất lợi. Điều này không đúng với tinh thần “chấp nhận cả gói - package deal" mà UNCLOS yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết thực hiện.

Phán quyết đã bắt đầu được các bên viện dẫn để giải quyết những tranh chấp mới nảy sinh như vụ đá Ba Đầu tháng 2 năm nay.

Mỗi sự thay đổi cần có thời gian để đi đến nhận thức thống nhất giữa các bên. Phán quyết đã là một phần của lịch sử không thể chối bỏ. Nó sẽ đóng vai trò “dẫn đường" cho các nước liên quan trong cuộc đấu tranh vì một trật tự dựa trên luật lệ chứ không phải dựa trên “sức mạnh tạo ra công lý".    


Nguyễn Hồng Thao

Theo Vietnamnet.vn

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay4,685
  • Tháng hiện tại144,600
  • Tổng lượt truy cập7,942,508
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây