Bố trí, ưu tiên nguồn vốn đầu tư thực hiện các con đường ven biển; đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông cảng biển, công trình logistic… là động lực và mục tiêu quan trọng tiến tới phát triển bền vững kinh tế biển.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Phát triển kinh tế biển đang là mối quan tâm của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố có biển nói riêng. Trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm và đề xuất giải pháp tiến tới phát triển bền vững kinh tế biển.
Chỉ rõ tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng các tuyến đường ven biển, nhiều đại biểu cho rằng đầu tư xây dựng tuyến đường này nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển; đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.
Bố trí nguồn vốn phát triển đường ven biển
Cho ý kiến về việc Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường ven biển dài 1.700 km từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết: Đây là con đường quan trọng cho nhiều vùng, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vậy, cần nhìn nhận con đường này ở góc độ rộng hơn là đường giao thông.
Đại biểu lý giải: Nếu chỉ là đường giao thông, đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần ưu tiên cho các tuyến đường cao tốc dọc và ngang sẽ hiệu quả hơn. Nếu con đường này hình thành ngoài vấn đề quốc phòng, an ninh sẽ mở ra không gian kinh tế mới cho vùng, nhất là không gian kinh tế biển theo hướng công nghiệp như: công nghiệp khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề biển, nghề thủy sản, kinh tế nuôi trồng thủy sản…
Đồng thời, tới đây sẽ bố trí lại dân cư và đặc biệt là hình thành các đô thị ven biển, đáp ứng việc ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phù hợp với Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cũng như thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long. “Và chắc chắn trong tương lai thì kinh tế công nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long sẽ nằm ở dọc tuyến này", đại biểu chia sẻ.
Trước thực tế trên, đại biểu đề xuất Chính phủ cần tính toán với các địa phương và có sự ưu tiên, bố trí nguồn vốn, kể cả vốn vay để thực hiện con đường ven biển này. “Vì hiệu quả kinh tế đem lại sẽ rất lớn trong tương lai, thúc đẩy sự liên kết và phát triển cân đối giữa các vùng miền. Tôi mong Quốc hội, Chính phủ có tính toán sâu thêm nội dung này và nên có nhấn mạnh trong nghị quyết của Quốc hội lần này", đại biểu kiến nghị
Cho ý kiến về vấn đề kinh tế tại các cảng biển, đại biểu Cảnh cũng cho biết, dự án ưu tiên đầu tư hoàn thành giai đoạn 2 luồng sông Hậu hay kênh Quan Chánh Bố (lối tắt từ sông Hậu đi qua tỉnh Trà Vinh) đã được khởi công từ năm 2007 và đã đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, theo dự kiến của Bộ Giao thông vận tải cần khoảng 1.500 tỷ đồng nữa sẽ thông luồng.
Theo đó, các tàu 20.000 tấn có thể ra vào cảng như cảng Cái Cui ở thành phố Cần Thơ. Hiện tại chỉ có tàu dưới 10.000 tấn và phải xếp hàng theo thủy triều thì mới vào được cảng. Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay xuất khẩu 95% sản lượng lúa, 60% sản lượng thủy sản, 65% sản lượng trái cây của cả nước, nhưng những nông sản này phải xuất khẩu thông qua các cảng của thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, việc vận chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố Hồ Chí Minh đã làm tăng chi phí, đội giá thành, mà các nông sản này ở mức độ lợi nhuận thấp, bởi vậy phải làm giảm chi phí thì người sản xuất mới có lợi. Vì vậy, đại biểu cho rằng nếu thông luồng sông Hậu được nhanh chóng hoàn thành sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho vùng.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh, đầu tư công trung hạn phải có trọng tâm trọng điểm, các công trình phải có tính lan tỏa cao. Đại biểu cũng lưu ý đối với dự án ven biển chạy qua rất nhiều cửa sông nên gặp nhiều khó khăn, phải xây dựng nhiều cầu, khó khăn về kỹ thuật, nguồn vốn. Dự án đi qua nhiều tỉnh nên chưa cân đối được ngân sách.
Do vậy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị đối với các dự án chưa cân đối được ngân sách, vốn Trung ương rót về địa phương cần phải tăng lên, còn vốn địa phương có thể giảm đi. Các dự án kè đê, đường ven biển cần kết hợp làm đường giao thông.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Phát triển hệ thống giao thông, cảng biển
Nhiều đại biểu cho rằng những thành tựu đạt được của đất nước ta trong quá trình đổi mới nền kinh tế và hội nhập quốc tế có sự đóng góp rất lớn của các khu kinh tế ven biển. Hiện nay, nước ta có nhiều khu kinh tế ven biển được thành lập và quy hoạch. Đây chính là nơi có không gian kinh tế mở, có tính kết nối cao, có môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng cần thiết phải đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, cảng biển, các công trình logistic… để làm động lực phát triển toàn vùng.
Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường vành đai ven biển.
“Xin kiến nghị cần thiết phải đầu tư tuyến đường ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long, gắn với quy hoạch vùng và địa phương nhằm phát triển hành lang kinh tế ven biển; xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị, phát triển các trung tâm kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế quốc phòng vùng ven biển, vùng biên giới biển, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới", đại biểu nêu rõ.
Cho rằng đầu tư các dự án quốc lộ hay các tuyến đường biên giới rất quan trọng, đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) đề nghị những tuyến đường này cần được ưu tiên đầu tư. Vùng ven biển mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho người dân nên cũng thuộc danh mục cần ưu tiên đầu tư.
Về đầu tư công trình trọng điểm, cho rằng đầu tư xây dựng đường giao thông ở đâu cũng quan trọng, đại biểu đề nghị cần có tiêu chí rõ ràng, thế nào là công trình quan trọng, không thể chung chung.
Đại biểu Dương Văn An (Bình Thuận) cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có tuyến đường ven biển, tuyến đường nối Nam Trung Bộ với Tây Nguyên. Bởi khi dự án hoàn thành, đời sống người dân sẽ được cải thiện và đảm bảo quốc phòng an ninh. Đại biểu đề nghị cần tăng cường phát triển liên kết giữa các vùng, mở ra cơ hội giao thương giữa các địa phương./.
Bích Liên
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bạn đọc