Rừng ngập mặn mất đến 70%, khoảng 11% các rạn san hô bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi; khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ bị đe dọa… là những con số cho thấy tình trạng môi trường biển đang dần bị hủy hoại nếu chúng ta không sớm có giải pháp quyết liệt và kịp thời.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ TN&MT |
Ô nhiễm phá hủy nguồn tài nguyên biển
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, tài nguyên biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững. Ước tính, cỏ biển trên toàn vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40 - 60%; rừng ngập mặn (RNM) mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.
Những cánh RNM nguyên sinh hầu như không còn. Sự suy giảm trầm trọng diện tích RNM đã kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH) biển, đặc biệt mất bãi sinh sản và nơi cư ngụ của các loài thủy sinh.
Đáng lưu ý, hệ sinh thái (HST) thảm cỏ biển là một trong những HST biển quan trọng, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương và suy thoái. Sự suy thoái HST thảm cỏ biển thể hiện trên các khía cạnh như giảm số lượng cá thể và số loài, thu hẹp diện tích phân bố, ô nhiễm, thoái hóa môi trường sống, giảm ĐDSH và nguồn lợi kinh tế của các loài quý hiếm.
Theo báo cáo, thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo ở độ sâu từ 0 – 20 m hiện chỉ còn khoảng trên 5.583 ha. Một số khu vực, thảm cỏ biển hầu như không có cơ hội để phục hồi tự nhiên do có quá nhiều tác động từ hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở khu vực này (Cát Bà, Hạ Long, Quảng Nam…).
Báo cáo cũng khẳng định, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô; 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống nhiều nơi độ phủ giảm trên 30%. Sự suy giảm diện tích và những tổn thương của nhiều rạn san hô làm suy giảm ĐDSH, sinh thái và chất lượng môi trường biển; thiệt hại cho ngành du lịch, thủy sản và sinh kế của các cộng đồng vùng ven biển.
Hiện nay mặc dù đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên, nhưng diện tích được phục hồi còn rất thấp. Bên cạnh đó, việc khai thác và đánh bắt cá quá mức, đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ bị đe dọa; nhiều loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực).
Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây cũng chỉ ra rằng, khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo phân tích của Tiến sĩ Dư Văn Toán và Tiến sĩ Trần Đức Trứ, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Đa phần các yếu tố vật lý, động lực có xu hướng gia tăng, các yếu tố hóa học có xu thế suy giảm, các yếu tố sinh học, sinh thái thay đổi theo hướng tiêu cực, gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc hệ sinh thái đại dương và sinh kế ngư dân. Nước biển dâng làm cho không gian môi trường sống của cư dân ven biển bị thu hẹp lại, vùng ven biển và cửa sông sẽ bị xâm nhập mặn sâu hơn; các sinh vật biển và hệ sinh thái sẽ dần biến mất do các vùng biển chết ngày càng mở rộng.
Bởi vậy, cần phải xác định việc nghiên cứu biến đổi môi trường và ô nhiễm biển, tổ chức quan trắc định kỳ các yếu tố đại dương chỉ thị cho sự thay đổi môi trường đại dương, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường biển, đại dương quốc gia, bao gồm ô nhiễm…
Các chuyên gia cũng khẳng định, hoạt động của con người là nguyên nhân chính của hiện tượng dư thừa các chất dinh dưỡng đổ vào đại dương từ các cống, rãnh, sông, suối. Đó là nguyên nhân gây ô nhiễm, dần sẽ tạo ra những “vùng biển chết" – nơi có hàm lượng ôxy thấp hoặc thiếu ôxy, gây nguy hại tới sự sống của các sinh vật biển.
Bởi vậy, để không có những “vùng biển chết" trong tương lai thì công tác bảo tồn biển, gìn giữ đa dạng sinh học, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển phải trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Ô nhiễm từ sự cố môi trường biển
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong số các sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu xuất hiện nhiều nhất trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam đều là các sự cố nhỏ, đã được ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả kịp thời.
Sự có tràn dầu gây ảnh hưởng xấu đến HST biển, đặc biệt là hệ sinh thái RNM, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các HST từ tác động của các tai biến. Khi chảy loang trên mặt nước, dầu tạo thành váng và bị biến đổi tính chất. Hàm lượng dầu trong nước tăng, các màng dầu làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa không khí và nước, dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương HST.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, tràn ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Những vụ tràn dầu thường vào dịp từ tháng 3 đến tháng 6, điển hình như sự cố tràn dầu tàu Formosa One xảy ra năm 2001 tại vịnh Gành Rái, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sự cố tràn dầu tàu Hồng Anh xảy ra năm 2003 cũng là một minh chứng điển hình. Do sóng lớn làm đắm tàu Hồng Anh trong khu vực vịnh Gành Rái, làm tràn khoảng 100 tấn dầu FO.
Cùng với đó, chỉ tính riêng năm 2019 đã có 7 vụ sự cố tràn dầu. Tiêu biểu là sự cố tràn dầu tàu Vietsun chở 150 tấn dầu bị chìm tàu ngày 19/10/2019 tại khu vực sông Lòng Tàu, Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ và các khu vực NTTS.
Hay sự cố tàu hàng 8.000 tấn chìm trên sông Lòng Tàu (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) vào ngày 18/10/2019. Mặc dù, đơn vị ứng phó sự cố phải tiến hành bơm hút 150 tấn dầu ra khỏi tàu nhằm hạn chế sự cố tràn dầu, tuy nhiên một phần dầu loang ra sông gây ảnh hưởng môi trường khu vực.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, sự cố dầu tràn trên biển thường để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường, HST biển và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và NTTS, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Ngoài sự cố tràn dầu trên biển, trong những năm gần đây, hiện tượng xả thải nước thải chưa qua xử lý xuống môi trường nước biển ven bờ đã gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, gây đảo lộn đời sống xã hội của cư dân ven biển, đe dọa an ninh môi trường biển. Điển hình là sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung xảy ra vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
Chỉ rõ nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu, ông Lê Đại Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Nước ta là quốc gia biển với diện tích hơn 1 triệu km 2 với nhiều hoạt động kinh tế trên biển. Đặc biệt, biển Đông chúng ta có nhiều tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa không ít nguy cơ tràn dầu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc dầu tràn thường do các phương tiện di chuyển, do các sự cố, thiên tai,…gây ra khi xảy ra sự cố, tùy theo quy mô, mức độ sẽ gây ra hậu quả khác nhau về lâu dài.
Theo ông Thắng, đối với các sự cố rõ nguyên nhân, biết nguồn gốc sẽ có những thuận lợi nhất định về hướng xử lí. Nhưng những trường hợp không rõ nguyên nhân là một bài toán rất khó mà chúng ta đã gặp phải như ở Vũng Tàu, Quảng Trị, Quảng Nam.
Để có giải pháp khắc phục tình trạng này, đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đánh giá cao vai trò của truyền thông và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan truyền thông cần tham gia tích cực đến vấn đề này. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động cung cấp thông tin cho truyền thông còn doanh nghiệp phải có thông điệp rõ ràng và tích cực về môi trường. Khi truyền thông về hậu quả sự cố môi trường thì phải cung cấp thông tin xác thực nhất. Việc này không chỉ nâng cao nhận thức mà còn giúp giải quyết các vấn đề môi trường một cách tốt nhất.
Theo Tổng cục Môi trường, để phòng ngừa, ứng phó và xử lý tốt sự cố tràn dầu trên biển và ven biển trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ sự cố tràn dầu; xây dựng các bản đồ nhạy cảm tràn dầu, nhất là mô hình tính toán sự lan truyền dầu ứng với các kịch bản tràn dầu khác nhau; nâng cao nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, triển khai những hoạt động thiết thực như: tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó lấy thực hành và rèn luyện kỹ năng làm trọng yếu; xây dựng, phát triển các trạm ứng phó sự cố môi trường trên biển…/.
Bích Liên
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bạn đọc