Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh thảo luận Tổ cùng các đoàn Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bình Phước.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 và Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; đa số các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét về việc liên kết vùng để các tỉnh cùng phối hợp phát triển kinh tế. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đề nghị siết chặt, xử lý nghiêm tình trạng không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch để lây lan dịch bệnh và chống đối các lực lượng phòng chống dịch…
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu trong phiên thảo luận tổ
Phát biểu về các giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ông Huỳnh Thanh Phương – đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, hiện nay dịch Covid 19 đang hoành hành, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội trong nước và có thể kéo dài, Chính phủ cần có chiến lược dự báo một cách khoa học, sát với từng vấn đề để phục vụ tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh góp phần hoàn thành mục tiêu 5 năm: GDP tăng 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người 2025 là 5.000 USD. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, về thể chế, cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo thông thoáng trong cơ chế phát triển, bao gồm hệ thống những chủ trương của pháp luật, chính sách, quy tắc về tổ chức quản lý, vận hành sản xuất, lưu thông đầu tư, thương mại. Đại biểu nhấn mạnh, thể chế đúng đắn, phù hợp sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây là công việc thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ diễn ra một lần.
Hai là về bộ máy, việc thực hiện theo Nghị quyết 18, 19 bước đầu đã có nhiều kết quả, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian. Đại biểu đề nghị cần lựa chọn và bố trí cán bộ đúng người, đúng việc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm một cách khoa học, không chung chung, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Ba là, có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vì tình hình hiện nay đang rất khó khăn, các gói hỗ trợ của Chính phủ các doanh nghiệp rất khó tiếp cận và rất ít doanh nghiệp được tiếp cận. Đại biểu đề nghị cần đánh giá lại các gói hỗ trợ đã thật sự đến doanh nghiệp, người dân hay chưa.
Bốn là, cần thúc đẩy mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng đó là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Về đầu tư, thực hiện giải ngân đầu tư công, chú trọng các dự án trọng điểm, có sức thúc đẩy tăng trưởng; Thu hút đầu tư tư nhân trong nước làm cơ sở thu hút đầu tư nước ngoài; Về tiêu dùng phải làm cho người Việt Nam yêu thích dùng hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành, hình thức, mẫu mã; đẩy mạnh thương mại điện tử. Về xuất khẩu cần khai thác tốt các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương: CPTPP, EVFTA, RCEP trong hoàn cảnh có dịch cũng như không có dịch, chú ý đến hàng hóa có lợi thế của ta; có biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp để bảo vệ doanh nghiệp, người dân và hàng hóa của Việt Nam; tháo gỡ các vướng mắt, rào cản trong việc xuất khẩu, giảm thiểu thấp nhất chi phí vận chuyển.
Kim Chi
(lược ghi)
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc