Ngày 25/7, ngày làm việc thứ 6, Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu trong phiên họp Quốc hội tại hội trường ngày 25/7
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Thanh Phương nhận định, những tháng đầu năm, đất nước ta diễn ra hai sự kiện chính trị trọng đại là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cả hai sự kiện này đều diễn ra trong bối cảnh, dịch Covid-19 quay lại, ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với niềm tin và ý thức chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện an toàn và thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mang lại bầu không khí phấn khởi, niềm tự hào cho Nhân dân ta đối với Đảng, Quốc hội và chính quyền các cấp, hứa hẹn một chặng đường tươi sáng hơn của đất nước ở phía trước theo định hướng Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đại dịch Covid – 19 lần thứ tư có nguồn lây nhiễm phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, số ca mắc và số bị cách ly, địa điểm bị phong tỏa nhiều hơn, do vậy công tác phòng chống dịch lần này khó khăn, phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, cùng sự đồng hành của người dân và Doanh nghiệp, Việt Nam đã tiếp tục có những thành tựu quan trọng trong công tác vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật như:
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều chỉ số tín nhiệm của nền kinh tế vẫn được nâng lên, niềm tin thị trường vẫn được bảo đảm, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, an sinh xã hội được giữ vững;
Thực hiện khá thành công mục tiêu kép, tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được ở mức khá cao, quý 1 đạt 4,48%, quý 2 đạt 6,61%, 6 tháng đạt 5,64%, tuy mức tăng trưởng này chưa đạt mục tiêu đề ra, song trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn ra nguy hiểm, khó khăn chồng chất, đó vẫn là một kết quả đáng tự hào.
Lĩnh vực nông nghiệp gặt hái được nhiều thành công; xuất nhập khẩu của lĩnh vực nông nghiệp tăng cao, riêng xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, trong những thành tựu quan trọng đó phải kể đến lĩnh vực y dược. Đại biểu hy vọng rằng trong một thời gian không xa nước ta sẽ sản xuất được vaccine phòng Covid-19 với chất lượng không thua kém các loại vaccine hàng đầu thế giới. Đây không chỉ là sự bảo đảm cho công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này một cách căn cơ, bảo vệ sức khỏe của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; mà còn là niềm tự hào, là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy nhiều vấn đề đối ngoại và kinh tế đối ngoại của nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng trong 6 tháng qua, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước hết là nhiều nơi, nhiều địa phương chưa quán triệt và thực hiện tốt “mục tiêu kép" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ở một số nơi, một số địa phương còn có hiện tượng chủ quan lơi lỏng, có địa phương đề ra biện pháp chống dịch thái quá khiến việc lưu thông hàng hoá chậm lại, đẩy chi phí lên cao; một số nơi còn nhiều cán bộ cơ sở thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Mức tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chưa trên cơ sở thị trường, đồng thời khâu tổ chức thương mại, chế biến nông sản còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng phải giải cứu hoặc khó khăn trong tiêu thụ nông phẩm mang tính thời vụ, giá trị hàng hoá nông phẩm chưa tương xứng, gây thiệt thòi cho nông dân và nền kinh tế.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương kiến nghị một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021:
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, đồng thời là điều kiện làm tăng niềm tin thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm an sinh xã hội.
Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, nhằm bảo đảm nguồn cung tiền một cách thích hợp, linh hoạt trong từng thời điểm. Bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát một cách hợp lý; giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là cân đối thu chi, xuất nhập khẩu; Bảo đảm thanh khoản của hệ thống tài chính, ngân hàng, thu hẹp nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giữ vững và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân trên phạm vi cả nước không ngừng nỗ lực, nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép", phải khống chế và dập dịch Covid-19 một cách hiệu quả, đặc biệt là ở các địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Muốn vậy, Chính phủ, doanh nghiệp và mọi người dân chung tay để nhanh chóng tiếp cận được nguồn vaccine. Kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước, đáp ứng yêu cầu chủ động phòng chống dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước.
Có phương án tổ chức sản xuất phù hợp trong từng doanh nghiệp khi xảy ra dịch bệnh; bảo đảm nơi ăn, ở, sinh hoạt, đi lại của người lao động theo hướng tách doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, phân xưởng này với phân xưởng khác, bộ phận này với bộ phận khác để vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tổ chức tốt các hoạt động thương mại, lưu thông hàng hoá trong điều kiện bình thường mới, cũng như trong hoàn cảnh có dịch, tránh tình trạng đứt gãy lưu thông hàng hoá. Tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng thông qua thương mại điện tử, kinh tế số, khai thác tốt thị trường trong nước và nước ngoài.
Thứ ba, tháo gỡ mọi rào cản nhằm giải ngân có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Xây dựng chính sách thích hợp nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân, thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức công – tư; thực hiện tốt hơn chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào những lĩnh vực công nghệ cao, khu vực có sức lan tỏa mạnh vào kinh tế - xã hội trong nước.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cả về thể chế, vốn và các điều kiện khác nhằm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Có chính sách thỏa đáng để số lượng, quy mô, chất lượng doanh nghiệp tư nhân không ngừng được tăng lên. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước phải thật sự vươn lên trở thành những doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế và là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước can thiệp có hiệu lực, hiệu quả vào nền kinh tế đất nước.
Kim Chi
(Từ Hà Nội)
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc