Đại hội diễn ra trong bối cảnh đặc biệt quan trọng, nhân loại kết thúc một thế kỷ phát triển kinh tế mạnh mẽ xen lẫn những cuộc khủng hoảng lớn; nước ta kết thúc thắng lợi 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000) và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khoá VI, Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện trình Đại hội IX của Đảng, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI, Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6 (lần 2).
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VII ( nhiệm kỳ 2001 -2005).
Đồng chí Hồ Thanh Tuyên - Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2001-2005.
Về đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Đảng bộ tỉnh, Đại hội cho rằng, thời kỳ 1995 - 2000, nền kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp gắn với nhau cùng phát triển, giải quyết cơ bản mất cân đối giữa sản xuất và chế biến nông sản, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng kinh tế được khai thác tốt hơn. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có những tiến bộ mới, một số mặt hoàn thành chỉ tiêu trước thời gian Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ tỉnh đề ra, đời sống của Nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng lên; giải quyết việc làm cho 68.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn cũ của Trung ương) giảm từ 8% (1995) xuống 1,89%, không còn xã nghèo theo quy định của Trung ương, GDP bình quân đầu người đạt 320 USD (giá cố định năm 1994), cơ bản xoá xong nhà ở lụp xụp của các đối tượng chính sách. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân được củng cố, công tác quân sự địa phương đi vào nền nếp; tuyên truyền và thực thi pháp luật tốt hơn. Hệ thống chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp từng bước đổi mới, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, khối đoàn kết toàn dân được mở rộng; cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” đạt kết quả bước đầu, triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tạo được chuyển biến mới trong cán bộ, công chức và Nhân dân; công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm. Thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả bước đầu quan trọng; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước đổi mới; năng lực và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên được nâng lên; toàn tỉnh hoàn thành việc quy hoạch cán bộ giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010; cơ sở đảng trong sạch vững mạnh tăng bình quân mỗi năm 3,67%, phát triển Đảng tăng bình quân 17% /năm, cuối năm 2000 toàn tỉnh có 14.927 đảng viên; kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo và đảng viên vi phạm.
Đại hội cũng thẳng thắn, chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém trong nhiệm kỳ 1996-2000. Đó là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và chiếm tỷ trọng thấp trong GDP; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá vừa thấp vừa chưa gắn với thị trường nên nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm dần; các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, huy động từ GDP vào ngân sách…không đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra, một số cây trồng chính phát triển không như dự kiến; đầu tư phát triển, nhất là đầu tư nước ngoài giảm mạnh ảnh hưởng đến tốc độ phát triển những năm sau; tiềm năng về đất đai, lao động, du lịch…chưa được khai thác tốt; cơ chế, chính sách chưa thật thông thoáng, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt, xã hội hoá một số mặt chậm; nổi lên là, sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng còn lớn, đời sống của Nhân dân vùng sâu, biên giới còn khó khăn, lao động chưa có việc làm còn khoảng 5% và có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý, bảo vệ môi trường còn nhiều mặt yếu kém, bất cập. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp gây mất ổn định; kỷ cương, phép nước trên một số lĩnh vực chưa nghiêm; các tệ nạn xã hội, làm trái pháp luật có chiều hướng gia tăng; lực lượng đứng chân trên biên giới phối hợp chưa chặt chẽ; công tác chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; các hoạt động tôn giáo trái phép chưa được ngăn chặn triệt để. Hệ thống chính trị chậm đổi mới; việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều mặt yếu kém; trong bộ máy còn tồn tại nhiều sức ỳ, lực cản; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo; cải cách hành chính chưa được quan tâm đúng mức; quan điểm, thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa tốt, chưa nhận thức đúng mức về công tác dân vận; các phong trào quần chúng chưa có sức bền, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn hạn chế; tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhân rộng các mô hình tốt chưa kịp thời; công tác tư tưởng chưa nhạy bén, tính thuyết phục chưa cao; chất lượng và hiệu quả kiểm tra còn thấp, chưa chủ động phát hiện sai phạm tại chổ để ngăn ngừa.
Trên cơ sở đánh giá tình hình nhiệm kỳ 1996 - 2000, dự báo những thuận lợi và khó khăn, Đại hội thảo luận và thông qua mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 là “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trước mắt tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn, phát triển mạnh công nghiệp chế biến; chọn lọc, đổi mới trang thiết bị, quy trình công nghệ một số ngành công nghiệp tiên tiến phục vụ cho ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, văn hoá cho Nhân dân, đưa tỉnh nhà thoát khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng để đến năm 2020 tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển bền vững. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phát huy tốt các nguồn lực con người, giáo dục – đào tạo, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng đồng thời với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và toàn tuyến biên giới để góp phần cùng với cả nước hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân 10-12%/năm; đến năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 835 USD (giá cố định 1994), cơ cấu tỷ trọng nông - công nghiệp và dịch vụ trong GDP tương ứng 28% - 37% - 35%, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đạt 35,7%, thu ngân sách/GDP đạt 14%.
Để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, Đại hội đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2001 - 2005. Phương hướng chỉ đạo cho nhiệm kỳ là:
- Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, phải dồn sức chặn đà giảm sút, nâng dần nhịp độ tăng trưởng kinh tế bảo đảm cao hơn mức bình quân năm năm trước; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; phát triển sản xuất phải gắn với thị trường, sản phẩm sản xuất ra phải được thị trường chấp nhận. GDP tăng bình quân hằng năm từ 14% trở lên; đến năm 2005 cơ cấu tỷ trọng nông - công nghiệp và dịch vụ trong GDP tương ứng là 36% - 30% - 34%, GDP bình quân đầu người đạt 570 USD (giá cố định 1994), huy động GDP vào ngân sách đạt trên 10% và tăng bình quân hằng năm 13 - 14%, đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn hằng năm chiếm khoảng 34% - 35%, chi xây dựng cơ bản chiếm 30% tổng chi ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm 14% - 15%.
- Đi đôi với tăng trưởng kinh tế, từng bước giải quyết công bằng xã hội, tập trung giải quyết ngay những vấn đề bức xúc gay gắt, đảm bảo phát triển văn hoá - xã hội, chăm lo sức khoẻ Nhân dân, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống của Nhân dân, phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm. Tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra trong các chương trình, dự án. Phấn đấu đến năm 2005 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,32%, tạo điều kiện giải quyết việc làm hằng năm cho 16.000 - 17.000 lao động, hoàn thành cơ bản phổ cập trung học cơ sở ở các phường, thị trấn và 50% số xã còn lại, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 85%, sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt từ 60 - 70%, đạt 5-6 máy điện thoại trên 100 dân, có 5 bác sĩ trên 1 vạn dân, 100% trạm xá xã có bác sĩ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 25%, hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới của Trung ương còn dưới 5%.
- Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, lực lượng vũ trang sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống. Pháp luật được tuyên truyền rộng rãi và thực thi có hiệu quả. Tiếp tục đấu tranh ngăn chặn và kéo giảm tiêu cực, tham nhũng; thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm để tăng đầu tư phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, tiến hành nhanh cải cách hành chính, tăng cường công tác vận động quần chúng để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VII gồm 47 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng gồm 12 đồng chí chính thức và 2 dự khuyết. Phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII bầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ 13 đồng chí; đồng chí Hồ Thanh Tuyên được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Lê Thị Bân giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Tiến giữ chức vụ Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Đ.K
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc