TÓM TẮT DIỄN BIẾN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH TÂY NINH LẦN THỨ VI, NHIỆM KỲ 1996 - 2000

Thứ năm - 02/01/2025 10:04 26 0
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 1996 - 2000) diễn ra từ ngày 23/4 đến ngày 25/4/1996 tại Hội trường Tỉnh uỷ. Dự Đại hội có 340 đại biểu chính thức đại diện cho gần 11.000 đảng viên trong tỉnh. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười thay mặt Bộ Chính trị gởi thư chúc mừng đại hội và chỉ đạo “Đại hội đoàn kết, phấn khởi, không phô trương, lãng phí, giữ gìn bí mật”.

Đại hội VI Đảng bộ tỉnh có nhiệm vụ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá V về kiểm điểm, đánh giá tình hình và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ 1991-1995; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 1996 – 2000; thảo luận bản tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội VIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá VI và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội VIII của Đảng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VI ( nhiệm kỳ 1996 - 2000).

Đồng chí Nguyễn Văn Rốp - Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh từ 1995 - 12/1996.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh - Bí thư Tỉnh uỷ từ tháng 1/1997 – 2000.

Đánh giá tình hình nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Đại hội nhất trí cho rằng, thời kỳ 1991 - 1995, Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh tiếp tục đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội rất quan trọng. Nền kinh tế vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất và đi dần vào thế ổn định, phát triển; kinh tế tăng trưởng với nhịp độ khá nhanh và liên tục. Thời kỳ 1991 - 1995, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 11,3%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8,2%); rút ngắn được khoảng cách về GDP bình quân đầu người của tỉnh (so với GDP bình quân cả nước) từ 82,6% năm 1990 lên 96% vào năm 1995. Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng hằng năm đều tăng lên. Nhiều vấn đề cấp bách của xã hội được giải quyết kịp thời; sự nghiệp văn hoá, khoa giáo tiếp tục đạt được những tiến bộ mới. Đời sống của Nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên. Sự nghiệp vì con người, vì xã hội công bằng, văn minh được triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu rất khả quan. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng đảm bảo hơn. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và đổi mới phương thức hoạt động; hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Đó là những tiền đề quan trọng cho tỉnh phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.

Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của tỉnh. Đó là, nền kinh tế phát triển chậm so với một số tỉnh trong khu vực. Cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, công nghệ chậm được đổi mới, thiếu vốn đầu tư, quản lý còn yếu kém nên phát triển chưa vững chắc; sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và trong nội bộ từng ngành còn chậm; tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế thấp, hiệu quả sản xuất xã hội chưa ổn định. Những yếu kém trên thể hiện ở chỗ, so với cả nước thì GDP bình quân đầu người của tỉnh còn thấp (300/312 USD); cơ cấu kinh tế cũng lạc hậu hơn so cả nước, tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong GDP của tỉnh là 45,8 - 18,6 - 35,6, của cả nước là 27,2 - 30,3 - 42,5; cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; một số cân đối lớn chưa vững chắc. Một số mặt trong lĩnh vực khoa giáo, văn hoá, xã hội còn hạn chế, có mặt đang là vấn đề bức xúc, là mầm mống gây mất ổn định xã hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn nhiều nhân tố phức tạp; kỷ cương, pháp luật trên một số lĩnh vực chưa được tôn trọng và thực thi triệt để, cả về phía cơ quan Nhà nước và phía quần chúng nhân dân. Công tác xây dựng Đảng còn nhiều khiếm khuyết, nổi lên là công tác tư tưởng chưa kịp thời giải đáp những bức xúc mà cuộc sống thực tiễn đặt ra; công tác tổ chức cán bộ vừa chậm, vừa chưa căn cơ; tổ chức bộ máy tuy được sắp xếp, kiện toàn một bước nhưng hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; mối quan hệ và sự phối hợp, kết hợp trong hệ thống chưa được hoàn thiện; phong cách công tác và năng lực cán bộ còn hạn chế; nhiều nơi, nhiều ngành hụt hẫng cán bộ kế thừa, cán bộ có chuyên môn giỏi. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ còn lúng túng; sự phân định giữa lãnh đạo và điều hành, quản lý chưa rạch ròi nên họp hành nhiều, vừa trùng dẫm, vừa sơ hở; một số cấp uỷ viên chưa kết hợp tốt vai trò lãnh đạo chung và phụ trách công tác chuyên môn, giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách; một số cấp uỷ chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc và việc thực hiện quy chế cũng còn hạn chế.

Đại hội chỉ rõ nguyên nhân của thành tựu và yếu kém, đồng thời rút ra những kinh nghiệm thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ 1996 - 2000.

Mục tiêu tổng quát thời kỳ 1996 - 2000 là “Tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, nhất là kinh tế, đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục và ổn định, đến năm 2000 cố gắng vượt mức trung bình cả nước; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao hơn, đạt bước tiến mới trong công cuộc xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn, có cơ chế vận hành phù hợp hơn”.

Những chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2000:

- Cơ cấu tỷ trọng nông nghiệp - lâm nghiệp; công nghiệp - xây dựng; thương nghiệp - dịch vụ trong GDP tương ứng là 32% - 30% - 38%.

- GDP tăng bình quân hằng năm 18% - 19%.

- Huy động từ GDP vào ngân sách hằng năm trên 20%.

- Đầu tư phát triển trên toàn địa bàn hằng năm chiếm khoảng 28% - 30% GDP. Chi xây dựng cơ bản từ ngân sách chiếm 25% - 30% tổng chi hằng năm.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2000 là 600 USD (gấp 2 lần so năm 1995 và tăng bình quân hằng năm 16%).

- Kim ngạch xuất khẩu tăng hằng năm 18% - 20% (tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt khoảng 350 triệu USD).

- Giảm tỷ lệ tăng dân số hằng năm 0,04%, đến năm 2000 tỷ lệ tăng dân số còn 1,6%.

- 100% trạm y tế xã có bác sĩ.

- Hoàn thành phổ cập tiểu học và xoá mù chữ trong độ tuổi; một số thị trấn, thị xã tiến đến phổ cập trung học cơ sở.

- 70% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.

- Đạt 2,5 - 3 máy điện thoại trên 100 dân.

- Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn chung.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI gồm 47 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Rốp được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ. Bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng gồm 13 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.

Sau đại hội, ngày 04/7/1996 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI đã ban hành Chương trình công tác toàn khoá, xác định nhiệm vụ 1996 - 2000 tập trung vào những công việc lớn như sau:

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; kế hoạch thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới.

- Xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường. Chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể lực Nhân dân.

- Ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng biên giới. Thực thi pháp luật. Chống tham nhũng, buôn lậu…

- Xây dựng Mặt trận và đoàn thể. Xây dựng chính quyền, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cải cách hành chính.

- Quy hoạch cán bộ. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đào tạo và đào tạo lại các loại cán bộ. Xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động.

Đ.K

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay639
  • Tháng hiện tại61,132
  • Tổng lượt truy cập8,069,837
thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây