Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần VII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng 2), ngày 22/5/1991 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 99-CT/TU chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách ở địa phương, trong đó nhấn mạnh: phải tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng và Nhân dân đối với tình hình mới hiện nay; tập trung giải quyết một số vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội và củng cố tổ chức, bộ máy cán bộ để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đảng bộ tỉnh (vòng 2). Chỉ thị cũng nêu rõ vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dấy lên phong trào hành động cách mạng sôi nổi để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội các đoàn thể trong tỉnh.
Từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, từ ngày 14/11 đến ngày 16/11/1991, tại Hội trường Tỉnh ủy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng 2) nhiệm kỳ 1991 -1995 được tiến hành, có 316 đại biểu của 13 Đảng bộ trong toàn tỉnh đã về dự Đại hội.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng 2) thông qua dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kiểm điểm đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ; thực trạng tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh thời kỳ 1986-1990; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ 1991 - 1995; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá V gồm 43 đồng chí. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Rốp làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Nguyễn Thị Sảnh (tức Nguyễn Thị Minh) và Hồ Thanh Tuyên được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội kiểm điểm, đánh giá một cách toàn diện các lĩnh vực hoạt động trong thời kỳ 1986-1990, nêu bật những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng; chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm tồn tại trên từng lĩnh vực trong thời gian qua, nguyên nhân của những tồn tại đó; kiểm điểm sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền; việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, các huyện, thị ủy đã triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội V Đảng bộ tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ V, nhiệm kỳ 1991-1995, vòng 1, 2.
Đồng chí Nguyễn Văn Rốp được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ V bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 1991 - 1995
* Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (khóa V)
Từ ngày 14/3 đến ngày 15/3/1994, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh tiến hành Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ tại Hội trường Tỉnh ủy, có 159 đại biểu đại diện cho đảng viên của 13 Đảng bộ trong tỉnh về dự Hội nghị.
Hội nghị tập trung kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 1991-1995), đề ra phương hướng để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V của Đảng bộ tỉnh trong 2 năm 1994, 1995, nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của tỉnh tiếp tục phát triển đi lên; kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, góp phần chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI.
Kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng bộ tỉnh, Hội nghị thảo luận và nhất trí đánh giá: "Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều yếu kém phải khắc phục, những thành tựu quan trọng, đạt được là nền kinh tế phát triển khá toàn diện có mặt phát triển nhanh và liên tục; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo ra những tiền đề mới để tỉnh ta phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn ở những năm tiếp theo".
Hội nghị cũng nhấn mạnh những mặt yếu kém, khuyết điểm của những năm qua cần khắc phục trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 1991- 1995 là: Nền kinh tế phát triển chậm so với một số tỉnh trong khu vực, chưa vững chắc, chưa cân đối giữa các lĩnh vực, các thành phần kinh tế; kinh tế quốc doanh hiệu quả chưa cao và chưa đủ sức làm vai trò hướng dẫn, chi phối các thành phần kinh tế khác; kinh tế ngoài quốc doanh phát triển còn tự phát, việc quản lý còn lỏng lẻo, chính sách chưa đầy đủ, chưa đồng bộ nên chưa phát huy hết tiềm lực của các thành phần kinh tế này. Lĩnh vực văn hóa - xã hội còn nhiều bức xúc, sự phân hóa xã hội diễn ra trên diện rộng, cả về đời sống, lối sống và tâm lý xã hội. Quốc phòng - an ninh còn nhiều phức tạp; hoạt động của các ngành pháp luật còn nhiều nhược điểm, chất lượng hoạt động còn hạn chế. Chỉ đạo và tổ chức chống tham nhũng, buôn lậu qua biên giới đạt kết quả chưa cao, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa kịp thời; lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành tư pháp có vấn đề còn chậm; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn rất hạn chế. Năng lực cụ thể hóa và tổ chức chỉ đạo, điều hành, quản lý của các cấp chính quyền còn hạn chế, nhiều chủ trương thực hiện chậm hoặc vận dụng đưa vào thực tiễn chưa tốt, điều hành chưa tập trung và kiên quyết. Tổ chức bộ máy các đoàn thể chưa phù hợp với yêu cầu mới, cán bộ vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực, còn biểu hiện lúng túng về nội dung, phương thức hoạt động. Công tác xây dựng Đảng còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Việc qui hoạch, bố trí lại đội ngũ cán bộ thực hiện chậm nên nhiều nơi tình trạng yếu kém còn để kéo dài. Nội dung và phương pháp công tác tư tưởng chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao, chưa kịp thời giải đáp những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra. Chất lượng công tác kiểm tra chưa cao; một số cán bộ kiểm tra hạn chế về nghiệp vụ và phương pháp; một số vụ việc giải quyết không kịp thời.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Đảng bộ tỉnh, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ xác định trong 2 năm 1994-1995 tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác an ninh - quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; thực hiện tốt hơn những vấn đề văn hóa - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hoá nền kinh tế, phải xử lý tốt những mặt tồn tại và chưa ổn định; tích cực chuẩn bị những tiền đề cho thời kỳ 1996 - 2000; tăng cường chống tham nhũng, buôn lậu, các tiêu cực xã hội đi đôi với triệt để tiết kiệm và chống lãng phí trong mọi lĩnh vực.
Hội nghị đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến năm 1995:
- Tập trung phát triển nhanh sản xuất nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; phấn đấu chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng giữa nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp dịch vụ trong GDP từ 51,2% - 13,2% - 35,6% (năm 1993) đến năm 1995 đạt 50% - 20% - 30%; GDP tăng bình quân hàng năm 9,5 - 10%; giá trị sản lượng nông nghiệp tăng hàng năm 6 - 7%; giá trị sản lượng công nghiệp, xây dựng tăng hàng năm trên 30%; huy động từ GDP vào ngân sách hàng năm từ 20 - 22%; đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 20 - 25% tổng chi ngân sách; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 15 - 20 triệu USD; GDP bình quân đầu người đến cuối năm 1995 phấn đấu tăng 15% so năm 1993.
- Đến cuối năm 1995 phấn đấu 100% xã có trạm xá và bác sĩ; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 1,85% (Nghị quyết Đại hội V là 1,8 -1,7); hoàn thành việc trùng tu căn cứ Trung ương Cục, một số hạng mục ở khu di tích lịch sử Tua Hai, khu tưởng niệm Hoàng Lê Kha; trùng tu phục chế địa đạo An Thới, Lợi Thuận, thực hiện xong địa chí Tây Ninh, hoàn thành cụm văn hóa ở 19 xã biên giới, cơ bản xoá được các phòng học tạm thời; cơ bản xoá được nhà ở lụp xụp trong số đối tượng được giải quyết nhà tình nghĩa; giảm tỷ lệ lao động không có việc làm và việc làm không ổn định xuống dưới 5% so tổng số lao động trong toàn tỉnh.
- Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng vũ trang, bổ sung kịp thời các phương án phòng thủ, bảo đảm ngày càng vững chắc hơn về quốc phòng.
- Tăng cường củng cố và đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận và đoàn thể các cấp, nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tổ chức thực hiện công tác vận động quần chúng, công tác tôn giáo và dân tộc để "nắm dân và chăm lo, bảo vệ các lợi ích thiết thân, chính đáng của Nhân dân", đoàn kết và động viên Nhân dân ra sức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
- Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạnh đổi mới và chỉnh đốn Đảng để nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, của từng cán bộ, đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng; tiếp tục sắp xếp lại và kiện toàn hệ thống tổ chức các cơ quan Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. Hết sức coi trọng việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá, qui hoạch và có kế hoạch đào tạo, bố trí lại đội ngũ cán bộ; Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chấp hành Điều lệ Đảng.
Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ đã bầu bổ sung thêm 07 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong 2 năm tới và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI.
Đ.K
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc