TÓM TẮT DIỄN BIẾN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH TÂY NINH LẦN THỨ IX, NHIỆM KỲ 2010 - 2015

Thứ năm - 02/01/2025 10:11 36 0
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà đang ra sức thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội dung xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” và tỉnh vừa tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III, đã tạo khí thế và động lực mới.

Từ ngày 08/9 đến ngày 11/9/2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX được tiến hành. Sau 04 ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 55 chí; Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, gồm các đồng chí: đồng chí Võ Văn Phuông, Uỷ viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lê Minh Trọng và đồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX ( nhiệm kỳ 2010 - 2015).

Đồng chí Nguyễn Văn Nên Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 9/2010 - 6/2011.

Đồng chí Võ Văn Phuông Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 7/2011- tháng 7/2015.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 8/2015 - 10/2015.

Đại hội đã đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII: “Kinh tế - xã hội đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên trên tất cả các lĩnh vực; nhiều chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách nhà nước hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; hạ tầng kỹ thuật về kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; bộ mặt nông thôn, đô thị được chỉnh trang, xây dựng từng bước khang trang, văn minh, sạch đẹp. Các mặt văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông được kéo giảm; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, xử lý có hiệu quả những vấn đề phức tạp về đất đai do lịch sử để lại và những vấn đề mới phát sinh; tăng cường tính kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Hoạt động của hệ thống dân vận, mặt trận và đoàn thể có nhiều chuyển biến. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm thường xuyên và đạt được kết quả tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố vững chắc”.

Đại hội cũng thẳng thắn, chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém trong nhiệm kỳ là:

- Còn 12/21 chỉ tiêu chủ yếu, 22/55 chỉ tiêu ngành không đạt Nghị quyết Đại hội đề ra. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa đột phá; quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.

- Tiềm năng, lợi thế trên từng lĩnh vực khai thác chậm; việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển, việc đầu tư, tái thiết thị xã, thị trấn chưa đúng mức.

- Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ.

- Văn hoá, xã hội còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa ngang tầm, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết dứt điểm.

- An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, nhất là khu vực biên giới.

- Hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

Trên cơ sở đánh giá tình hình nhiệm kỳ 2005 - 2010, dự báo những thuận lợi và khó khăn, Đại hội thảo luận và thông qua định hướng chung của tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là:

- Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; huy động mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp gắn với việc ổn định và nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, dịch vụ. Gắn kết chặt chẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Xem đây là các khâu đột phá quan trọng.

- Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước, chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể.

- Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường củng cố và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

- Chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức gắn với đẩy mạnh Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Trên cơ sở các phương châm chỉ đạo, Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cơ sở đảng và đảng viên; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tạo sự chuyển biến nhanh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hoá. Xây dựng môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, văn minh; bảo đảm công bằng và an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của Nhân dân, thu ngắn khoảng cách, sự chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa nông thôn và thành thị; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2015, đưa thị xã Tây Ninh trở thành đô thị loại III và đến năm 2020 tỉnh Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Đ.K

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay674
  • Tháng hiện tại61,167
  • Tổng lượt truy cập8,069,872
thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây