Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đánh giá những thành tựu đã đạt được, tổng kết kinh nghiệm, nghiêm khắc chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện mục tiêu tổng quát mà Đại hội V đề ra. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của những sai lầm, khuyết điểm vừa qua là do bệnh chủ quan, duy ý chí, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách lớn và các mục tiêu chiến lược còn giản đơn, nóng vội. Đại hội đề ra đường lối đổi mới: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức - cán bộ và phong cách lãnh đạo của Đảng; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn là lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (vòng 1), Tây Ninh không tiến hành Đại hội vòng 2. Để củng cố nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thay đồng chí Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ; đồng thời, Ban Bí thư cũng chuẩn y bổ sung thêm một số đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Trịnh Văn Lâu, Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 1986 – 1990
Từ đánh giá tình hình, cũng như những yếu kém, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong những năm 1986 - 1987, Tỉnh uỷ đề ra phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội năm 1988 và 3 năm 1988 - 1990.
Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Năm 1988 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện những nhiệm vụ còn lại của 3 năm 1988 - 1990, cần tập trung tạo ra sự chuyển biến thật rõ rệt trên các lĩnh vực, đặc biệt tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu.
- Về nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển cây lương thực và cây xuất khẩu. Qui hoạch và phân phối lại đất nông nghiệp, điều chỉnh lại quỹ đất của các nông trường để giao lại cho nông dân, đảm bảo bình quân mỗi nhân khẩu nông nghiệp có ít nhất 2.500 m2 đất để canh tác hoặc mỗi hộ nông nghiệp có từ 1,5 - 2 ha đất canh tác; bố trí lại đất trồng lúa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ ở những vùng có nước tự nhiên và hệ thống thuỷ lợi.
- Về hàng tiêu dùng, phấn đấu năm 1988 giá trị tổng sản lượng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 25% so năm 1987, trong đó 80% là hàng tiêu dùng.
- Về xuất nhập khẩu, năm 1988, phấn đấu xuất khẩu đạt 15 triệu rúp (tăng 36% so năm 1987) và nhập khẩu 10 triệu rúp.
- Ngành xây dựng cơ bản phải dồn sức (vốn, vật tư) để năm 1988 làm xong đường điện 110 KV Hóc Môn - Trà Phí, trải nhựa Tỉnh lộ 4, mở rộng mạng lưới kênh thuỷ lợi hồ nước Dầu Tiếng và khởi công xây dựng nhà máy đường 500 tấn/ngày với sự giúp đỡ của chuyên gia Cu Ba. Đồng thời, phân bổ vốn còn lại cho các công trình khác theo hướng ưu tiên cho 3 chương trình kinh tế của tỉnh. Phân công, phân cấp quản lý rõ ràng và thống nhất các biện pháp chống lãng phí, tiêu cực trong xây dựng cơ bản.
- Thực hiện tốt công tác phân phối lưu thông, kiên quyết chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa bằng những bước đi tích cực, vững chắc, có hiệu quả thiết thực trên cơ sở những phương án đồng bộ, có thí điểm nhằm tiến tới ổn định tình hình phân phối lưu thông, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, củng cố và mở rộng kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mối quan hệ công - nông, quan hệ tích lũy - tiêu dùng, bảo đảm 3 lợi ích...
Đ.K
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc