Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, từ ngày 05/4 đến ngày 08/4/1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng 2) được tiến hành, có 340 đại biểu về dự. Đại hội (vòng II) tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1980-1981, thảo luận và thông qua Nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ l983-1985; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1983 - 1985 gồm 43 uỷ viên chính thức và 1 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ngô Văn Lực (tức Nguyễn Văn Hải - Bảy Hải) và Đoàn Văn Bường (tức Đoàn Văn Dữ - Ba Dữ) được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
Đồng chí Đặng Văn Thượng, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh nhiệm kỳ 1982-1985.
Đại hội đánh giá: Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IV và Đại hội V của Đảng, nhìn lại 7 năm qua, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh đã có những nỗ lực to lớn trong thực hiện nhiệm vụ mới, nêu cao truyền thống cách mạng của "quê hương trung dũng kiên cường", ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống của Nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đánh bại chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn phản động Pôn Pốt gây ra, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và giúp lực lượng cách mạng của bạn giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Đại hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Thắng lợi giành được là rất to lớn, nhưng thực trạng kinh tế và đời sống của Nhân dân còn quá nhiều khó khăn. Vật tư, nguyên nhiên liệu, phụ tùng, phục vụ cho sản xuất, xây dựng, thiếu hụt trầm trọng, nhiều xí nghiệp sử dụng không hết công suất, chất lượng sản phẩm kém. Giao thông vận tải chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, nhiều đường sá, phương tiện từ nông thôn ra thị xã, thị trấn chưa được tu sửa. Mất cân đối thường xuyên giữa thu và chi, giữa hàng và tiền, giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Tiêu cực trong quản lý, phân phối và sử dụng tài sản, vật tư... ngày càng tăng, làm thất thoát nhiều tài sản của Nhà nước. Lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước bị giảm sút. Quản lý Nhà nước vẫn là khâu yếu nhất trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng.
Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ 1983-1985 như sau:
- Coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nhằm giải quyết ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề khác. Ổn định dần diện tích sản xuất, hình thành vùng chuyên canh với nhiều qui mô khác nhau, bảo đảm vững chắc lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu; bảo đảm nắm chắc hàng tiêu dùng cần thiết và các mặt hàng chủ lực trong tỉnh; từng bước đưa sản xuất và đời sống của Nhân dân vào ổn định.
- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thông qua cải tạo mà sử dụng và phát huy khả năng những cơ sở tiểu thủ công nghiệp hiện có, phân bố những cơ sở sản xuất phù hợp với từng vùng chuyên canh.
- Thiết lập một bước trật tự mới xã hội chủ nghĩa trên mặt trận phân phối lưu thông. Hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp và giao thông vận tải; đồng thời phát huy tốt 5 thành phần kinh tế với nội dung đúng đắn theo quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện công hữu hóa về tư liệu sản xuất; không ngừng củng cố chuyên chính vô sản, lấy xây dựng Đảng làm khâu quyết định, lấy huyện làm địa bàn trọng yếu để khắc phục triệt để tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội, để nâng một bước rõ rệt đời sống kinh tế - văn hóa ở vùng nông thôn, căn cứ kháng chiến cũ.
- Kịp thời và chủ động xây dựng các cơ sở vật chất và thực lực vững mạnh cho nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tạo thế ổn định vững chắc cho tuyến biên giới và những địa bàn trọng yếu trong tỉnh.
Để thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trên đây, Đại hội quyết định tiến hành 7 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể từ năm 1983 đến 1985 như sau:
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế. Cây lúa phát triển bảo đảm đủ ăn, có dự trữ và làm nghĩa vụ với Trung ương. Tây Ninh phát triển kinh tế chủ yếu bằng các cây mía, đậu, mì, cao su, chăn nuôi và vật liệu xây dựng.
- Phát triển văn hóa - xã hội. Tiếp tục cải tạo và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đề cao người tốt việc tốt, phê phán cái xấu và không lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Tăng cường quốc phòng - an ninh. Xác lập cho được trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng lực lượng vững mạnh để đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt là vấn đề rất cấp bách nhằm tạo thế ổn định, chủ động cho mọi tình huống có thể xảy ra. Trước hết cần xây dựng nội bộ Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng vững mạnh, đoàn kết nhất trí, kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực.
- Quan hệ hợp tác láng giềng giữa Nhân dân Tây Ninh và nhân dân Kompongchàm. Trong tình hình mới, phải tiếp tục tăng cường đoàn kết chiến đấu và hợp tác láng giềng thân thiết giữa Tây Ninh với Kompongchàm kết nghĩa và 2 tỉnh khác về chính trị, kinh tế, văn hóa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng, bình đẳng và tin cậy lẫn nhau.
- Tăng cường Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trước hết bảo đảm cho Hội đồng nhân dân các cấp làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử. Uỷ ban nhân dân các cấp, trước hết phải thể chế hóa nghị quyết của cấp uỷ và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của cấp trên sát hợp, chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân. Phải cải tiến phương pháp hoạt động, đổi mới phong cách làm việc, có kế hoạch chương trình đồng bộ, sát việc, sát ngành, sát cơ sở, tôn trọng ý kiến của Nhân dân, nhất là ý kiến của Hội đồng nhân dân, mặt trận, đoàn thể và cơ sở sản xuất.
- Phát động phong trào cách mạng của quần chúng. Phát động cho bằng được phong trào quần chúng lao động làm chủ tập thể qua cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa xã hội. Phong trào Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong sản xuất và văn hóa xã hội. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm thực hiện thắng lợi phương hướng nhiệm vụ của Đại hội đề ra.
- Nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Không ngừng nâng cao tính quần chúng, tính thực tiễn, tính tiên phong chiến đấu và các nguyên tắc về xây dựng Đảng. Tập trung xây dựng lại đội ngũ cán bộ đảng viên, rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất cách mạng, chấp hành nghiêm chỉnh và quyết tâm bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, nâng cao tính tự giác, chống tư tưởng tự do vô kỷ luật, cá nhân tùy tiện vô trách nhiệm, quan liêu, hách dịch thoát ly quần chúng, thoát ly thực tế, tham ô, thoái hóa, biến chất.
Thời kỳ 1975 - 1985, là thời kỳ Đảng bộ Tây Ninh lãnh đạo vừa khắc phục hậu quả chiến tranh sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa chiến đấu chống bọn Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, vừa trấn áp bọn phản động giữ vững an ninh trật tự trong nội địa, vừa tập trung xây dựng kinh tế - xã hội. Đây là thời kỳ Tây Ninh gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, quân dân Tây Ninh vượt qua muôn vàn khó khăn góp phần tích cực trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, giúp tỉnh Kongpongchàm (Campuchia) hồi sinh bằng chính sức người sức của mình.
Đ.K
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc