TÓM TẮT DIỄN BIẾN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH TÂY NINH LẦN THỨ I

Thứ năm - 02/01/2025 09:50 30 0
Tây Ninh là một tỉnh nằm ở khu vực Đông Nam bộ, trong kháng chiến là địa bàn trú đóng của nhiều cơ quan, đơn vị quan trọng, đặc biệt là có Căn cứ Bắc Tây Ninh, nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo Trung ương ở miền Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Nam bộ, Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đoàn kết nhất trí, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi 30/4/1975, đất nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Với sự chuẩn bị khẩn trương, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo việc tiếp quản toàn bộ địa bàn mới giải phóng, thành lập các uỷ ban quân quản từ tỉnh đến xã, thị trấn để nhanh chóng khôi phục và ổn định các mặt hoạt động, sinh hoạt của Nhân dân, đập tan những âm mưu tuyên truyền xuyên tạc phá hoại của địch.

Ngày 19/11/1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần I (vòng 1) có 384 đại biểu về dự. Đại hội bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng là 10 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.

Từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976, một sự kiện vô cùng trọng đại đối với toàn Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được tiến hành. Đại hội IV họp trong khung cảnh nước nhà vừa thống nhất, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn khởi bước vào thời kỳ khôi phục và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đại hội đã tập trung trí tuệ đề ra phương hướng chiến lược và những mục tiêu cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được thể hiện trong đường lối chung và đường lối xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội. Đại hội cũng đã đề ra những nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 1976-1980.

Sau Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IV, được sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Tây Ninh tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ I (vòng 2) từ ngày 19/4 đến ngày 29/4/1977, có 363 đại biểu về dự.

Đại hội lần thứ I (vòng 2) đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí, trong đó 35 chính thức, 4 dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình) được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Ngô Văn Lực (tức Nguyễn Văn Hải - Bảy Hải), Trịnh Đình Sang (Ba Cát), Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội đánh giá cao những kết quả mà Tỉnh uỷ đã đạt được qua 20 tháng sau giải phóng thống nhất đất nước; đã đề ra Nghị quyết khá toàn diện, nội dung cơ bản phù hợp với tình hình nhiệm vụ địa phương trong giai đoạn lịch sử mới, lãnh đạo thực hiện đạt được những thành tựu to lớn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tốt, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh (nhiệm kỳ 1976 - 1979)

Với tinh thần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, căn cứ đặc điểm tình hình địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (vòng 2) đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh 1977 - 1980 và hai năm 1977 - 1978.

 Nhiệm vụ chung từ năm 1977 đến năm 1980 là "thực hiện triệt để đồng thời 3 cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền chuyên chính vô sản. Trên cơ sở khối liên minh công nông làm nền tảng vững chắc của chuyên chính vô sản, đấu tranh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và quốc phòng, tạo một bước chuyển biến rõ rệt nhằm có tích lũy và từng bước cải thiện đời sống vật chất bước đầu của chủ nghĩa xã hội trong tỉnh làm cơ sở phát triển cho các kế hoạch tiếp theo, xây dựng Tây Ninh thành một tỉnh nông - lâm nghiệp toàn diện, có công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương kết hợp chặt, thống nhất và vững vàng, có nền kinh tế kết hợp với quốc phòng vững mạnh, thực sự xứng đáng là tỉnh căn cứ địa đầu phía Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh giáp với Campuchia".

Trên cơ sở nhiệm vụ chung, Đại hội đề ra nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực:

 - Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, từng bước xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

- Cải tiến khâu lưu thông phân phối phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống kinh tế và văn hóa của Nhân dân.

- Phấn đấu hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp.

- Luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội ở nội địa và biên giới, không ngừng củng cố xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang Nhân dân.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ nhất là đảng bộ cơ sở .

- Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động.

- Phát huy đúng mức vai trò của chính quyền trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là quản lý kinh tế.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ I (vòng 2) của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo cuộc vận động Nhân dân tham gia củng cố chính quyền bằng cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp thành công tốt đẹp. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân qua 2 năm giải phóng, hòa bình xây dựng đất nước có một bước chuyển biến mới về nhận thức tư tưởng, ý thức trách nhiệm, tinh thần giác ngộ trong đấu tranh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quyền làm chủ tập thể của quần chúng lao động từng bước được thực hiện và phát huy, luôn nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, giữ vững truyền thống cách mạng, truyền thống lao động, phấn đấu vươn lên vượt mọi khó khăn, khắc phục thiên tai, nhờ đó, quân dân Tây Ninh đã giành được những kết quả nhất định.

Trong những năm 1977-1978, Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh vượt qua nhiều khó khăn to lớn trong chiến đấu và lao động. Vết thương chiến tranh trong chống Mỹ chưa kịp hàn gắn, vùng biên giới Tây Nam lại tiếp tục đổ máu. Với âm mưu muốn xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam, sau một thời gian tăng cường các hoạt động trinh sát, khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ, đến đầu năm 1978, bè lũ Pôn Pốt huy động các sư đoàn chủ lực, cùng với lực lượng địa phương bố trí áp sát trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Một lần nữa phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tất cả, đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Tây Ninh tập trung lực lượng to lớn hàng vạn người ra biên giới, bất luận già, trẻ, gái, trai tận dụng mọi công cụ lao động vót chông, gánh đất, đắp lũy đào hào... xây dựng phòng tuyến, tạo nên sức mạnh to lớn của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Đồng thời, mở các đợt tấn công, đánh đuổi bọn Pôn Pốt về bên kia biên giới; hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Campuchia làm cuộc cách mạng, lật đổ chế độ Pôn Pốt, lập chính phủ hòa hợp dân tộc vì lợi ích của nhân dân Campuchia.

Thực hiện phương hướng này, sau khi ta phát triển tấn công mở rộng sang đất Campuchia đẩy địch vào thế bị động, nội bộ địch mâu thuẫn gay gắt, lực lượng chống lại Pôn Pốt hình thành. Chúng tiến hành thanh trừng hàng loạt cả trong và ngoài quân đội, phong trào ly khai ngày càng phát triển sâu rộng và tìm cách liên lạc với ta nhờ giúp xây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia. Ngày 02/12/1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Campuchia. Lực lượng vũ trang được xây dựng sẵn sàng chiến đấu, lực lượng chính trị tập hợp nhân dân Campuchia đứng về phía cách mạng đã tạo ra những điều kiện vững chắc, quyết tâm thực hiện chiến lược tổng tiến công giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia. Ngày 07/01/1979, với tinh thần quốc tế vô sản và theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, lực lượng vũ trang của ta phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh đất nước Campuchia.

Sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị tiêu diệt, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên, tỉnh Tây Ninh thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp tỉnh Kompongchàm. Nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ và cực kỳ khó khăn, phức tạp cho nên lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và Nhân dân mới đủ sức giúp bạn trong 10 năm. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần quốc tế cao cả, Tây Ninh đã sẵn sàng giúp tỉnh Kompongchàm trên tất cả các mặt. Trong lúc Tây Ninh đang khó khăn về lương thực thực phẩm, nhưng Nhân dân Tây Ninh vẫn thắt lưng buộc bụng giúp bạn 717 tấn lương thực, 225 tấn muối, 200.000 lít dầu, 4 tấn đường, 15 tấn thuốc trị bệnh, 12.000m vải, 13 tấn lúa giống và nhiều vật dụng cần thiết khác để giúp người dân Campuchia tạm thời ổn định cuộc sống.

Trải qua gần 12 năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, trong đó có 2 năm chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của bè lũ Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc (đoạn biên giới Tây Ninh) và 10 năm giúp Campuchia trên tinh thần quốc tế trong sáng ở tỉnh Kompongchàm, quân và dân Tây Ninh đã góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước và liên minh chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Đ.K

 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay606
  • Tháng hiện tại61,099
  • Tổng lượt truy cập8,069,804
thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây