Thủ tướng: Dịch Covid - 19 dù phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát

Thứ hai - 24/08/2020 00:00 84 0

    ​Thủ tướng nhận định dịch Covid -19 dù còn phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát, thậm chí kiểm soát chủ động, kể cả địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.

ttxvn_thuong_truc_chinh_phu_2.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)​

Chiều 21/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp phòng, chống Covid-19.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng đánh giá dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống dịch cơ bản đồng bộ, kịp thời, quyết liệt hơn, đặc biệt người dân bình tĩnh hơn. Đến nay, dịch cơ bản đã được kiểm soát.

Quá trình chống dịch vừa qua đã có những biện pháp mới, sáng tạo, được thực hiện, trong đó có việc thành lập bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng. Hàng trăm cán bộ y tế được tăng cường cho miền Trung. Khi có ổ dịch mới, công tác khoanh vùng, cách ly rất kịp thời, huy động cả lực lượng chính trị vào cuộc.

Bên cạnh đó, các công nghệ mới, ứng dụng mới được áp dụng mạnh mẽ vào chống dịch, nhất là xét nghiệm và truy vết các ca mắc Covid -19 và các tiếp xúc với ca bệnh.

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Trong vài ngày tới, Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.

Tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới. 

Trong thời gian tới, một số địa phương có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các ca mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc Covid -19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong trong nhóm các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhận định dịch Covid -19 dù còn phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát, thậm chí kiểm soát chủ động, kể cả địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.

Thủ tướng đánh giá đây là một sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Thủ tướng, bài học rút ra là phải thống nhất tinh thần thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa trong triển khai xét nghiệm, nhân rộng ứng dụng Bluezone và truyền thông kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự giúp đỡ, đùm bọc, hỗ trợ của người dân, của các doanh nghiệp và cả người nước ngoài với nhiều tấm gương quý xuất hiện hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, coi thường mà phải tập trung làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng diễn ra tiếp theo.

"Chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có vắcxin phòng dịch, chúng ta phải chung sống với dịch bệnh, với những phương thức, cách làm văn hóa ứng xử trong bối cảnh này," Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được dịch bệnh, phong tỏa, kiên quyết chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch.

"Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội," Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng tán thành việc tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân.

ttxvn_thuong_truc_chinh_phu.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)​

Ngành y tế cần nhận diện, chuẩn đoán sớm nguy cơ mắc Covid-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện nhẹ nhất như ho, sốt, khó thở. Cùng với đó là chuẩn bị hệ thống y tế toàn quốc để đối phó tình huống gia tăng bệnh nhân nặng. Đặc biệt, cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, đó là người có bệnh lý nền, nhóm người nhiều tuổi dễ có nguy cơ đến tử vong.

Thủ tướng chỉ đạo lập quy trình y tế trong từng bệnh viện và ý thức phòng dịch đối với các gia đình các bệnh nhân ngoại trú; tăng cường năng lực cho hệ thống y tế toàn quốc.

Ngành y tế tăng cường đào tạo trực tuyến, nâng cao tay nghề cho phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ y, bác sỹ toàn quốc; đẩy mạnh triển khai khám bệnh từ xa; không được để xảy ra ổ dịch, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế từ trạm xá ở nông thôn, miền núi đến bệnh viện huyện, tỉnh, Trung ương; chú trọng củng cố, phát triển hệ thống y tế dự phòng cả nước.

Xuất hiện ca bệnh phải khoanh gấp kịp thời, không để dịch lây lan diện rộng, Thủ tướng nói và yêu cầu xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị hình thành văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở những nơi đông người. Có chế tài bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết này, bắt buộc khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone, rửa tay thường xuyên...

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ ra vào khu vực biên giới; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý các chủ khách sạn, các cơ sở lưu trú, sử dụng lao động nhập cư trái phép. Kiên quyết hơn nữa, kịp thời hơn nữa, không để dịch bệnh lan rộng, đề cao cảnh giác nhất là các bệnh viện, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các chuyên gia, các nhà đầu tư, các nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo có biện pháp cách ly phù hợp, xác định trách nhiệm của người mời, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận với các địa phương sớm trình phương án Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để quyết định vấn đề này, nhất là các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng và một số nơi có ca nhiễm F1, F2 để tổ chức tốt kỳ thi còn lại trên tinh thần an toàn. Song song với đó là chuẩn bị cho khai giảng năm học mới mới một cách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm sửa đổi chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc một cách thuận lợi để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bởi lẽ thất nghiệp, nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp là những vấn đề xã hội toàn cầu mà Việt Nam cần chú ý phòng tránh./.

Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập393
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm356
  • Hôm nay17,318
  • Tháng hiện tại223,611
  • Tổng lượt truy cập8,232,316
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây