Cách đây 62 năm, vào ngày 26.01.1960, trận tấn công tiêu diệt địch tại Tua Hai của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ đã diễn ra và giành thắng lợi to lớn. Chỉ sau hơn 20 phút chiến đấu, lực lượng cách mạng đã hoàn toàn làm chủ trận địa, phá huỷ sở chỉ huy trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 21 quân đội nguỵ Sài Gòn, làm tan rã 2 tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên, bắt giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu gần 1.500 súng các loại.
Di tích Chiến thắng Tua Hai tại xã Đồng Khởi huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh.
Chiến thắng Tua Hai mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam bộ, là chiến thắng khởi nguồn, là phát pháo lệnh cho các cuộc tiến công vũ trang rộng khắp Nam bộ, tạo điều kiện hình thành các đơn vị vũ trang địa phương, từ đó cung cấp quân số cho lực lượng quân chủ lực của tỉnh, của Miền; đồng thời, mở rộng vùng giải phóng, khôi phục lại các cơ sở Đảng, đưa cách mạng miền Nam vượt qua chặng đường thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công địch để giành thắng lợi.
Tiếp tục phát huy chiến quả trận Đồng khởi Tua Hai, quân và dân Tây Ninh đã đồng loạt nổi dậy tiến công, bóc gỡ hơn 50% số đồn, bót địch, giải phóng xã ấp hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ. Các "khu trù mật" do địch dựng lên ở Bời Lời, Truông Mít, Giồng Nần, Bổ Túc, Mỏ Công… bị phá vỡ. Vùng căn cứ kháng chiến được mở rộng, hình thành thế liên hoàn từ phía Bắc xuống phía Nam tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để nối liền hành lang chiến lược giữa miền Đông với miền Tây Nam bộ và miền Đông Campuchia. Nhiều đơn vị vũ trang trong tỉnh được hình thành, như: Tiểu đoàn 14 của tỉnh cùng các trung đội J15A đặc công và J15B công binh; Đại đội 40 của huyện Châu Thành; Đại đội 31 của huyện Dương Minh Châu; Đại đội 33A của liên huyện Gò Dầu và Trảng Bàng; Đại đội 61 huyện Bến Cầu; Đại đội 2/45 Thị xã; đội vũ trang tuyên truyền ở vùng Toà Thánh; 44/49 xã đã thành lập được đội du kích…
Hoà nhịp cùng quân dân Tây Ninh, Nhân dân và lực lượng vũ trang các địa phương khác ở Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Nam Tây Nguyên cũng nổi dậy tiến công mạnh mẽ, dồn dập vào bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, nhất là vùng nông thôn, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Chiến thắng Tua Hai khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương; thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, đúng đắn của Xứ uỷ Nam bộ trong việc chọn phương án tấn công tiêu diệt căn cứ Tua Hai, một cứ điểm quân sự mạnh của quân nguỵ Sài Gòn, tạo quả đấm quân sự có sức nặng mở màn cho phong trào đồng khởi vũ trang trên toàn Miền Nam. Chiến thắng Tua Hai còn là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị lực lượng kiên trì, lâu dài, bí mật, cùng với quyết tâm chiến đấu phải giành được chiến thắng của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có vai trò, đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh.
Nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, từ những năm 1956-1957, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng được các cơ sở nội tuyến trong lực lượng trung đoàn 39 thuộc sư đoàn 13 nguỵ Sài Gòn, thành lập được chi bộ Đảng, Chi đoàn Thanh niên với hơn 30 đoàn viên và giác ngộ được 235 cơ sở cảm tình cách mạng. Sau khi các cơ sở nội tuyến của ta bị lộ, gần 120 người bị bắt, 9 cơ sở cốt cán bị địch xét xử, kết án tù và địch quyết định giải thể sư đoàn 13, đồng thời điều trung đoàn 32 của sư 21 nguỵ từ miền Tây lên đóng giữ Tua Hai.
Không từ bỏ mục tiêu Tua Hai, Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết tâm một lần nữa gầy dựng lại cơ sở nội tuyến cách mạng trong lòng địch. Một đồng chí Tỉnh uỷ viên được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức cơ sở mật trong lực lượng trung đoàn 32 của sư đoàn 21 nguỵ. Sau một thời gian kiên trì, từ 4 cơ sở ban đầu do Ban Binh vận Miền giới thiệu, mạng lưới cơ sở nội tuyến mới đã hình thành.
Phục vụ cho trận tấn công diệt cứ điểm Tua Hai, các cơ sở nội tuyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi kịp thời thông tin về tình hình địch trong căn cứ, vận động gần 1/3 binh lính địch xin phép hoặc trốn về quê ăn tết, cung cấp chính xác vị trí bố phòng của địch, giúp cho lực lượng vũ trang đánh đúng vào các mục tiêu trọng yếu, đặc biệt là đánh diệt ngay từ đầu sở chỉ huy trung đoàn 32, cắt đứt và làm tê liệt mọi thông tin liên lạc từ trung tâm đầu não của địch. Chính mạng lưới cơ sở nội tuyến trong lòng địch do Tỉnh uỷ Tây Ninh xây dựng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định để Xứ uỷ Nam bộ chọn phương án tấn công Tua Hai theo đề xuất của Ban Quân sự Miền và Tỉnh uỷ Tây Ninh.
Thực hiện kế hoạch tập kích Tua Hai, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã huy động Đại đội 20 lực lượng vũ trang tỉnh tham gia trận đánh. Đại đội 20 được giao làm nhiệm vụ dẫn đường cho mũi 3 và mũi 4 tiến công vào Tua Hai. Ngoài ra, Tỉnh uỷ còn chỉ đạo các huyện huy động kịp thời lực lượng dân công hoả tuyến gồm 300 người tham gia phục vụ trận đánh, làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn, thu gom vũ khí của địch vận chuyển về căn cứ cách mạng. Trong tình thế cách mạng của những năm 60, khi mà Nhân dân và các lực lượng cách mạng miền Nam đang trong vòng kìm toả gắt gao, bị Mỹ-nguỵ khủng bố, đàn áp khốc liệt, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Tây Ninh có thể huy động lực lượng dân công đông đảo và đảm bảo tuyệt đối bí mật như vậy là một cố gắng rất lớn của tỉnh, đó là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, âm thầm và là một thành công lớn trong công tác dân vận của Tây Ninh.
Chiến thắng Tua Hai ngày 26.01.1960 là chiến thắng của sự hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà" và Tây Ninh - một trong những vùng “đất thánh" của cách mạng miền Nam là nơi hội tụ đầy đủ “thiên thời, địa lợi và nhân hoà" ấy. Đã 62 năm trôi qua, nhưng Chiến thắng Tua Hai vẫn luôn là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh đoàn kết, quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, ra sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.
T.T.P (Trần Thanh Phong - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh)
Ý kiến bạn đọc