Cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị

Thứ sáu - 22/07/2022 22:00 553 0

  ​Bản lĩnh chính trị là một yêu cầu quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào của mỗi người, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi chỉ khi nào có bản lĩnh chính trị vững vàng thì lúc đó mới có khả năng nhìn nhận, đánh giá và xem xét vấn đề trên nhiều khía cạnh, nhận diện được cái đúng, cái sai từ đó hình thành tư duy lý luận vững chắc để bảo vệ cái đúng, phủ nhận, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xuyên tạc, bóp méo sự thật.


Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

1- Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên

Bản lĩnh chính trị là sự tổng hợp biện chứng của lập trường chính trị, phẩm chất chính trị và năng lực chính trị; là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho mỗi cán bộ, đảng viên có định hướng chính trị đúng đắn, luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh thực tiễn và kiểm soát được hành vi, thái độ của mình trong mọi tình huống. Đó chính là sự vững vàng, kiên định, chủ động trong cả suy nghĩ và hành động trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống, đúng như V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Chỉ giai cấp nào đi theo con đường của mình mà không do dự, không chán nản và không sa vào tuyệt vọng trong những bước ngoặt khó khăn nhất, gay go nhất và nguy hiểm nhất, thì mới có thể lãnh đạo được những quần chúng lao động và bị bóc lột. Chúng ta không cần những sự hăm hở điên cuồng. Điều cần thiết cho chúng ta, chính là bước đi nhịp nhàng của những đoàn quân vững như gang thép của giai cấp vô sản"(1)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là luôn “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân"; là “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính đảng, tính giai cấp, nó đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của Nhân dân"(2)

Bản lĩnh chính trị là phẩm chất kiên trung, kiên định vững vàng trước mọi áp lực từ cả bên ngoài lẫn bên trong để giữ vững tinh thần độc lập suy nghĩ, quyết định và hành động đúng đắn của cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Bản lĩnh chính trị là phần cốt lõi, cơ bản nhất, là phẩm chất quan trọng cần phải có hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên, là tinh thần, ý chí quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi gian khổ và không dao động trước thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên được cấu thành và chịu tác động bởi nhiều yếu tố, như: trình độ lý luận chính trị; quan điểm, lập trường chính trị; phẩm chất chính trị; năng lực chính trị; dũng khí chính trị… Bởi vậy, để bản lĩnh chính trị thực sự vững vàng, đạt đến trình độ cao, có khả năng tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo, làm chủ hành vi chính trị của bản thân, người cán bộ, đảng viên phải trải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu thường xuyên, kiên trì và bền bỉ.

Chính vì vậy rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay là yêu cầu vừa cấp cấp vừa thường xuyên gắn viện với công tác xây dựng Đảng. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định:“Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng"(3)

Yêu cầu bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay đặt ra là cơ bản phải giữ vững tính chất tiên phong và vai trò gương mẫu cả trong tư tưởng và cả hành động, cả trong đạo đức lẫn trong cuộc sống, lối sống.  Đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng.  Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên là toàn bộ hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng và của chính cán bộ, đảng viên trên tinh thần quán triệt sâu sắc và theo đúng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm tốt việc học tập, quán triệt, bồi dưỡng và tu dưỡng về mọi mặt sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao được bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có năng lực tự định hướng và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tôi luyện ý chí, tinh thần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động, có khả năng tự đề kháng với những tiêu cực xã hội, những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Nâng cao bản lĩnh chính trị sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên không “tự diễn biến", “tự chuyển hóa".

2- Biện pháp nâng cao bản lĩnh chính trị cán bộ, đảng viên

Để nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy đảng cần phải thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm củng cố và tăng cường bản lĩnh chính trị trong Đảng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin khoa học, tạo sự thống nhất cao cả về ý chí và hành động trong toàn Đảng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn. Quan trọng là vậy nhưng trên thực tế thời gian qua không ít cấp ủy, cán bộ lãnh đạo các cấp nhận thức chưa đúng, chưa thống nhất, nên chưa thấy hết trách nhiệm của mình với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Do đó, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng thì trước tiên phải đổi mới nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của công tác này. Trên cơ sở thống nhất nhận thức, mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên cần xác định đây là trách nhiệm chính trị của mình.

Mặt khác, việc tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, duy trì chế độ học tập, sinh hoạt chính trị ở không ít địa phương, cơ sở lâu nay vẫn nặng về hình thức. Vấn đề đặt ra đối với mỗi tổ chức Đảng hiện nay là phải đổi mới mạnh mẽ về phương pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phù hợp môi trường, điều kiện công tác của cán bộ, đảng viên, có chiều sâu, khoa học và hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền phải tập trung làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp hiểu rõ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta.

Hai là, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân.

Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy vai trò nêu gương, thống nhất giữa nói và làm của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường “sức đề kháng" chống lại “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ. Rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị phải luôn gắn với “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" theo phương châm mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Trong đó, gắn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", thực tốt những Quy định số 37 về những điều Đảng viên không được làm…Thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết và đưa vào tiêu chí thi đua, đánh giá xếp loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đi liền với nghiêm túc phê phán những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Tạo không khí thi đua thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị.

Ba là, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng - nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở - để mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân". Cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu, vững vàng trước mọi biến động của tình hình chính trị - xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện Điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm; tự soi, tự sửa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa".

Bốn là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Chủ động triển khai các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa những hoạt động phá hoại chính trị nội bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp luôn nắm vững và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với xây dựng cơ quan, đơn vị, địa bàn cơ sở an toàn, vững chắc về mọi mặt...

Tóm lại, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành bại của Đảng ta. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một phẩm chất quyết định sự sống còn và thành công của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của toàn Đảng. Bản lĩnh chính trị vững vàng là trách nhiệm, yêu cầu cần và cấp thiết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng

                                                                                             Mai Tuấn Kiệt

Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh

---------------------------------------------------------------

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t.43, tr.349

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.354, t.11, tr.611

(3)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập216
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm204
  • Hôm nay10,063
  • Tháng hiện tại216,356
  • Tổng lượt truy cập8,225,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây