Bản chất tốt đẹp của chế độ ta là luôn phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Thứ tư - 08/06/2022 00:00 1.352 0

  ​Dân chủ là giá trị chính trị - xã hội mà nhân loại luôn hướng đến. Ở Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) vừa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa động lực của sự phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm chiến lược này. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân luôn là bản chất của chế độ ta.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

1. Dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của Nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng", “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân"(1).

“Dân là gốc của nước, của cách mạng", “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân", “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên"(2); “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân"(3). Người đã huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, góp phần to lớn đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do, đưa Nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vì vậy, đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ. Người chỉ rõ, địa vị của Nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và Nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị cao nhất, chung nhất của dân chủ là quyền lực thuộc về Nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ"(4), “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ"(5). Điều này khẳng định giá trị xã hội đích thực của dân chủ là ở chỗ giành về cho đại đa số Nhân dân lao động những quyền lực của chính họ thông qua đấu tranh cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới của chính bản thân quần chúng Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà được độc lập, Nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người đã phấn đấu không mệt mỏi, làm tất cả để thực hiện Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc và Nhân dân. Người đã rút ra một chân lý không chỉ cho dân tộc mà còn cho cả nhân loại “không có gì quý hơn độc lập, tự do"

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chế độ dân chủ, thể chế chính trị và thể chế nhà nước dân chủ, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Người khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"(6). Nhà nước ta là nhà nước của dân; coi Nhân dân là chủ thể quyền lực; nhà nước là công cụ của Nhân dân, là hình thức để tập hợp, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp chung chứ nhà nước không phải là nơi để “thăng quan, phát tài", chia nhau quyền lực, lợi ích và bổng lộc.     

Trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. Xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước. Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của Nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, đó là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước"(7). Để đáp ứng yêu cầu mở rộng dân chủ, trải qua các kỳ Đại hội Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Đại hội VI của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới đã đề ra phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và đúc kết bài học kinh nghiệm trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động.

Đại hội VII của Đảng nêu yêu cầu, phải tổ chức và vận động các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, đóng góp ý kiến với cơ quan nhà nước các cấp xây dựng các quy chế, quy ước phù hợp với luật pháp và chủ trương, chính sách của Nhà nước, tham gia phổ biến pháp luật trong Nhân dân và tổ chức các phong trào quần chúng thực hiện pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Đại hội VIII của Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt cơ chế làm chủ của Nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, làm chủ trực tiếp bằng hình thức tự quản, bảo đảm dân chủ trong quá trình ra quyết định và thực hiện các quyết định.

Đại hội IX thì xác định thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân.

Đại hội Đảng lần thứ X xác định: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, có sự tham gia ý kiến của Nhân dân". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời Nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhà nước phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của Nhân dân.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục nêu rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của Nhân dân"(8), Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"(9).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"(10). “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân; tăng cường tạo đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội"(11).

3. Giải pháp phát huy dân chủ XHCN theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng XIII

Bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nước ta thể hiện ở chỗ tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Mọi quyền lợi của Nhân dân đều được tôn trọng, bảo đảm, Nhân dân có quyền đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến của mình cho Đảng và Nhà nước. Quan điểm của Đảng ta: “Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân" hoàn toàn xa lạ với những biểu hiện “nói mà không làm", “nói không đi đôi với làm", “nói một đằng, làm một nẻo"... đặc biệt là việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các bộ phận dẫn đến nguyện vọng của Nhân dân chậm hoặc không được giải quyết kịp thời. Đây chính là biểu hiện về sự thiếu “tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân", là sự vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, quan điểm đúng đắn của Đảng: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân" cần phải tiếp tục được nhận thức đúng và quán triệt sâu sắc trong việc xây dựng và thực thi dân chủ ở tất cả các cấp hiện nay. Đồng thời, cần phải có cơ chế cụ thể để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình, phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội.

Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải thừa nhận và bảo đảm trên thực tế các quyền tự do, bình đẳng; quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; đồng thời mở rộng điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền và lợi ích của mình. Tiếp tục Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp sau:

Nhiệm vụ trọng tâm: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật", gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ XHCN của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc"(12).

Nhằm thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân trong những năm tới, Đại hội XIII xác định:  

Một là, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện hóa thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. 

Hai là, thể chế hóa và thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Muốn để “dân biết", điều cốt yếu là phải cung cấp thông tin cho Nhân dân, việc cung cấp thông tin phải chân thực, kịp thời và khách quan. Muốn để “dân bàn", phải tạo các điều kiện thuận lợi (phương tiện, diễn đàn, cơ chế) để Nhân dân tích cực, chủ động, tự giác bày tỏ quan điểm, chính kiến về những vấn đề mà mình đang quan tâm, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ và vì sự phát triển chung của mỗi địa phương, của đất nước.

Ba là, chính quyền các cấp không được phép thờ ơ trước những sáng kiến và những góp ý của người dân mà phải động viên, khích lệ họ để tạo động lực thúc đẩy họ có những sáng kiến và góp ý có giá trị. Khi đã được cung cấp thông tin một cách công khai, trung thực, kịp thời thông qua bàn bạc, trao đổi ý kiến để tìm ra tiếng nói chung, từ đó “dân làm" theo quy định của pháp luật. Muốn để “dân kiểm tra, giám sát", Nhà nước phải có cơ chế bảo đảm cho Nhân dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. “Dân thụ hưởng" khi dân có đầy đủ những quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện dân chủ. 

Bốn là, Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Năm là, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, ngoại giao Nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân. Do đó, cần vận động Nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, các thiết chế bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. 

Sáu là, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của Nhân dân. Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, lợi dụng dân chủ để gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Có như vậy mới tạo sự răn đe đối với những ai đi ngược lại lợi ích của Nhân dân và cũng tạo niềm tin để Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm chủ của Nhân dân trong quá trình phát triển của đất nước. 

Tóm lại, dân chủ XHCN là bản chất của chế độ chính trị Việt Nam, là mục tiêu, là động lực của đất nước, thể hiện quan điểm lấy dân là gốc, gốc có vững, cây mới trưởng thành, phát triển. Dân chủ có thực sự, dân tộc mới phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, dân chủ cần được thực hành, phát huy, phát triển trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp, pháp luật quốc gia./.                        

ThS. Mai Tuấn Kiệt

Trường Chính trị

--------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.t.8,tr.276

(2), (3), (6)  Hồ Chí Minh, Sđd, tâp 5, tr.293; tr.409-410; tr.698; 

(4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.515, tr.276.

(5) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr.499, tr.572

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84-85.

(8), (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 169; tr. 170;

(10), (11) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. CTQG Sự thật, H., T.1, tr.13, 118,

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. CTQG Sự thật, H.tr 202.

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay7,244
  • Tháng hiện tại162,608
  • Tổng lượt truy cập8,171,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây