“Chúng ta cần một xã hội thực sự vì con người” Bài 1: Sứ mệnh đổi mới đất nước

Thứ tư - 08/06/2022 23:00 127 0

  ​Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây" và “chống", lấy “xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái.


Ngày 09/2/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại lễ ra mắt cuốn sách (cách nay 4 tháng), Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết cuốn sách tuyển chọn 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay.

Nội dung xuyên suốt 29 bài viết là sự phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư. Ngày 19/5, kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II tổ chức toạ đàm khoa học nghiên cứu trao đổi những nội dung cuốn sách này.

“Trong bối cảnh quốc tế và đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng từng bước thực hiện đổi mới và từ năm 1986 - Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh".

Để thực hiện được mục tiêu trên, trọng trách của Đảng là phải xác định và lãnh đạo đổi mới thực hiện đúng nguyên tắc là đổi mới nhưng không đổi màu, đổi mới nhưng phải giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin.

Từ Đại hội lần thứ VII (1991) đến nay, Đảng ta đã xây dựng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với và hoàn thiện ở cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011.

Đại hội XI của Đảng khẳng định mục tiêu: xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy, Đảng ta xác định, đổi mới chính là hướng tới thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn thể hiện ở mục tiêu bao trùm này nhằm đưa đất nước ngày càng phát triển, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, con người và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân - đó cũng chính là trọng trách của Đảng"- TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng- TS. Hoàng Thị Hương (Học viện Chính trị khu vực II) nêu ý kiến qua bài tham luận.

Hai vị TS chỉ ra, trải qua 35 năm khởi xướng và lãnh đạo đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn cả về lý luận và thực tiễn.

Thành tựu về lý luận, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới và thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.

Hệ thống luận điểm về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản. Đảng đã nhận thức rõ hơn mục tiêu và mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Đó là nhận thức rõ hơn những vấn đề về chế độ kinh tế, chính trị, cơ cấu xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

“Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen".

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới cho thấy một thực tế là hoàn toàn có thể bỏ qua chế độ tư bản để đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua sự xác lập quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng của chế độ tư bản và có thể kế thừa những thành quả của nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Đại hội XI của Đảng xác định: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".

Thành tựu trong thực tiễn, tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm đạt từ 6,5%-7%. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001. Chất lượng tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu.

Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 1.168 USD năm 2010 và 2.779 USD năm 2021. Năm 2020, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt khoảng 14,6%; tỷ trọng ngành công nghiệp đạt 39,7%; tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ đạt 45,7%. Trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu lao động qua đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 63% năm 2010 lên trên 90,85% năm 2020.

Năm 2020, Việt Nam có hơn 40 di sản vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hộ nghèo đa chiều có xu hướng giảm mạnh, từ 53% năm 1993 xuống còn 24,4% năm 2005 và 6,83% năm 2019. Năm 2019, năng lực chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số HDI xếp 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến năm 2010, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trên phạm vi cả nước; tỷ lệ người lớn biết chữ đạt trên 90%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 73,3 tuổi năm 2015 và gần 74 tuổi năm 2020.

Về xây dựng hệ thống chính trị, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đã đạt được những kết quả bước đầu. Quốc hội từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động theo hình thức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến năm 2005, Quốc hội thông qua gần 150 luật. Từ năm 2016 đến tháng 6.2020, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 101 luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Công tác xây dựng Đảng, trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tấn công toàn diện vào Đảng và chế độ chính trị của đất nước, Đảng vẫn vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từng bước nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thống nhất tư tưởng trên những vấn đề cơ bản của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới; đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối đúng đắn; phê phán các quan điểm sai trái đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, dân chủ cực đoan, phủ nhận thành tựu của quá khứ... Hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối trung gian.

Ngoài những thành tựu, quá trình lãnh đạo của Đảng vẫn còn một số hạn chế, trong đó có hạn chế về lý luận. Đảng khẳng định, một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chưa được làm sáng tỏ; lý luận về các bước đi của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và những vấn đề về thể chế kinh tế thị trường chưa được làm rõ; chưa có sự thống nhất về tiêu chí công bằng và bình đẳng, về sự phân hoá giàu nghèo; nhiều vấn đề mới về lý luận văn hoá chưa được giải đáp; chưa nhận thức đầy đủ để khắc phục tình trạng chồng chéo và lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn nhiều điểm chưa được sáng tỏ. Khả năng dự báo về tình hình thế giới còn hạn chế. Lý luận về chiến tranh Nhân dân trong điều kiện công nghệ cao và toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế chưa được cụ thể hoá. Lý luận về đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường, dân chủ và mở cửa, hội nhập quốc tế chưa được làm sáng tỏ...

Hạn chế trong thực tiễn: Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng hiện hữu. Kinh tế phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế.

Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Những tiêu cực và tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, phân hoá giàu - nghèo ngày càng tăng. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy cao độ.

Trong Đảng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; tha hoá về lối sống, quan liêu, xa rời quần chúng. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang gây bất bình trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, Đảng cần phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây" và “chống", lấy “xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái.

VIỆT ĐÔNG

Nguồn BTNO

(còn tiếp)

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay7,240
  • Tháng hiện tại162,604
  • Tổng lượt truy cập8,171,309
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây