Đề cương văn hoá Việt Nam - văn kiện có ý nghĩa thời đại

Thứ tư - 01/03/2023 15:00 350 0

​  Bằng những luận điểm khoa học và thuyết phục, Đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là “cương lĩnh" đầu tiên của Đảng về văn hoá, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hoá của Đảng.


Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển"

Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 27/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023): Khởi nguồn và động lực phát triển".

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự.

Loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo là hoạt động tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học, tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hoá và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều này góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này.

Đề cương về văn hoá đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hoá, Đảng mới lan toả được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Xây dựng nền văn hoá mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày bản báo cáo trung tâm về Đề cương văn hoá Việt Nam sau 80 năm. “Ngay trong phần mở đầu, với việc xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hoá bao gồm ba thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đề cương về văn hoá Việt Nam thể hiện tư duy mạch lạc và sự tiến bộ vượt thời đại trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Không dừng lại ở đó, trên cơ sở vận dụng phương pháp luận mácxít, Đề cương còn khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hoá cũng như giữa văn hoá với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong khi các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hoá dân tộc thì toàn bộ nền văn hoá đó cũng chính là một “mặt trận", có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương... tham dự Hội thảo

Tư duy vượt thời đại

Thảo luận bàn tròn tại hội thảo, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Điệp bình luận, qua bài thơ “Là thi sĩ" của Sóng Hồng (Tổng Bí thư Trường Chinh) chính là một tuyên ngôn nghệ thuật. Đối với nhà lãnh đạo Trường Chinh, thơ và cách mạng chưa bao giờ tách rời nhau. Không chỉ là nhà cách mạng, Tổng Bí thư Trường Chinh còn là nhà văn hoá, nhà lý luận xuất sắc của Đảng.

Đồng chí Đặng Xuân Thanh, công tác tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (cháu nội Tổng Bí thư Trường Chinh) cho biết, tác giả Đề cương văn hoá Việt Nam là người rất thận trọng, nghiêm cẩn trong đời sống lẫn trong công việc. Cả ba người con trai của Tổng Bí thư đều tham gia quân ngũ một thời gian dài, trước khi rời quân đội để tham gia nghiên cứu khoa học, học thuật trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Gia đình Tổng Bí thư Trường Chinh có truyền thống hiếu học nổi tiếng, mỗi thành viên trong gia đình có một tủ sách riêng; tủ sách gia đình có từ thời ông nội của Tổng Bí thư- người cháu nội thông tin.

Một khách mời tham gia thảo luận- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương bình luận Tổng Bí thư Trường Chinh là người có tư duy đặc biệt, ông đề ra đường lối đổi mới đất nước khi tuổi đã rất cao. Đặt vấn đề về sức mạnh mềm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương nêu câu hỏi: nước ta có nền văn hoá giàu bản sắc dân tộc nhưng vì sao đến nay chưa nằm trong danh sách 30 quốc gia có sức mạnh mềm mạnh nhất, ảnh hưởng nhất thế giới? Phải chăng chúng ta chưa coi trọng đúng mức trong đầu tư cho văn hoá. Văn hoá có tính đặc thù, không phải khi nào cũng đặt tính thị trường lên trên nhưng không thể xem nhẹ tính thị trường của văn hoá, tức phát triển sản phẩm công nghiệp văn hoá.

Đánh giá về giá trị Đề cương văn hoá Việt Nam, ông Tạ Quang Đông- Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bình luận, bản đề cương ra đời đã góp phần rất lớn vào chấn hưng văn hoá dân tộc, theo “công thức" nổi tiếng: dân tộc - khoa học - đại chúng.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận, hội thảo đã làm rõ giá trị sâu sắc của Đề cương văn hoá Việt Nam. Đề cương nêu rõ mối liên hệ mật thiết giữa cách mạng chính trị với cách mạng văn hoá, là một văn kiện có ý nghĩa thời đại.

Đề cương đã thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, khẳng định văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá), ở đó, người cộng sản phải hoạt động, phải làm cách mạng văn hoá. “Sau khi nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách cai trị của Pháp và Nhật, Đề cương đã phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng văn hoá nhằm mục đích xây dựng và phát triển nền văn hoá mới. Đề cương đã vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của các nhà văn hoá yêu nước Việt Nam là phải chống lại văn hoá phát xít, phong kiến lạc hậu, nô dịch, văn hoá ngu dân, phỉnh dân; đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hoá Việt Nam xã hội chủ nghĩa"- đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Bằng những luận điểm khoa học và thuyết phục, Đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là “cương lĩnh" đầu tiên của Đảng về văn hoá, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hoá của Đảng. Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã dày công xây dựng nền văn hoá mới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật.

Qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hoá, văn nghệ; từ định hướng chiến lược của Đề cương, nhất là ba nguyên tắc: “dân tộc hoá", “đại chúng hoá", “khoa học hoá", Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn về bản chất, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong đời sống xã hội, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đảng khẳng định: văn hoá phải thực sự là “nền tảng tinh thần" vững chắc của xã hội, là “sức mạnh nội sinh quan trọng" trong sự phát triển của đất nước.

“Tập trung thể chế hoá nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4.6.2020 về tiếp tục thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24.11.2021"- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo.

Việt Đông

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập451
  • Máy chủ tìm kiếm259
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay7,958
  • Tháng hiện tại233,324
  • Tổng lượt truy cập8,242,029
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây