Văn học, nghệ thuật Tây Ninh - Những đóng góp đáng tự hào

Thứ hai - 14/04/2025 07:53 139 0
Tây Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng. Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tây Ninh có nguồn gốc từ phong trào văn nghệ kháng chiến, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền và động viên Nhân dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm VHNT phản ánh chân thực đời sống, con người, lịch sử địa phương và công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương. 50 qua, VHNT của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi tập hợp hầu hết các văn nghệ sĩ cách mạng của cả nước trong thời kỳ kháng chiến như Hoàng Việt, Phạm Tuyên, Xuân Hồng,… đã sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như “Lên Ngàn”, “Đôi bờ Vàm Cỏ Đông”, “Nhạc rừng”, “Xuân Chiến khu”, “Bài ca may áo”,... Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, từ lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Lộc, Nguyễn Cửu Dũng,… với những ca khúc đi vào lòng người như “Em đi qua cầu cây”, “Những bông hoa trên tuyến lửa”,...

Năm 1975, khi đất nước được thống nhất, Đảng lãnh đạo vận động toàn quân, toàn dân ngăn chặn văn hóa độc hại, khơi dậy nền văn hóa dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta. Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh nhà; đưa vào Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nội dung đầu tư các thiết chế văn hoá, làm cơ sở ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo nền móng vững chắc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cấp cơ sở, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh được thành lập ngày 13/10/1984, đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc tập hợp, đào tạo và hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh. Từ vài chi hội và số ít hội viên lúc ban đầu, Hội tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn để định hướng sáng tác, thu hút hội viên và tích cực vận động người tham gia hội. Tính đến hiện nay Hội VHNT tỉnh có 304 hội viên, trong đó hội viên cao niên chiếm hơn 50%; 136 hội viên là đảng viên chiếm 44,73%, 66 hội viên dưới 40 tuổi chiếm 21,71% và 62 hội viên thuộc các chuyên ngành Trung ương chiếm tỉ lệ 20,39%. Hội viên Hội VHNT tỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh... Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng sáng tác, quảng bá tác phẩm ca ngợi con người và quê hương Tây Ninh.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh uỷ về văn hoá, văn học, nghệ thuật. Các ngành chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về văn hoá, văn học, nghệ thuật gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về xây dựng Đảng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng luôn được tỉnh quan tâm, thường xuyên tổ chức học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các lớp bồi dưỡng tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, định hướng cho văn nghệ sĩ sáng tác phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí để Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hoạt động; thành lập giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng; hằng năm, tổ chức gặp gỡ với văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể hiện sự quan tâm, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ. Các cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; Nghị quyết của đảng bộ các cấp xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật và cụ thể hoá bằng kế hoạch, chương trình công tác hằng năm để có cơ sở đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Các đại biểu dự tham quan sách trưng bày tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ định hướng cơ quan báo, đài tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chính sách về văn hoá, văn học, nghệ thuật; chỉ đạo lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ mạnh thông tin chính thống đến Nhân dân các tác phẩm văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh trên Internet và mạng xã hội. Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, trí thức để định hướng, động viên kịp thời, không để xảy ra diễn biến phức tạp; chỉ đạo nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các danh hiệu văn hóa, lồng ghép các nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” vào thực hiện các nhiệm vụ về văn hoá.

Các cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành; đặc biệt ngành giáo dục và đào tạo đã đưa vào chương trình giảng dạy môn âm nhạc, mỹ thuật, ngữ văn và lịch sử; tổ chức giảng dạy nội khoá chương trình văn học, lịch sử, địa lý địa phương Tây Ninh; tổ chức các hoạt động ngoại khoá như: đố vui, hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, vẽ tranh,… nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương và con người Tây Ninh; giới thiệu, quảng bá tác phẩm và giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Những hoạt động tiêu biểu và kết quả nổi bật

Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy truyền thống VHNT cách mạng, VHNT Tây Ninh không ngừng phát triển, có sự kế thừa, tiếp nối từ VHNT của những văn nghệ sĩ tiền bối hoạt động trong thời kỳ kháng chiến trước năm 1975.

Từ khi hình thành đến nay, VHNT Tây Ninh đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tạo, sự tìm tòi, thể nghiệm. Quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ được bảo đảm; hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, phát huy sáng tạo của văn nghệ sĩ đóng góp tài năng, trí tuệ thông qua các đợt vận động sáng tác hằng năm; giao lưu và thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật Xuân Hồng được tổ chức 05 năm một lần (tính đến nay, tỉnh đã tổ chức trao giải thưởng 03 lần) đã ghi nhận nhiều công sức đóng góp của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh, với nhiều tác phẩm có giá trị cao, lưu giữ cho các thế hệ nối tiếp. Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động đã thu hút 391 tác phẩm của 207 tác giả tham gia xét chọn (từ năm 2010 – 2025), có 03 tác phẩm đạt giải khuyến khích và 01 giải thưởng khuyến khích tập thể. Tính đến nay, VHNT tỉnh có 664 tác phẩm đạt giải các cấp, trong đó có 29 giải quốc tế, 147 giải toàn quốc.

VHNT Tây Ninh phát triển đa dạng nhiều loại hình, phản ánh đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân, cụ thể:

Văn học: Những tác phẩm văn học với ngôn ngữ phong phú, nội dung sâu sắc, giàu hình ảnh, đậm chất văn học, tiêu biểu như các tiểu thuyết “Bám đất”, “Lớn lên”; truyện dài “Sài Gòn 46”, truyện ngắn “Chim lồng” (tác giả Vân An). Các tác phẩm văn chương Tây Ninh 50 năm qua đã có những bước tiến mới so với giai đoạn trước, có sự mở rộng biên độ về đề tài, chủ đề; cách tiếp cận, nhìn nhận mạnh dạn hơn, sát sao hơn với hiện thực cuộc sống; thể loại và bút pháp cũng đa dạng hơn; phản ánh chân thực những đổi thay của đất nước, của con người, vùng đất Tây Ninh trong thời đại mới.

Âm nhạc: Phổ biến thể loại ca khúc; đa phần mang đậm chất truyền thống cách mạng sáng ngời phẩm chất kiên trung, nghĩa tình, đoàn kết quân dân gắn bó keo sơn trong xây dựng hình tượng anh bộ đội cụ Hồ thời bình, hay người dân lao động, sản xuất trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Bên cạnh đó, đề tài thiếu nhi và tác phẩm mang âm hưởng dân ca, hiện đại hóa để phù hợp nhu cầu và cảm thụ âm nhạc của giới trẻ cũng được chú trọng. Lực lượng sáng tác khá phong phú, như: nhạc sĩ - chiến sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Lê Chí Trung, Lê Chí Khối, Lê Hữu Trịnh, Lê Hoàng Minh, Lê Hồng Tăng, Trần Quang Cường, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Quốc Đông, Quốc Tây, Hoài Nguyên, Hoài Nhân, Nguyễn Trọng Quý, Anh Thư, Huỳnh Oanh và 1 số tác giả trẻ như Nguyễn Thiện Trường, Anh Thi,….. (trong đó có 9 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Cùng với đó là lực lượng ca sĩ khá đông đảo.

Múa: Phong trào múa của Tây Ninh đã đồng hành cùng VHNT tỉnh trong suốt thời gian qua với các tác phẩm phản ánh sinh động tình đất tình người Tây Ninh. Múa có mặt trong hầu hết các chương trình, các sự kiện của tỉnh.... Với nhiều biên đạo múa tên tuổi như: nghệ sĩ Ánh Hồng, Kim Phụng, Quang Cường, Hùng Dũ, Tấn Lợi và những biên đạo trẻ như Kim Chi, Việt Phương, Thu Trang, Hoàng Ân, Trọng Chinh, Hoài An, …

Nhiếp ảnh: Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã góp phần lưu giữ, truyền tải nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử, nhân văn, thẩm mỹ, giáo dục,…phục vụ đắc lực, kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn lịch sử và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng. Đặc biệt hơn 10 năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ đạt nhiều giải thưởng quốc tế, toàn quốc và khu vực đã góp phần quảng bá giá trị tiềm năng và vẻ đẹp về con người, vùng đất và sự phát triển của tỉnh đến công chúng trong và ngoài nước. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tiêu biểu như Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhàn, Lê Bi, Lê Văn Đính, Đỗ Thành Nhân, Dương Đức Kiên, Nguyễn Duy Hậu, Dương Vĩnh Tuyên, Nguyễn Huỳnh Đông, Nguyễn Nhật Tường, Nguyễn Viết Tiến, … Hiện trong tỉnh có 8 nghệ sĩ nhiếp ảnh là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Hội họa, điêu khắc: Các tác phẩm hội họa, điêu khắc của các hoạ sĩ trong tỉnh đã khắc họa vẻ đẹp con người, quê hương Tây Ninh trong thời kỳ đổi mới với những tên tuổi hoạ sĩ nổi trội như: Trần Hà, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hữu Thoại, Đặng Văn Thức, Trần Văn Chỉnh, Phạm Bá Cường, … Hiện có 11 họa sĩ là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt năm 2024, có 04 tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn để trưng bày trong Cuộc thi và Triển lãm Tranh Đồ họa các nước ASEAN 2024 tại Bảo tàng Hải Phòng do ASEAN tổ chức (tác phẩm “ Bên sông” của họa sĩ Trần Chỉnh, “Đưa nước sông Vàm” - Nguyễn Vũ, “ Di tích Trung ương Cục miền Nam”- Phạm Bá Cường, “Làng chài An Hải” - Nguyên Hòa).

Sân khấu: Thế mạnh của loại hình sân khấu tỉnh Tây Ninh là bài ca vọng cổ và nhạc tài tử Nam bộ với nhiều tác phẩm được cả nước biết đến như: Chuyến xe Tây Ninh, Hoàng tử bất đắc dĩ,… Những soạn giả, nghệ sĩ tiêu biểu như: Xuân Phát, Thanh Hải, Nguyễn Thế Nghiệm, Đăng Minh, Thành Phương, Kim Tùng; Hoàng Sển; Xuân Hòa, Hồng Ngự, Xuân Loan, Bảo Châu, Hoàng Chính, Nhật Minh, …

Hiện nay có 07 hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và đang sinh hoạt ghép với chi hội diễn viên thuộc Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Các nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm được dựng thành phim và được công chiếu trên các Đài Truyền hình; gửi tác phẩm dự thi các Giải toàn quốc, trong đó có một số phim đạt giải như phim tài liệu chân dung “Xuân Hồng chiến sĩ - nhạc sĩ” biên kịch Đặng Phượng đoạt Giải C Giải thưởng văn học nghệ thuật và báo chí đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc Phòng giai đoạn 2010-2015; Phim phóng sự “Đi tìm đồng đội” biên kịch Bích Thủy đạt giải Huy chương Bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quân năm 2003,...

Lĩnh vực văn nghệ dân gian: Hiện tỉnh có 03 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và 03 Nghệ nhân dân gian. Mô hình đưa văn hóa dân gian vào thế hệ trẻ được xây dựng như: truyền dạy đờn, ca nhạc tài tử trong 1 số trường phổ thông; mở lớp dạy tại các thiết chế văn hóa trong tỉnh, thông qua Ngày hội Văn hóa dân gian phổ biến các tri thức dân gian với nhiều hình thức sinh động như: trải nghiệm làng nghề, xem diễn xướng dân gian (xây chầu, bóng rỗi, hầu đồng, hát bội), các hoạt động được thực hiện đồng bộ và hiệu quả đã góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của tỉnh.

Tính đến nay, Tây Ninh đã có nhiều di sản văn hoá, nghệ thuật ở địa phương được công nhận như: nghệ thuật Đờn ca Tài tử cải lương được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; múa trống Chhay-Dăm dân tộc Khmer xã Trường Tây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,…; được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” đối với 05 nghệ sĩ, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đối với 14 nghệ nhân; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận “Nghệ nhân dân gian” đối với 03 nghệ nhân.

Nền văn học nghệ thuật Tây Ninh qua 50 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, văn học dân tộc. Đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, phát huy trách nhiệm trong sáng tác, nắm bắt kịp thời thực tiễn Tây Ninh trong quá trình phát triển gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tổ chức Hội VHNT tỉnh không ngừng đổi mới hoạt động, ngày càng lớn mạnh, đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, thu hút nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo được sân chơi lành mạnh cho người làm nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên có điều kiện, cơ hội đóng góp tài năng, trí tuệ thông qua các tác phẩm VHNT chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự kiện chính trị và đời sống văn hóa.

Thanh Thanh

Tác giả: tttthao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay82,740
  • Tháng hiện tại1,330,237
  • Tổng lượt truy cập12,249,484
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây