Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

Thứ tư - 07/08/2024 16:58 111 0
Ngày 24/7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 227-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Kế hoạch đề ra chỉ tiêu phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm. Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm. Số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/ năm.

          Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 07 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và xã hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về  an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động. Đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn, vệ sinh lao động trong hội viên, đoàn viên và nhân dân; tăng cường tổ chức đối thoại, tiếp xúc, thương lượng về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Đặc biệt, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phát hiện và thông báo các cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

- Tổ chức rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong thực tiễn, chú trọng chính sách phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và các tổ chức có liên quan; chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động... bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, tiếp cận tiêu chuẩn thế giới.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền, thường xuyên kiểm tra, thanh tra đảm bảo chính sách, pháp luật được thực hiện nghiêm; thực hiện tốt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Tích cực cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người lao động.

Định kỳ đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với lao động làm việc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; thường xuyên rà soát, đề xuất bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bệnh nghề nghiệp.

Thường xuyên quan tâm về an toàn, vệ sinh lao động đối với các nhóm lao động nữ, chưa thành niên, người khuyết tật, người cao tuổi, giúp việc gia đình, người học nghề, tập nghề, thử việc và lao động được cho thuê lại, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Giám sát, quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khoẻ định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Hình: Công nhân làm việc tại dây chuyền may công nghiệp (ảnh minh hoạ).

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về an toàn, vệ sinh lao động.

Đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động. Tăng cường nguồn lực đầu tư mạnh cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khoẻ người lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

- Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lồng ghép nội dung an toàn, vệ sinh lao động trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, môi trường.

Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư nguồn lực, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, biều dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm, đúng quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật.

Thanh Thanh

Tác giả: tttthao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay5,237
  • Tháng hiện tại449,091
  • Tổng lượt truy cập6,759,683
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây