Phát huy giá trị văn hoá và xây dựng con người Việt Nam hiện nay

Thứ tư - 28/06/2023 14:00 934 0

Trải qua tiến trình lịch sử, Đảng luôn chú trọng phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là một trong những nội dung lớn của việc phát huy giá trị Đề cươn​g về văn hoá Việt Nam trong 80 năm qua.


Ảnh minh hoạ

Hệ giá trị gia đình

Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng, trong bối cảnh thời đại mới, nội dung cốt lõi và tinh thần của Đề cương về văn hoá Việt Nam vẫn tiếp tục được kế thừa qua các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hoá. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thảo luận và thông qua các văn kiện có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tại Đại hội XIII, cùng với những nhiệm vụ như: xây dựng chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại... thì việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam thời đại mới cũng được Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Kế thừa quan điểm về nguồn lực văn hoá trong các văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đảng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá: Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hoá.

Nghị quyết Đại hội XIII xác định việc xây dựng văn hoá, con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm: phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời đại mới được Đảng chỉ rõ: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới...

Việc gắn chặt chẽ “hệ giá trị gia đình Việt Nam" với “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người", theo các nhà nghiên cứu, là một nhận thức mới. Gia đình vốn là “tế bào của xã hội", là môi trường giáo dục đầu tiên để hình thành, nuôi dưỡng, định hướng nhân cách con người. Vai trò của “hệ giá trị gia đình" được nhấn mạnh nhằm phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng giá trị văn hoá và con người Việt Nam.

Văn hoá luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển văn hoá và xác định công tác văn hoá là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nói chung và nội dung của Đề cương về văn hoá Việt Nam luôn được quan tâm xuyên suốt.

Tuy nhiên, những nội dung này đã được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hoá Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới mà Đại hội XIII là tiêu biểu nhất.

Trong suốt 80 năm, dù trải qua nhiều chặng đường lịch sử khác nhau của dân tộc nhưng Đề cương vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá Việt Nam những năm gần đây khẳng định tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hoá.

Chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá trong 80 năm qua luôn thể hiện sự quan tâm của Đảng ta đến mặt trận văn hoá, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá mới. Giá trị của bản Đề cương về văn hoá Việt Nam vẫn thể hiện sức sống trong xã hội đương đại.

Cho đến nay, ba nguyên lý phát triển văn hoá “Dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá" được vạch ra từ Đề cương về văn hoá Việt Nam đã và đang được bổ sung những nội dung mới, để làm phong phú thêm những giá trị văn hoá, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước.

Việc vận dụng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hoá trong Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 được thể hiện trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ.

Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII có ý nghĩa sâu sắc: Khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng ta coi văn hoá là động lực quan trọng để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới.

Phát triển, bổ sung

Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 vẫn thể hiện giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên con đường hội nhập và phát triển.

Để xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, cần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hoá, đặc biệt là quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam.

Tất cả nhằm góp phần vun đắp nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. Xa hơn nữa, góp phần đưa văn hoá Việt Nam sánh vai với các nền văn hoá, văn minh tiến bộ trên thế giới. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, những giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 càng phải được đề cao.

Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Để Đề cương về văn hoá Việt Nam có sức sống mới, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Đề cương nói riêng, sự nghiệp phát triển văn hoá nói chung, nhất thiết cần có những cập nhật mới về nội dung cho phù hợp với tình hình bối cảnh xã hội đương đại.

Văn kiện Đại hội XIII  coi trọng giáo dục, đào tạo để phát triển con người và văn hoá trước bối cảnh mới của đất nước, với mục tiêu: “chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Giáo dục và đào tạo cần đón đầu trong đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Mỗi cá nhân phải quán triệt các quan điểm của Đảng về sức mạnh con người Việt Nam, phát triển con người toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.

Để văn hoá thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước, là nền tảng tinh thần xã hội, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện mới, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị nước ta.

Cần đẩy mạnh thực hiện việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chú trọng công tác tuyên truyền, biểu dương các thành tựu văn hoá; kiên trì đấu tranh bài trừ các hủ tục, thói hư tật xấu, biểu hiện văn hoá thiếu lành mạnh...

Trải qua 80 năm, bối cảnh tình hình, điều kiện cụ thể của đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng những tư tưởng và nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 vẫn mang ý nghĩa và giá trị to lớn. Đây chính là cội nguồn và động lực phát triển: góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Việt Đông

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay5,804
  • Tháng hiện tại422,539
  • Tổng lượt truy cập6,733,131
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây