Gò có dinh Ông, sông có đình Bà

Thứ sáu - 17/06/2022 15:00 1.088 0

​  Vâng! Đây là chuyện ở làng (nay là xã) An Thạnh, huyện Bến Cầu. Xã chạy dài theo hai bên đường Xuyên Á, bắt đầu từ cầu Gò Dầu cho tới xã Lợi Thuận, nơi có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.


Tế điện dinh Ông.

Tại các làng xã Tây Ninh, theo tập quán từ xa xưa, ở đâu cũng có tín ngưỡng thờ các vị thần, nhân, hoặc những người có công với dân, với nước. Như một quan niệm về có âm, có dương… và âm dương hoà hợp thì mọi sự trong làng mới được hanh thông. Vậy nên, đã có thờ bà thì cũng có thờ ông.

“Bà" có thể là Linh Sơn Thánh mẫu, Bà Chúa xứ hay Ngũ Hành, Thiên Hậu… “Ông" có thể là thành hoàng của các ngôi đình, hoặc ở vài địa phương phía Bắc tỉnh Tây Ninh thì “ông" ở đây thường là Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản.

Điển hình như ở đình Thái Ninh, phường 1, TP. Tây Ninh, ngoài ngôi đình thờ thành hoàng, còn có 2 ngôi miếu ở vị trí ngang hàng và song song, một thờ Quan lớn Trà Vong và một thờ Linh Sơn Thánh mẫu. Chuyện đã thành lệ thường, thôi không nói nữa.

Tục lệ thờ ông và bà có hơi khác lạ một chút, chính là ở làng An Thạnh xưa, vẫn còn duy trì tới ngày nay.

Ông là “ông Chúa Tàu" mà không rõ vì sao, cái tên đầy đủ phải là “Lệnh ông Chúa Tàu chứng minh". Còn bà ở đây là “Thất vị nương nương". Ông được thờ tự tại ngôi dinh thờ đặt tại “gò Ông" ở ấp Voi; còn các bà được ngự tại ngôi đình Bà trên ấp Bến.

Cũng còn chưa rõ vì sao nơi thờ Bà không là đền hay miếu, mà lại là chốn đình Trung, nơi thường thờ các vị thành hoàng. Theo sách Truyền thống cách mạng xã An Thạnh (2010) thì: “Theo quan niệm của người dân nơi đây, việc xây dựng đình là để thờ những người đầu tiên có công khai hoá… còn 7 Bà được đưa vào phong thần trong đình, cử người lo nhang khói hằng ngày.

Tương truyền rằng: Từ buổi đầu khai cơ lập nghiệp nơi đây, một số người đã được 7 Bà báo ứng là sẽ phù hộ cho dân làng an cư lạc nghiệp… Cuộc sống ngày càng ổn định phát triển, dân làng thật sự tin rằng một phần nhờ đức của 7 Bà nên họ mới có được cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi…

Người ta cho rằng 7 Bà rất linh thiêng, có huyền năng ban phước lành, sự may mắn và thậm chí… trị được bá bệnh nữa. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30.4.1975, đình Bà được trùng tu, đón khách thập phương xa gần đến cúng viếng, lễ hội Kỳ yên vẫn được duy trì vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hằng năm…".

Cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ đình Bà được xây dựng tự bao giờ, chỉ biết là: “đến năm 1928, hương sư Ngô Văn Chúng đã tự bỏ tiền ra xây dựng lại đình một cách kiên cố, cột đình bằng cây gõ quý to, một người ôm không giáp…" (Sđd).

Bảy Bà là những ai? Tại lễ Kỳ yên ở đình Bà năm 2020 người ta đã thấy có ban thờ bày tượng của các bà. Theo đó thì một là Bà Thiên Hậu; hai là Bà Chúa xứ. Năm bà còn lại là các bà “ngũ hành": Kim Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ đại diện cho 5 loại vật chất tạo thành thế giới của con người sinh sống.


Lễ Kỳ yên tại đình Bà.

Thế còn dinh Ông? Dinh ngự trên một gò đất cao nổi lên giữa đồng bưng An Thạnh. Theo đường An Thạnh - Phước Chỉ từ ngã ba với đường Xuyên Á đi vào khoảng hơn cây số là đã thấy gò Ông với những tàn cây cao vút đứng bên đường. Trên gò không chỉ có ngôi dinh mà còn chùa An Phước và một ngôi nhà bia thờ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến.

Cho đến ngày nay, gò Ông có nhiều công trình mới đã được tôn tạo lớn và đẹp hơn xưa, nhưng vẫn giữ được vẻ hoang sơ của rừng thiên nhiên như hồi tác giả Huỳnh Minh tới đây năm 1971.

Ngay cả ngôi dinh cũng vừa được trùng tu hoàn thành đầu năm 2022, kịp cho lễ tế điện dinh Ông vào rằm tháng 3 âm lịch. Nếu đình Bà đã có nhiều bí ẩn, thì truyền thuyết về dinh Ông còn bí ẩn hơn. Có đến 3 truyền thuyết về dinh Ông.

Một được chép trong sách truyền thống xã An Thạnh. Rằng: “Vùng đất gò Ông trước đây là vùng sông biển. Có một chiếc tàu bị đắm tại đây cả thuyền trưởng và thuỷ thủ đều thiệt mạng. Trải bao sự biến thiên của trời đất, sông biển tự lập dần, còn lại một bãi sình lầy nhưng lại nổi lên một cái gò ở giữa, còn lại dấu tích của chiếc tàu bị đắm cùng ống khói của tàu ấy…".

Nếu câu chuyện dừng lại ở đây thì có lý quá đi rồi! Bởi trong quá khứ rất xa xôi thì đã từng có hiện tượng “biển tiến", thậm chí cả sông Vàm Cỏ Đông cũng từng bị đổi dòng… Nhưng đấy là chuyện của hàng ngàn, vạn năm về trước.

Trên gò cũng còn những di chỉ khảo cổ học thời tiền sử có niên đại từ 2.700 năm đến 3.000 năm cách ngày nay. Điều này chứng minh cho sự có mặt của dân cư nơi đây từ rất lâu rồi! Nhưng phần sau câu chuyện lại là: “Người dân trong làng được một người tự xưng là chúa Tàu- thuyền trưởng chiếc tàu bị đắm hiển linh về báo ứng… Ông và thuỷ thủ đoàn là những người theo nghĩa quân chống Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc…" thì chuyện lại thành ra phi lý.

Huỳnh Minh trong sách Tây Ninh xưa (Nxb Thanh niên, tb 2001) cũng chép lại 2 truyền thuyết về sự tích dinh Ông. Một là chuyện Nguyễn Ánh trên đường “tẩu quốc": “Ông và đoàn tuỳ tùng đi trên một chiếc ghe vào con sông Vàm Cỏ Đông, đến làng An Thạnh dừng chân. Ghe vừa đến nơi, quân Tây Sơn hay đuổi theo, Nguyễn Ánh và các quan hộ giá phải bỏ ghe, băng bộ đường rừng đến núi Bà Đen Tây Ninh lánh nạn…".

Vị chúa tàu (thuyền trưởng) ở lại giữ tàu và bị quân Tây Sơn đánh đuổi tử trận. Người địa phương sau đấy đã lập nên ngôi miếu nhỏ thờ “vị Chúa tàu". Truyền tụng thứ hai lại nói đây là chiếc tàu của một toán quan quân nhà Minh (Trung Quốc) chạy trốn sau khi nhà Mãn Thanh làm chủ đất Trung Quốc.

Tàu chạy tới An Thạnh thì mắc cạn ra không được, sau bị lấp thành cồn. Xem ra, truyền thuyết sau cùng này lại có lý nhất, vì cơ sở lịch sử của nó. Đấy là câu chuyện về người Hoa (gốc triều Minh) “dưới trướng tướng quân Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài đã đến “xứ đàng trong" vào những năm cuối thế kỷ 17" (Dương Công Đức, Trảng Bàng phương chí, Nxb Tri Thức, 2016).

Họ được chúa Nguyễn cho phép sinh sống ở một số nơi như Cù Lao Phố, xứ Đồng Nai hoặc Mỹ Tho và Hà Tiên ở miền Tây Nam bộ ngày nay. Sau nữa, là có những đôi liễn đối trong dinh “Lệnh ông Chúa Tàu chứng minh" cũng có ẩn ý là ông là người từ xứ khác đến nơi đây. Đấy là đôi liễn ngay trước ban thờ chính. Chữ đã ghi bằng tiếng Việt, nội dung:

- An thánh đức tướng quốc… anh linh phò Việt chủ

- Thạnh thần ân anh hùng… gia hộ quốc Nam bang

Hai âm tiết đầu chép lại thành An Thạnh. Còn nội dung thì đã rõ về một tướng quân ở xứ khác đến nơi này phò tá “Việt chủ, Nam bang". Cả hai nơi: gò Ông và bến Đình Bà đều có dấu tích thờ tự những vị thần của người Hoa. Liệu có phải đây là một trong những bến đỗ đầu tiên của lưu dân người Hoa đến tỉnh Tây Ninh từ cuối thế kỷ 17? Từ đây họ đã toả đến các miền đất Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu làm nơi sinh sống lâu dài cho đến ngày nay.

Trần Vũ

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm119
  • Hôm nay18,230
  • Tháng hiện tại243,596
  • Tổng lượt truy cập8,252,301
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây