"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"

Thứ ba - 02/11/2021 03:00 74 0

​  Tròn 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập (24/11/1946), dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến b​ộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.


 Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở (Ảnh tư liệu)

Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam "hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".
Tròn 75 năm kể từ đó, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.
Cùng với chính trị và kinh tế, văn hoá Việt Nam giữ một vai trò và vị trí trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệTổ quốc. Đặc biệt, hiện nay sau hơn ba thập kỷ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiên đại hoá và hội nhập quốc tế. Yêu cầu to lớn và nhiệm vụ nặng nề đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục hoạch định phương hướng vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa có ý nghĩa cấp bách nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong tầm nhìn tới năm 2045. 
Tầm nhìn văn hóa phát triển chiến lược Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội hùng cường
Sự lựa chọn định hướng của tiến trình phát triển Việt Nam qua hơn 90 năm tất yếu là chủ nghĩa xã hội. Xét từ chiều sâu bản chất của nó, chủ nghĩa xã hội chính là một hình thái phát triển của văn hoá tương lai.
Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, là văn hóa, trên nền tảng chính trị chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghĩa là văn hóa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng, để vươn tới Văn hóa theo nghĩa viết hoa.  Đó là lô-gic phát triển Việt Nam từ năm 1930 trong tầm nhìn tới năm 2030 - một trăm năm Đảng Cộng sản Việt Nam! Đó là con đường xã hội chủ nghĩa hiện thực Việt Nam từ năm 1945 tới năm 2045 - một trăm năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì thế, dưới góc nhìn văn hóa, đó chính là sự gặp gỡ kỳ thú và thống nhất hết sức tự nhiên của chúng ta với cách nhìn nhận và đánh giá sự phát triển của các quốc gia tiến bộ trên con đường phát triển hướng tới con người, vì con người và cho con người trên cơ sở đời sống hiện thực của mỗi quốc gia, dân tộc bằng hệ giá trị tổng thể, trong đó văn hóa là một nhân tố căn bản.
Ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ được đánh giá bằng tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trong nước mà còn bằng cách chỉ số: thu nhâp cao, giáo dục tốt, sức khoẻ và dinh dưỡng ở mức cao, nghèo khổ thấp, môi trường trong sạch, có cuộc sống văn hoá cao... Đi trên con đường xã hội chủ nghĩa, càng rõ ràng, đối với chúng ta, văn hoá là một thành tố không thể bị xem nhẹ, mà nó là một bộphận trong chỉnh thể hữu cơ: chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội. Hồ Chí Minh nói: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. Tổng hoà toàn bộ những thành tố đó mà hình thành hệthống giá trị, thang bậc giá trị xã hội mới và tổ chức trong thực tiễn. Nghĩa là phải kiến lập và hiện thực hóa cho được theo một hệgiá trị mới, bao hàm những thuộc tính mang tính chuẩn mực không chỉ về kinh tế, chính trị, đối ngoại và còn phong phú, sâu sắc về xã hội, về đạo đức, về tinh thần, về phong tục, tập quán, v.v... trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước.
Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi phải có một hệgiá trị tương ứng với nó như môt chiến lược tổng thể về phát triển chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội - ngoại giao... Chẳng hạn, văn hoá và phát triển kinh tế là hai mặt thống nhất, xuyên thấm trong nhau, khó mà tách bạch. Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời văn hoá thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hoá và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Hơn nữa, thực tiễn ngày càng cho thấy rất rõ, văn hoá cần coi mình là một nguồn gốc cổ xuý trực tiếp cho phát triển; và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hoá giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội.
Do đó, hiển nhiên là chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược về văn hoá của thời kỳ công nghiệp hoá, hiên đại hoá đất nước, trước mắt với tầm nhìn tới năm 2030 và tới 2045. Nói một cách khái quát, đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, với khát vọng Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập và hùng cường.
Vị thế nền tảng tinh thần xã hội và tính tiên phong của văn hóa 
Trải mấy ngàn năm, có một thời đất nước đắm chìm trong vòng lệthuộc tới cả thiên kỷ, mà rút cuộc "Việt Nam rũ bùn đứng dậy sáng loà". Bàn về điều kỳ diệu này, một ý kiến rất lấy làm thú vị. Đại ý rằng: Văn Lang cổ đại sở dĩ không chết, cho dù cả nghìn năm Bắc thuộc, vì nó đã xây dựng cho mình một nền văn hoá mang đặc tính dân tộc và ngày càng được bảo vệ, củng cố và phát triển, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu.Và chính trên cơ sở đó, Văn Lang đã hồi sinh.
Rõ ràng, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam, là mục tiêu, là động lực phát triển của lịch sử Việt Nam. Nói cụ thể là, cái nền tảng, cái mục tiêu, cái động lực đối với Việt Nam suốt từ thời cổ đại không phải là gì khác, ấy chính là: nghĩa đồng bào, vì nước quên mình, trừ bạo an dân, tinh thần đoàn kết rộng rãi, v.v... Vũ khí tinh thần ấy, vũ khí văn hoá cơ bản nhất ấy được hun đúc và tiếp tục được lưu truyền và ngày càng trở thành hùng khí quật khởi đặc biệt ở vào những bước ngoặt lịch sử dân tộc, để Việt Nam ta ngày càng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế. Đồng hành với lịch sử dân tộc, sự vận động của văn hoá Việt Nam ngày càng sinh động với sự lan toả, thăng hoa rộng lớn, với chiều sâu thẳm tạo dựng nên gương mặt Việt Nam, với trí tuệ, khí phách, cốt cách, phong thái và bản lĩnh Việt Nam không thể trộn lẫn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệTổ quốc và hội nhập toàn cầu. Diễn đạt một cách xác đáng, đó chính là văn hoá với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, là "tấm văn cước" dân tộc hội nhập quốc tế đầy thách thức "mất, còn" hiện nay.
Mặt khác, văn hoá còn mang trong nó tính vượt trước hay tính tiên phong so với kinh tế - xã hội. Ở góc nhìn này, chúng ta thấy nổi bật lên những vấn đề về thế giới quan, về chính trị, về khoa học và công nghệ, về giáo dục, về mô thức ứng xử dân tộc... thuộc phạm trù văn hoá tinh thần, xét trong sự vận động tổng thể của toàn bộđời sống kinh tế - xã hội đất nước. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi".
Rõ ràng, văn hoá không chỉ là nền tảng tinh thần mà đồng thời là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, một mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Vấn đề truyền thống và hiện đại, bản sắc văn hóa và xu thế phát triển của thời  đại
Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, mang bản sắc dân tộc được Đảng và nhân dân ta xác định là một trong các đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó chính là quá trình xử lý một cách khoa học các mối quan hệ hữu cơ giữa truyền thống văn hoá và tính hiện đại của văn hoá, giữa văn hoá dân tộc và văn hoá thời đại để nhằm xây dựng một nền văn hoá Việt Nam vừa mang bản sắc dân tộc vừa ngang tầm với thời đại, là một nhân tố bảo đảm cho cuộc hội nhập thế giới của đất nước một cách toàn diện, hiệu quả nhưng không bị "hoà tan", không biến thành bản sao của người khác hay rơi vào vòng kiềm toả rồi trở thành nô lệ, phụ thuộc trong tay người khác.
Nói văn hoá trước hết là nói tới truyền thống. Văn hoá của bất kỳ dân tộc nào cũng đều như thế, đều bắt đầu từ văn hoá truyền thống. Nó là sự tích tụ, hình thành nên các giá trị lâu đời trong lịch sử xã hội, dân tộc. Còn hiện đại hoá? Một mặt, là kết quả hoạt động sáng tạo chủ thể văn hoá dân tộc đương đại; và mặt khác, là sự thông thái không hạn chế những tinh hoa từ mọi nguồn để tự bổ sung cho mình. Quan hệ giữa hai mặt này như thế nào? Suốt thời gian dài, không ít người những tưởng rằng: càng hội nhập càng tiến nhanh, muốn hiện đại hoá nhanh thì tất phải kích thích mạnh mẽ, nghĩa là phủ nhận, thay đổi truyền thống bằng sự thúc ép cải tạo và dưới cái gọi là thừa kế nhưng thực ra nhập từ bên ngoài vào...và đã phải trả giá. Qua đây, bài học thành bại trở nên hết sức rõ ràng là, để hiện đại hoá, quyết không phải là phủ nhận văn hoá cổ truyền nào đó, mà trái lại vấn đề là, phải biết xử lý văn hoá truyền thống với các giá trị của chúng trong tiến trình hiện đại hoá, chứ không phải là xoá bỏ nó; phải duy trì sự phát triển liên tục nó để đi vào hiện đại hoá. Nếu văn hoá truyền thống là nền tảng thì tính hiện đại phải là sự củng cố cho nền tảng ấy ngày càng bền vững, sự thống nhất phải đạt tới mức tính hiện đại gia nhập và trở thành yếu tố của truyền thống văn hoá. Bởi lẽ, xét về mặt phương pháp luận, hệ thống tồn tại và thay đổi dần tới trạng thái cuối cùng của hệ thống cũ là hệ thống mới. Nó biến đổi nhưng không bao giờ đứt đoạn, biến chất nhưng là kết quả của một quá trình liên tục. Phương thức này là tất yếu cho sự phát triển mà chúng ta cần lựa chọn.
Mặt khác, không thể phát triển dân tộc nếu cắt đứt mối liên hệ với lịch sử, văn hoá dân tộc và văn hoá thế giới. Đó là một quy luật. Phát triển phải được đặt trong tiến trình lịch sử và môi trường văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại. Vấn đề bản sắc dân tộc của văn hoá trong quá trình phát triển, vấn đề "hội nhâp nhưng có phải là hoà tan"?. Trong xu thế toàn cầu hoá, đây vẫn là một trăn trở lớn, đang nổi lên như một yếu tố cần thiết hàng đầu và dân tộc ta không thể lẩn tránh việc tìm ra đáp án đúng cho câu hỏi đó. Nếu bản sắc văn hoá Việt Nam là sự tổng hoà những giá trị cơ bản, những yếu tố cốt lõi được tích tụ, rèn đúc từ trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước làm nên bản lĩnh, cốt cách, gương mặt của dân tộc một cách riêng biệt, không thể trộn lẫn với dân tộc khác thì cuộc hội nhập chính là thời cơ, là điều kiện, là môi trường để dân tộc thể hiện mình, thâu hoá những thành tựu mới làm phong phú mình, nâng Việt Nam lên một tầm cao mới, nhịp bước cùng thế giới đương đại.
Sự phát triển thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam  
Hiên nay, chúng ta không những sống trong một thời kỳ phát triển lịch sử ngắn hạn mà còn là thời kỳ đa dạng của sự phát triển. Sự phát triển của văn hoá cũng không nằm ngoài xu thế vận động ấy. Không có nền văn hóa cao hay thấp, chỉ có những nền văn hóa khác nhau. Chúng ta xây dựng một nền văn hoá Việt Nam thống nhất không có nghĩa là biến nó thành một thứ khuôn sáo cứng nhắc đối với 54 dân tộc quần tụ và phát triển trên mảnh đất Việt Nam buộc phải gò mình theo", mà trái lại. Sự thống nhất ở đây là, hệ giá trị văn hoá Việt Nam, còn thực hiện như thế nào thì mỗi dân tộc, mỗi vùng đất... với sự khác nhau về đặc điểm tâm lý, truyền thống riêng biệt sẽ lựa chọn và quyết định các phương thức, bước đi, giải pháp và hình thức thể hiện một cách đa dạng và phù hợp nhằm tự phát triển mình lên và làm phong phú thêm hệ giá trị văn hoá Việt Nam trong quốc gia Việt Nam độc lập và thống nhất.
Thời đại ngày nay, văn hoá trở thành động lực, trở thành mục tiêu của sự phát triển. Nhưng thực tiễn của quá trình phát triển từ nhiều quốc gia cảnh báo những cái giá phải trả một cách khủng khiếp đối với văn hoá, thậm chí gieo tai hoạ cho chính văn hoá, khi phát triển bằng cách bất chấp tất cả: phá vỡ các nền văn hoá dân tộc, huỷ hoại nhiều kiến thức quý giá của dân tộc, rút cuộc, phát triển biến thành phản phát triển.
Cho nên, chiến lược về văn hoá Việt Nam không chỉ dừng lại ở chỗ tìm một tiếng nói chung về văn hoá của sự phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững, mà điều quan trọng hơn, cần phải biến tiếng nói chung đó thành những giải pháp khả thi, có tính đồng bộ và phù hợp cho toàn bộ các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiên đại hoá ở mỗi cộng đồng trong quốc gia Việt Nam thống nhất. Đó chính là việc thiết lập một cơ chế vận hành văn hoá và văn hóa vận hành thật sự khoa học và hiệu quả. Nói cụ thể hơn, phải kiến tạo và phát triển hàng loạt mối quan hệ hữu cơ giữa văn hoá với chính trị, kinh tế với văn hoá, văn hoá với xã hội, và ngược lại, nhằm xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa một cách văn hóa, xứng đáng là chủ nghĩa nhân đạo hoàn mĩ.
Đó là con đường để đưa văn hoá kết tinh từ cuộc sống trở lại và hiện diện trong cuộc sống ở quy mô, mức độ và tính chất cao hơn, đúng với vị thế của nó, dẫn dắt đất nước bắt nhịp với xu thế và gia tốc phát triển của thời đại ngày nay.
Chiến lược của chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam
Nếu xem văn hoá không thể đứng hàng thứ hai so với kinh tế hay chính trị, xã hội trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì trước hết phải dành cho nó một sự đối sử ngang tầm với vị thế như nó vốn có, với vai trò và chức năng như nó vốn giữ... chứ tuyệt đối không phải văn hoá là một "lĩnh vực thứ yếu" có tính chất như "phụ gia" hay "ăn theo"... như không ít người lâu nay từng nghĩ. Văn hóa chính là linh hồn trầm tích và thăng hoa của cuộc sống hiện tại và tương lai. Văn hóa là linh khí rất khó nắm bắt nhưng chính lại là linh vật hiện hữu.
Trước hết, việc xác lập và mở rộng tầm nhìn về kiến tạo, đào tạo, bố trí chiến lược đội ngũ cán bộ trên các phương diện văn hoá một cách phù hợp, nhất là trên những phương diện then chốt của toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, trực tiếp những vùng văn hoá trọng điểm... phải trở thành việc quan trọng đặc biệt trong quá trình thực hiện chiến lược cán bộ. Vấn đề ở đây là, tầm nhìn về thế kỷ về xây dựng những thế hệ kinh tế gia, chính trị gia, triết gia, sử gia, thi gia, văn gia, các nhà văn hóa, nhà giáo dục… mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, chứ quyết không phải là việc của một, hai năm hay một, hai thập kỷ một cách hạn hẹp "ăn xổi ở thì", "gặp chăng hay chớ" hay của bất cứ ngành nào riêng rẽ, cho dù là rất quan trọng. Không có đội ngũ này không thể xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại một cách xứng đáng và ngang tầm trong vị thế nền tảng tinh thần dân tộc, lãnh nhiệm sứ mệnh thiêng liêng "soi đường cho quốc dân đi", như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Vì đó chính là những gương mặt làm nên dung mạo và tư chất của văn hóa Việt Nam.  
Con tàu văn hóa Việt Nam sẽ không thể chuyển động được hoăc vận hành không mong muốn, nếu chúng ta không xác định đúng, trúng hệ động lực cần thiết, rộng hơn là hệ động lực toàn vẹn, thúc đẩy cả con tàu tiến lên với sức bền cần thiết và đúng hướng, với nhân vật vừa là trung tâm vừa là chủ thể chính là đội ngũ những người làm công tác văn hoá. Nói trực tiếp ở đây, động lực cụ thể là giải quyết các vấn đề lợi ích trên cả hai bình diện: vật chất và tinh thần. Ở đây, vấn đề đầu tư ngân sách cho văn hoá phát triển hằng năm là bao nhiêu phần trăm trong GDP và kinh phí dành cho công tác đào tạo cán bộvăn hoá chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách dành cho văn hoá?
Và, nếu xác định, hoạt động trên lĩnh vực văn hoá là hoạt động đặc thù trực tiếp liên quan đến đời sống thể chất và tinh thần của con người, là trí tuệ của dân tộc, là linh hồn của xã hội, là khí phách của dân tộc… thì cần thiết phải có một sự đối đãi đăc thù với đội ngũ những người làm công tác văn hoá, những nhà văn hóa quốc gia. Đó không chỉ là nhận thức, là phương châm mà phải thể hiện bằng chính các hoạt động cụ thể thông qua một hệ thể chế bao gồm các chính sách phù hợp và định chế thoả đáng. Đó là động lực căn bản nhất, to lớn nhất cũng tinh tế nhất và văn hoá nhất đối với văn hóa.
Đất nước không thể phát triển và tiến lên phía trước một cách mạnh mẽ và bền vững, nếu bằng một đôi chân khập khiễng. Có thể ở một thời điểm nào đó, sự phát triển đạt được ở mức độ nào đó, nhưng vấn đề sức bền của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững lại nằm ở chỗ có hay không một nền văn hoá của sự phát triển mang tầm chiến lược. Nói xác đáng, cần kíp kiến tạo và thực thi một triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững đất nước.
Trả lời câu hỏi đó, chỉ có thể là một chiến lược xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, mang bản sắc dân tộc mới đủ sức kiến giải, ngõ hầu góp phần đưa đất nước phát triển bền vững với bản lĩnh Việt Nam trong cuộc hội nhập toàn cầu đầy thách thức "mất, còn" hiên nay và cả trong tương lai.
Đó chính là chiều sâu và đỉnh cao phát triển của văn minh, văn hiến và văn hóa dân tộc góp phần bồi đắp và tỏa sáng Quốc thể và Quốc chính Việt Nam./.

 

TS Nhị Lê

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm96
  • Hôm nay18,515
  • Tháng hiện tại243,881
  • Tổng lượt truy cập8,252,586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây