Phê phán các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ tư - 10/08/2022 06:00 231 0

​  Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, đánh đổ thực dân, phong kiến, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hằng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của nước ta, các thế lực thù địch, phản động bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, với nhiều hình thức đã bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc. Do đó, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.


Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm Nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một đảng hoạt động không hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, xét lại trong và ngoài nước đã bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, cố tình phủ nhận thành quả vĩ đại ấy của dân tộc ta, nhất là vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh của nước ta. Chúng cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử", “là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam"; về vai trò lãnh đạo và nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chúng cho rằng “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn may, vì Nhật thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì"; rằng “do khoảng trống quyền lực, nên Việt Nam dễ giành được kết quả nhanh chóng", thậm chí, còn trắng trợn vu cáo, xuyên tạc lịch sử rằng “dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu là do Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra"; về thành quả của Cách mạng Tháng Tám, chúng cho rằng “không có gì thay đổi chế độ xã hội ở Việt Nam, chẳng qua chỉ là thay từ chế độ “vua trị" sang chế độ “đảng trị"... Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi nhẹ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám, từ đó làm cho Nhân dân ta mất niềm tin vào Đảng và chế độ, hướng lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Sự thật lịch sử cho thấy, những luận điệu nói trên là hoàn toàn bịa đặt. Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cách mạng Tháng Tám không phải là “sự ăn may của lịch sử"

Cách mạng Tháng Tám không phải là “cuộc cách mạng ăn may, vì Nhật thua trong thế chiến thứ II, tạo khoảng trống quyền lực nên Việt Nam dễ giành được kết quả nhanh chóng, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì" như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cần phải hiểu đúng giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể “nhầm lẫn" hoặc cố tình đánh tráo khái niệm “nghệ thuật chớp thời cơ" tài tình của Đảng ta với “sự ăn may của lịch sử". Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo, sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng của Đảng ta qua ba cao trào cách mạng – ba cuộc tổng diễn tập: 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945. Để có được thành quả đó, toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh, mất mát cho việc chuẩn bị mọi mặt trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là sự chuẩn bị về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị; về xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng căn cứ địa cách mạng; đặc biệt là về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa.

Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận định chính xác về thời cơ, theo dõi chặt chẽ, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chờ thời cơ, thúc đẩy cho thời cơ phát triển nhanh chóng và chỉ đạo chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đã chín muồi.

 Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ chỉ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh (14/8/1945) đến khi quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật (05/9/1945). Cuộc Tổng khởi nghĩa nếu diễn ra sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian này, thì cơ hội để giành độc lập, tự do là rất ít. Vì nếu diễn ra trước ngày 15/8, lúc này quân Nhật còn rất mạnh, ý chí chiến đấu chưa bị đè bẹp. Còn sau ngày 05/9, quân Đồng minh sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật, lúc đó trên đất nước ta sẽ xuất hiện rất nhiều lực lượng bất lợi cho cách mạng như: Quân Tưởng ở miền Bắc, quân Anh ở miền Nam và nhiều lực lượng phản động khác. Chính vì thế, muốn giành thắng lợi chỉ có thể phát động Tổng khởi nghĩa trong khoảng thời gian từ ngày 15/8/1945 đến trước ngày 05/9/1945. Khoảng thời gian đó chính là thời cơ “nghìn năm có một" đối với dân tộc ta.

 Ngay khi nhận được tin Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân Đồng minh, chớp lấy thời cơ “nghìn năm có một", ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15/8, Hội nghị Đảng toàn quốc họp, quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"[1]. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc vùng lên, làm cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc thành công rực rỡ. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14/8 đến 28/8/1945), trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định. Ngày 02/9/1945, tại cuộc mít tinh lớn ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình và sáng tạo của Ðảng ta, đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt đúng thời cơ và kiên quyết phát động khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Nếu không chủ động sẵn sàng các điều kiện từ bên trong thì khi thời cơ đến cũng sẽ không thể giành thắng lợi, cho nên không thể nói “Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may của lịch sử".

Cách mạng Tháng Tám không phải là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực, các thế lực thù địch, phản động bao vây, chống phá, với âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, lật đổ chính quyền cách mạng mà Nhân dân ta vừa mới giành được trong Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt được sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc". Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, biện pháp khéo léo, mềm dẽo, linh hoạt, thực hiện hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc để giải quyết những khó khăn, thách thức về kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội và đối phó với thù trong, giặc ngoài, gìn giữ hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đỗ máu vô nghĩa, “nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa". Với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", quân và dân ta đã cầm vũ khí đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ ngày 19/12/1946. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cách sinh", quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ, ác liệt làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ (1946 – 1954).

Song, với bản chất hiếu chiến, phản động, thực dân Pháp đã cấu kết và “bật đèn xanh" cho đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam và Đông Dương, buộc nhân dân ta phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai suốt 21 năm (1954-1975). Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trải qua nhiều giai đoạn, nhân dân ta phải lần lượt đối phó với các chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù. Đây là cuộc kháng chiến cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, độc lập tự chủ và tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 Như vậy, nguyên nhân sâu xa và cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954), chống đế quốc Mỹ và tay sai (1954 -1975) chính là do bản chất xâm lược và hiếu chiến của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai, chứ không phải một lý do nào khác, càng không phải do Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc.

Cách mạng Tháng Tám không phải là “sai lầm lịch sử"

Cần phải khẳng định rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là “sai lầm lịch sử". Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc một cách đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản. Cách mạng Tháng Tám còn là kết quả của sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ sự thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến trên đất nước ta, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là một cuộc cách mạng thực sự, nó không chỉ xóa bỏ thể chế xã hội lỗi thời, lạc hậu, phản động, kéo lùi sự phát triển của dân tộc, mà còn biết kiến tạo, xây dựng xã hội mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Với những thành tựu đã đạt được trong 77 năm qua, mà khởi đầu từ thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta không thể có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đồng nghĩa với phủ nhận một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam; phủ nhận công lao to lớn, sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Các thế hệ hôm nay cần phải ra sức bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng Tám năm 1945, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phải phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.


                       ThS. Phạm Thị Cẩm Lài

                    Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng – Trường Chính trị Tây Ninh


[1]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 3, tr. 596.

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập547
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm517
  • Hôm nay14,630
  • Tháng hiện tại220,923
  • Tổng lượt truy cập8,229,628
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây