Đánh giá lại các gói hỗ trợ, thiết kế chính sách kinh tế phù hợp hơn

Thứ hai - 17/08/2020 17:00 107 0

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.

2botruongdung HCHINH.jpg

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Nhiều DN phát sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, trong khi thu nhập, lao động,việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19. Thu nhập thấp kéo theo khó khăn trong việc kích thích tiêu dùng trong nước.

Số DN đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15-54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp. Đáng lo ngại ở chỗ, những ảnh hưởng này kéo theo các hệ luỵ về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi các cơ quan cần sớm có giải pháp đồng bộ.
Các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.

Cần tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến hết năm 2020 (kéo dài toàn bộ chính sách tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP).
Bộ KH&ĐT cũng cho rằng cần gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid– 19. kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết 31/12/2020 và sửa đổi Thông tư theo hướng giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn dễ dàng tiếp cận được chính sách.

Bộ KH&ĐT đề xuất việc cần trình các cấp có thẩm quyền có các điều chỉnh chính sách tài khoá mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng.

Cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ và diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.

Chẳng hạn gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng mới triển khai được hơn 11 ngàn tỷ đồng, là đạt tỷ lệ quá thấp; có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ. Các chuyên gia cho rằng cần có tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ lần nhất để rút ra những điều chỉnh cần thiết.

Do tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, chung ta dù đã khống chế tốt dịch ở giai đoạn 1 nhưng chưa tranh thủ được nhiều lợi thế đã tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn về 2 phần. Phần một là các chính sách ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Phần hai là những chính sách mới, kể cả nguồn lực từ đâu, cái nào làm được ngay trong cuối năm, chính sách dài hạn như thế nào…

Cùng với đó, các bộ ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình DN và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện đầy đủ mới dựng được bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng.

Cần tính toán các biến số có độ bao phủ rộng hơn, xây dựng một mô hình đầy đủ tính toán các yếu tố tác động. Từ đó, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đúng đối tượng để phát huy hiệu quả lớn nhất.
“Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Huy Thắng

Nguồn Báo điện tử Chính phủ

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay11,810
  • Tháng hiện tại152,829
  • Tổng lượt truy cập8,161,534
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây