Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế-xã hội Trung ương làm việc tại Tây Ninh

Thứ tư - 22/07/2020 05:00 100 0

Sáng 21.7, Thường trực Tỉnh uỷ đã có buổi làm việc với Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế-xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đoàn do ông Cao Viết Sinh-Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội làm Trưởng đoàn.

152_duplicate165_img-1385.jpg​​

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Thành Tâm-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Bí thư Tỉnh uỷ; ông Võ Đức Trong-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tóm tắt về đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011–2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021–2025.

Từ năm 2011 đến nay, Tây Ninh xây dựng và triển khai thực hiện xuyên suốt 3 chương trình đột phá về kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính và nguồn nhân lực.

Nhằm tập trung khai thác và sử dụng tốt các nguồn lực, tiềm năng kinh tế hiện có của địa phương, năm 2017, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các giải pháp mang tính đột phá và các Nhóm công tác để thực hiện chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch, phát triển công nghệ thông tin và nguồn nhân lực.

Những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2016–2020, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 8,04%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước tăng từ 6,5 – 7%); Quy mô nền kinh tế tăng lên so với giai đoạn trước (GRDP năm 2020 theo giá hiện hành tăng 1,76 lần so với năm 2015); Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.266 USD, cao hơn 1,57 lần so với năm 2015, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.​

152_duplicate133_img-1392.jpg

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại buổi làm việc​​

Ngành công nghiệp tăng trưởng khá và đóng góp cao nhất cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP năm 2015 đạt 28%, đến năm 2020 đạt 38,7%, mức tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 16,7%.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, rau củ quả được hình thành; công nghiệp điện năng phát triển mạnh mẽ, đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư điện mặt trời. Cụ thể: tỉnh đã thu hút xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy chế biến rau quả Tanifood với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày và một trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng đàn 8.000 con.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy thủy điện nhỏ vởi tổng công suất lắp đặt là 3 MW, 1 nhà máy điện sinh khối với công suất lắp đặt 37MW và 9 nhà máy điện năng lượng mặt trời với tồng công suất vận hành hiện tại là 678 MWp.

Thu hút đầu tư tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 77.943 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD.

Ngoài ra, Tây Ninh cũng có góp ý của địa phương đối với Dự thảo các báo cáo của Trung ương về tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030…

Có ý kiến đề nghị cần đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề tệ nạn xã hội, nhất là ma tuý, cờ bạc hiện nay diễn biến rất phức tạp, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả; cần có chính sách mới, toàn diện và có tính khả thi cao trong thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến về việc cơ chế phân bổ vốn đầu tư cần phải tạo động lực mới cho địa phương phát triển, bên cạnh đó cần xem lại tiêu chí xét nâng loại đô thị.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trung ương hiện nay có rất nhiều chủ trương và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, do đó, cần có tổng kết một cách nghiêm túc nhất để tìm ra được điểm “nghẽn” và những bất cập cản trở tính khả thi, hiệu quả của những chủ trương, định hướng đó để tháo gỡ. Cần có giải pháp để giải quyết triệt để cơ chế xin-cho; muốn như vậy phải mạnh dạn phân cấp hơn nữa, phân quyền hơn nữa cho địa phương trong việc phát triển kinh tế.

​​152_duplicate129_img-1323.jpg
Thăm quan mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Ninh Điền.

Bên cạnh đó, cần phải tạo được động lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chủ động sáng tạo... vì vậy, phải có cơ chế rất rõ ràng để bảo vệ được những người, những nhân tố dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thậm chí đưa ra những tiêu chí để xác định ai vào những tiêu chí này thì người đó được coi là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm, Trung ương nên có một đánh giá tổng thể về tiềm năng, lợi thế trên từng lĩnh vực của từng địa phương, để sau đó định vị lại ở từng tỉnh, từng địa phương đó có những tiềm năng, lợi thế nào mang tầm quốc gia, khu vực và những tiềm năng, lợi thế nào chỉ ở góc độ của địa phương; để từ đó đưa vào quy hoạch của quốc gia, khu vực để khai thác hết tiềm năng để phát triển.

Ông Cao Viết Sinh –Trưởng đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được của Tây Ninh trong thời gian qua, đồng thời, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý của đại biểu cho dự thảo văn kiện của Trung ương.

Qua buổi làm việc, đoàn công tác cũng có những góp ý về nội dung báo cáo thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011–2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025… của địa phương.

Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát thực tế các cơ sở kinh tế về công nghiệp, nông nghiệp và du lịch của tỉnh như công ty TNHH Sailun Việt Nam (KCN Phước Đông, huyện Gò Dầu), Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, mô hình trồng bưởi da xanh 30 ha tại xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen...

​​Trúc Ly​ (Báo Tây Ninh Online)



  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay7,015
  • Tháng hiện tại389,772
  • Tổng lượt truy cập3,474,066
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây