TÂY NINH TRONG THẮNG LỢI CỦA CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM TỔ QUỐC

Thứ tư - 03/01/2024 21:54 2.756 0
Kỳ 1: Cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary

Trong công cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn cho đến ngày thắng lợi. Thế nhưng, khi Campuchia giành được độc lập vào ngày 17/4/1975, ngay lập tức Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary cầm quyền đã trở mặt, phản bội đồng chí mình, nhân dân mình vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và sự xúi giục, chống lưng của thế lực nước lớn bên ngoài.

Trên đất nước Campuchia, Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã tước đoạt khát vọng được sống một cuộc sống hòa bình, ổn định và phát triển đất nước của người dân Campuchia, thi hành chính sách diệt chủng thảm khốc, tàn sát dân thường, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người vô tội; phá hủy trường học, bệnh viện, chùa chiền, biến nhà chùa, trường học thành nhà tù, trại giam... Gọi là “Nhà nước Campuchia Dân chủ”, nhưng thực chất là chế độ phát xít độc tài, một cỗ máy thảm sát vô nhân tính đối với nhân dân, những người bất đồng chính kiến, những người cách mạng Campuchia chân chính. Pol Pot tuyên bố: “dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời”. Lực lượng cách mạng Campuchia lúc bấy giờ trong tình thế “chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết" .

Riêng đối với Việt Nam, Pol Pot - Ieng Sary thực hiện đường lối đối ngoại thù địch, phá hoại, ra sức xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1” và cuối cùng một cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã diễn ra.

Ngay từ những ngày cuối tháng 4/1975, giữa lúc cả dân tộc ta đang dốc toàn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam thì Pol Pot đã điều lực lượng vũ trang đóng chốt sát đường biên giới Tây Nam nước ta, khiêu khích quân sự, di dời mốc biên giới; xua quân đánh ra đảo Phú Quốc (ngày 03/5/1975) và đảo Thổ Chu (10/5/1975) thuộc chủ quyền Việt Nam.Chỉ trong các năm 1975 - 1977, Pol Pot đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới nước ta.

Học sinh trường Tiểu học Tân Lập, xã Tân Lập huyện Tân Biên thắp hương tại Bia tưởng niệm

Ở tuyến biên giới Tây Ninh, ngoài lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới và làm nhiệm vụ đối ngoại, Pol Pot còn tổ chức các đơn vị quân chủ lực, như: sư đoàn 3 và tiểu đoàn 104 thuộc Q3, tiểu đoàn 9 thuộc vùng 203, tiểu đoàn 75 và 25 hoạt động sát đường biên giới đối diện Tây Ninh. Chúng tăng cường xây dựng trận địa và lập ra các công sự cập đường biên, sẵn sàng gây xung đột với lực lượng bảo vệ biên giới của ta.

Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, quân Pol Pot đã thâm nhập địa giới Tây Ninh, gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang ở các điểm Lò Gò, Tà Nông, Chàng Riệc; ngày 22/06/1975, đưa một tiểu đoàn đánh sang khu vực Long Khánh huyện Bến Cầu; ngày 26/6/1975, một đại đội quân Pol Pot chia thành 3 mũi đánh qua khu vực Gò Cao thuộc xã Hòa Hội (huyện Châu Thành) bắt dân, đốt phá nhà cửa, hoa màu... Ngoài ra, quân Pol Pot còn tổ chức gài mìn dọc theo biên giới, thậm chí vào trong nội địa Tây Ninh ở Tà Nốt, Tà Đạt (huyện Tân Biên); cho lực lượng vũ trang cải dạng thành thường dân, lấn chiếm đất đai dưới hình thức xâm canh, tạo những điểm tranh chấp nhập nhằng, như ở Chà Rì Khuốc, Hiệp Lợi, Bảy Bùn, Cây Me, Tà Nốt, Tà Đạt thuộc các huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu.

Trước tình hình đó, tháng 7/1975, Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ thị các cấp, các ngành, các lực lượng làm công tác biên giới phải bảo đảm giữ vững độc lập chủ quyền của ta, đồng thời phải tôn trọng độc lập chủ quyền của nước láng giềng Campuchia; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối đối ngoại của Đảng; những vấn đề thuộc lãnh thổ, đường biên giới giữa hai nước đều do hai Chính phủ bàn bạc giải quyết, lực lượng vũ trang các cấp và hai bên biên giới phải tôn trọng đường biên giới hiện tại; chỗ nào giữa ta và bạn nhận thức không thống nhất phải báo cáo lên hai Chính phủ giải quyết.

Tháng 8/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh có cuộc gặp gỡ, trao đổi với bí thư Khu 203 miền Đông Campuchia về những vấn đề an ninh chủ quyền biên giới quốc gia, quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới và cùng thống nhất phải tăng cường trao đổi giữa các đồn biên phòng và các huyện cập biên giới hai nước, qua đó cùng nhau giải quyết những vấn đề liên quan. Sau cuộc gặp này, giữa hai bên có 49 cuộc trao đổi khác giữa các đồn biên phòng, 3 lần cấp huyện có biên giới, 1 lần cấp tỉnh, 2 lần cấp khu. Tuy nhiên, những cố gắng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương của chúng ta vẫn không thể làm chuyển biến tình hình, không cắt được ngòi nổ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ phía tập đoàn phản động  Pol Pot - Ieng Sary của Campuchia.

Đêm ngày 30/4/1977, khi Nhân dân Việt Nam đang hân hoan kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, quân Pol Pot bất ngờ mở cuộc tấn công đồng loạt vào 14/16 xã trên biên giới thuộc tỉnh An Giang, sau đó mở rộng ra toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam, gồm các tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp và Tây Ninh.

Riêng tại Tây Ninh, đêm 24 rạng sáng ngày 25/9/1977, quân Khmer đỏ đã huy động một lực lượng lớn quân đội, gồm sư đoàn 3, sư đoàn 4, trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 23, đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu, Tân Biên và lan rộng ở hầu hết 18 xã thuộc 04 huyện biên giới của tỉnh. Chúng đốt phá, cướp bóc, tàn sát Nhân dân Tây Ninh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Hành động giết hại đồng bào Tây Ninh của Khmer đỏ man rợ như thời trung cổ: chặt người ra nhiều khúc, chặt đầu, chặt tay chân, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, đập đầu, hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt cổ lấy máu, rạch miệng, ném xác người xuống giếng, chôn sống… Riêng xã Tân Lập huyện Tân Biên đã có 506 người bị giết hại, trong đó có 11 giáo viên một trường tiểu học bị sát hại tập thể, 22 người bị trói và bị thiêu cháy trong một ngôi chùa, nhiều gia đình, nhiều hầm trú ẩn có 16, 17 người bị tàn sát tập thể…; huyện Bến Cầu có 230 người bị tàn sát; huyện Châu Thành là 87 người. Đồng thời, với hành động tấn công tàn sát Nhân dân Tây Ninh trên địa bàn cập biên giới, quân Pol Pot còn sử dụng pháo tầm xa bắn vào những nơi đông dân cư, với ý đồ dọn đường cho lực lượng bộ binh đánh thọc sâu vào Thị xã Tây Ninh.

Những hành động xâm hại chủ quyền lãnh thổ, giết hại đồng bào Việt Nam của quân Pol Pot diễn ra một cách có hệ thống, từ thấp đến cao, ngày càng tăng trên toàn tuyến biên giới. Chúng muốn từng bước đi đến cô lập, phá hoại và kìm hãm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gây hận thù dân tộc, phá hoại tình đoàn kết hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia. Tạo cớ để thanh trừng nội bộ, giết hại những người cách mạng chân chính và nhân dân tiến bộ Campuchia. Tập đoàn Pol Pot còn kích động các thế lực phản cách mạng ở Việt Nam nổi dậy chống phá chính quyền.

Trân trọng, hết sức giữ gìn mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia, nhưng không thể chấp nhận để mất một tất đất nào của Tổ quốc, trước hành động xâm lược ngày càng lộ rõ của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary, Tỉnh ủy Tây Ninh xác định lập trường đấu tranh tiếp theo, đó là: Đối với nhân dân Campuchia, những người dân chân chính Campuchia là bạn, nơi nào, bộ phận nào, cá nhân nào, tổ chức nào có chủ trương khiêu khích, xâm lấn, gây chia rẽ giữa hai dân tộc đó là kẻ thù. Do đó, dù các mặt đời sống kinh tế - xã hội của Tây Ninh còn rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã hết lòng hết sức cưu mang, giúp đỡ hơn 30.000 dân Campuchia lánh nạn, tập trung ở Bàu Châu É, Bến Sắn, Trà Vong; đồng thời, tích cực chuẩn bị, củng cố lực lượng đánh trả các thế lực lấn chiếm, phản động, thù địch.

Sau một thời gian bị động đối phó, lực lượng vũ trang tỉnh cùng với lực lượng của Quân khu 7 tích cực mở các đợt phản công vào các khu vực bị địch chiếm đóng, đẩy quân Pol Pot lùi dần về bên kia biên giới. Ngày 03/10/1977, sau khi được Quân khu 7 tăng viện 1 trung đoàn của Sư đoàn 9 và 1 Trung đoàn của Sư đoàn 5 thuộc Quân đoàn 4, ta đồng loạt tấn công vào các cụm địch ở Cây Me, Cầu Thúc Núc, rừng Long Khánh (huyện Bến Cầu), thu hồi toàn bộ khu vực từ Tốc Xé đến phía bắc rừng Long Khánh, tiêu diệt 58 tên, thu 27 súng, đánh thiệt hại nặng 4 đại đội, 2 tiểu đoàn địa phương của địch. Ở khu vực Xa Mát, được sự tăng viện Trung đoàn 1 của Sư đoàn 9 và Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 4 thuộc Sư đoàn 5, với sự yểu trợ của pháo binh và xe tăng, ta đồng loạt tấn công vào các cụm địch nam đồn Xa Mát, đập đá Bảy Bàu, giải tỏa được đồn Xa Mát, khai thông lộ 22 và đánh bật địch ra khỏi khu vực đập đá Bảy Bàu. Trận này, ta diệt tại chỗ 85 tên, thu 63 súng. Ngày 15/11/1977, Pol Pot mở đợt tấn công mới vào biên giới Tây Ninh, đánh chiếm Bến Sỏi, phía tây sông Vàm Cỏ, khu vực Tân Biên, Phước Tân với qui mô 5 sư đoàn và 5 trung đoàn địa phương. Lực lượng vũ trang của tỉnh phải vừa đánh, vừa gấp rút tổ chức điều chỉnh lực lượng, phối hợp với các lực lượng trên phản kích, đẩy lùi các mũi tiến công của địch, diệt 750 tên, làm bị thương 1.000 tên khác, đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn địch, thu 400 súng. Lực lượng ta có đến 606 đồng chí hy sinh.

Sau những đợt phản công, truy đuổi địch, từ tháng 01/1978, ta lui về giữ biên giới, chủ động đề xuất thương lượng hòa bình, nhưng Pol Pot kiên quyết từ chối, chúng tiếp tục đưa quân áp sát biên giới, tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Khmer Đỏ huy động 7 đến 8 sư đoàn chủ lực, cùng với lực lượng địa phương các vùng 20, 23 bố trí áp sát trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh, lấn chiếm biên giới Việt Nam từ 5 đến 10 km, tổ chức nhiều toán trinh sát luồn sâu gài mìn, sát hại người dân Tây Ninh, gài trái, thăm dò lực lượng ta. Dùng pháo tầm xa bắn vào những nơi đông dân cư ở Thị Xã, Gò Dầu, Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên gây thêm nhiều thiệt hại cho tỉnh.

(còn tiếp)

Thanh Phong

 

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930-2005, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2010.
  2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Hà Nội, năm 2019.
  3. Ban Tuyên giáo Thành ủy – Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hổ Chí Minh với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh. Campuchia, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7/2019.
  4. Báo Tây Ninh, Nhớ lại ngày đầu Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam: Ngày này, năm ấy, nỗi đau không quên (https://baotayninh.vn/ngay-nay-nam-ay-noi-dau-khong-quen--a51071.html).

Quân đội nhân dân, 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam (https://www.qdnd.vn/40nam-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam

 

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Thanh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay10,174
  • Tháng hiện tại109,917
  • Tổng lượt truy cập7,046,566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây