Tây Ninh: Tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Thứ hai - 30/08/2021 06:00 353 0

    Tây Ninh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh thêm 14 ngày, kể từ 00 giờ, ngày 30/8/2021. 


Qua 14 ngày tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiềm chế, số ca nhiễm (F0) trong cộng đồng đang có xu hướng giảm; kết quả trên là sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra; Tuy nhiên qua kết quả tổng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đợt 1 và đợt 2 cho thấy tình hình dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều ca nhiễm (F0) chưa được phát hiện, tách triệt để ra khỏi cộng đồng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tổng xét nghiệm sàng lọc, cắt đứt triệt để nguồn lây ra khỏi cộng đồng ở những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao (vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng); củng cố vững chắc và mở rộng vùng an toàn (vùng xanh) và xác định phân loại sát, đúng các vùng nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, ngày 29/8/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn 2928 yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là địa phương) tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh thêm 14 ngày, kể từ 00 giờ, ngày 30/8/2021; tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh thời gian giãn cách xã hội cho phù hợp.

UBND tỉnh yêu cầu người dân ở tại nhà “ai ở đâu thì ở đó" để khống chế triệt để, cắt đứt nguồn lây nhiễm dịch bệnh; trừ trường hợp cấp thiết (cấp cứu, khám bệnh, mua thuốc trị bệnh, mua lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, gia đình có tang chế, hỏa hoạn). Đối với người dân trong khu vực đang bị phong tỏa, cách ly y tế thì tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu, hỏa hoạn, tang chế), các trường hợp cấp thiết khác như mua lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, người dân đề nghị chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trợ giúp.

Chính quyền địa phương tiếp tục cấp giấy đi chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu cho hộ gia đình (phân chia theo ngày chẵn, ngày lẻ) và tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu không được phép hoạt động cho tới khi có thông báo mới; tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh ăn, uống; kinh doanh dưới hình thức “chợ tạm, vỉa hè", buôn bán hàng rong.

Các hoạt động kinh doanh thiết yếu được phép hoạt động phải bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, bảo đảm 5K và giãn cách theo quy định, nhất là tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống.

Tạm dừng các hoạt động xây dựng cơ bản trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trừ các hoạt động công trình xây dựng cơ bản phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp, các hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ" được phép hoạt động theo quy định.

Đối với khu vực đang thu hoạch vụ mùa thì các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể hỗ trợ thu hoạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.

Các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát, nhất là những địa bàn trọng điểm, vùng nguy cơ dịch bệnh cao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giãn cách xã hội, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Quản lý chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương cư trú, không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch xét nghiệm sàng lọc đợt 2 và đợt 3 bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đúng tiến độ. Tổ chức tiêm chủng hợp lý, khoa học, an toàn và đúng tiến độ.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; triển khai cấp phát, hỗ trợ gạo cho các đối tượng theo quy định bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, tránh bỏ sót, không để trùng lắp đối tượng, không để xảy ra hộ thiếu đói ở địa phương.

Tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành, ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Đẩy mạnh công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây hoang mang trong Nhân dân.

Chú trọng phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng kịp thời gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch ở từng địa phương, đơn vị, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân.

Các lực lượng được phép đi lại trong thời gian giãn cách xã hội.

- Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy, Tổ thư ký phòng, chống dịch các cấp (có thẻ theo quy định).

- Các lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh các cấp, do lãnh đạo tổ chức, đơn vị xác nhận.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị: Các cơ quan đơn vị bố trí 1/3 lực lượng làm việc tại đơn vị, còn lại luân phiên làm việc tại nhà. Riêng lực lượng y tế, lực lượng vũ trang bảo đảm quân số theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi đi làm phải mặc trang phục ngành (đối với đơn vị có đồng phục) và đeo thẻ công chức theo quy định để lực lượng chức năng nhn diện.

- Người tham gia các hoạt động cung cấp, buôn bán hàng hóa thiết yếu, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích được phép hoạt động, do UBND cấp xã nơi có hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu xác nhận; đối với nhân viên trong các siêu thị mặc đồng phục và đeo thẻ để nhận diện hoặc giấy xác nhận của lãnh đạo đơn vị; đối với nhân viên giao hàng, người vận chuyển hàng hóa thiết yếu (shipper) do Sở Công thương xác nhận.

- Người làm việc trong các đơn vị bảo đảm các hoạt động thiết yếu phục vụ xã hội (vệ sinh môi trường, điện, nước, xăng dầu, bưu chính, viễn thông, ngân hàng, công chứng) do thủ trưởng đơn vị xác nhận và khi đi làm việc mặc đồng phục, đeo thẻ theo quy định (nếu có) để lực lượng chức năng nhận diện.

- Người dân đi chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu theo phiếu do địa phương ở cơ sở cấp.

- Người ra đường trong trường hợp cấp cứu, khám điều trị bệnh, mua thuốc men, có trách nhiệm cung cấp thông tin cụ thể cho lực lượng chức năng.

- Người đi tiêm chủng theo quy định.

- Trường hợp cấp thiết, đột xuất phát sinh khác do lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ xem xét, giải quyết cụ thể.

- Các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân của tổ chức, cá nhân phải phối hợp với UBND cấp xã để có kế hoạch điều phối cụ thể bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

- Hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa thực hiện theo quy định, hướng dẫn hiện hành.


Tập tin đính kèm: 2928.CVUB.signed ngay 29 thang 8.pdf

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm141
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay3,611
  • Tháng hiện tại228,977
  • Tổng lượt truy cập8,237,682
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây