Giai đoạn 2023 - 2025, bên cạnh việc đẩy mạnh, ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến du lịch, Tây Ninh sẽ tập trung quảng bá các điểm tham quan trọng điểm, điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa và các lễ hội trên địa bàn.
Giai đoạn 2016 - 2022, hoạt động xúc tiến du lịch Tây Ninh đạt nhiều kết quả ấn tượng, trong đó lĩnh vực quảng bá, xúc tiến du lịch đã có những bước tiến quan trọng.
Năm 2022, tỉnh thu hút lượng khách tham quan khu, điểm du lịch ấn tượng, đạt 4.504.749 lượt, tăng 200,3% so với năm 2021; tổng doanh thu du lịch đạt 1.465 tỷ, tăng 140,7% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai có trọng điểm, chiều sâu, định hình rõ về thị trường, tiềm năng, lợi thế, sản phẩm hiện có, tạo được sự lan tỏa rộng rãi, góp phần đưa hình ảnh du lịch tỉnh Tây Ninh đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của tập thể, cán bộ, công chức trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với các hoạt động được triển khai bằng nhiều hình thức từ truyền thống đến hiện đại; có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các đối tượng mục tiêu cụ thể; đổi mới về ý tưởng và nội dung.
Năm 2022, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen thu hút 4.287.330 lượt khách đến tham quan.
Tây Ninh bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch; khai trương và triển khai thực hiện Cổng Thông tin điện tử du lịch Tây Ninh nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, phát triển du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch Tây Ninh; triển khai ứng dụng "Tay Ninh Tourism"; đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các hạ tầng mạng xã hội: facebook, zalo, youtube; số hóa các tài liệu quảng bá, xúc tiến du lịch… giúp du khách khi đến Tây Ninh có thể tra cứu, thu thập dữ liệu về du lịch, nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 -2025. Mục đích của kế hoạch nhằm cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh.
Tỉnh xác định các điểm tham quan trọng điểm, các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan tỏa và hệ thống lại danh mục các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh nhằm đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hóa, lịch sử… bước đầu định hình và hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh và ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.
Theo đó, Tây Ninh sẽ xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh; phát triển đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Tây Ninh trên các công cụ quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh.
Trong đó, xác định nhóm điểm tham quan trọng điểm, gồm 4 điểm: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh thu hút khoảng 60.000 lượt khách đến tham quan trong năm 2022.
Cạnh đó, nhóm điểm tham quan với vai trò kết nối, lan tỏa, gồm 13 điểm: Vườn Di sản Asean - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; căn cứ kháng chiến Động Kim Quang; Di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City; Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chót Mạt; Di tích lịch sử Đình Thanh Phước; Di tích lịch sử Đình An Tịnh; Chùa Khmer Khedol Tây Ninh; Chùa Thiền Lâm Gò Kén; Khu du lịch Long Điền Sơn; Trung tâm Thương mại Long Hoa.
Song song đó, tỉnh phát triển các giá trị di tích lịch sử, văn hóa đang đón khách du lịch của tỉnh, chọn lọc và nâng tầm chất lượng trong công tác tổ chức các lễ hội có tính tiêu biểu cho du lịch lễ hội của Tây Ninh, tập trung quảng bá 10 lễ hội, gồm: Hội xuân Núi Bà Đen, Đại lễ Đức Chí tôn, Chol-ch'nam thmay, Lễ Hội Quan lớn Trà Vong, Lễ Kỳ yên Đình Gia Lộc, Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ hội Dol – Ta, Hội yến Diêu Trì Cung, Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh.
Đồng thời, phát huy thương hiệu điểm đến Trung ương Cục miền Nam – Thủ đô Cách mạng miền Nam.
Năm 2022, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen thu hút 4.287.330 lượt khách đến tham quan; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương Cục miền Nam thu hút 46.000 lượt khách; Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh thu hút khoảng 60.000 lượt; Hồ Dầu Tiếng thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan.
Nguồn Kim Sáng
Báo điện tử Công Lý
Ý kiến bạn đọc