Tân Biên - Đổi thay của huyện Anh hùng cách mạng

Thứ tư - 17/02/2021 21:00 552 0

​  Tân Biên là huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 92,5 km, có Quốc lộ 22B là tuyến đường xương sống chạy dọc từ bắc xuống nam, đi qua địa phận hành chính của 7/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện kết nối với trung tâm của tỉnh Tây Ninh. 

1 huyen tb.jpg

Một gốc Thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên nhìn từ trên cao (ảnh: Duy Phú).

Là nơi có Căn cứ Trung ương cục miền Nam - cơ quan đầu não của Cách mạng Miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vùng đất này là mục tiêu đánh phá của quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai với cường độ và quy mô rất ác liệt. Địch sử dụng hầu hết các binh chủng, lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại để càn quét, chà xát, xé nát vùng căn cứ, hòng tìm và diệt cơ quan đầu não cách mạng. Bom đạn Mỹ đã huỷ diệt những cánh rừng, đồng lúa, mái nhà, giết chết những người dân vô tội …Sau ngày 30/4/1975, quân và dân Tân Biên tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của chế độ diệt chủng Pôn pốt Iêng Sari, góp phần bảo vệ vững chắc, toàn vẹn vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống cách mạng với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, mảnh đất anh hùng một thời bị chiến tranh tàn phá ngày nay đang “thay da, đổi thịt" từng ngày. Nếu như nền kinh tế của những năm đầu sau khi kết thúc chiến tranh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây chủ lực là cây lúa, khoai mì, cây đậu phộng và các loại cây họ đậu; tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là khâu sơ chế thì nay cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của huyện có nhiều đổi thay rõ nét: 97,5%  các tuyến đường huyện được nhựa hóa; tuyến đường xã có 60% nhựa hóa, 08% bê tông hóa và 20% phối sỏi đỏ thay thế cho con đường đất trong từng ngõ xóm; những con đường nhựa dài, liên xã được nâng cấp sửa chữa và hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội; kiên cố hóa hệ thống thủy lợi bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên, đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Từng bước hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác được nâng lên. Nhiều trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi được triển khai, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 22,48%.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển tập trung vào các ngành nghề chế biến mủ cao su, củ mì, gia công hạt điều, giày da, giải quyết việc làm cho đông đảo lực lượng lao động địa phương. Đến Tân Biên hiện nay người ta dễ dàng nhìn thấy sự đổi thay với sự phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ đa dạng, phong phú; cùng với chợ truyền thống còn hình thành chuỗi siêu thị mini Bách hoá xanh, Điện máy xanh, siêu thị trung tâm khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Hoạt động ngoại thương, hàng hoá xuất nhập khẩu qua lại trên tuyến biên giới có khối lượng ngày càng tăng, góp phần đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương. Để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn được dễ dàng, thuận lợi, hệ thống tín dụng, ngân hàng được đầu tư mở rộng, toàn huyện hiện có 10 chi nhánh ngân hàng và 1 quỹ tín dụng thu hút đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, qua đó hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ mua sắm các phương tiện sản xuất, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo với số cho vay hàng năm tăng cao.

Huyện còn tập trung xây dựng cảnh quan, kết cấu cơ sở hạ tầng - nhất là kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện lưới quốc gia, đường giao thông, nước sạch hợp vệ sinh, hệ thống thông tin về đến từng hộ gia đình. Văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, nhà văn hoá, các thiết chế văn hoá, khu vui chơi cho thiếu nhi ở các Trung tâm văn hoá - thể thao học tập cộng đồng, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có sự phát triển, hình thành nhiều câu lạc bộ như câu lạc bộ người cao tuổi, đờn ca tài tử cải lương, thơ ca, tuyên truyền ca khúc cách mạng; các câu lạc bộ võ thuật; các lớp năng khiếu.... Huyện có 23/51 trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây mới khang trang, chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng cao. Phát động nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kết quả trong các phong trào góp phần nâng cao dân trí, phát triển giáo dục huyện nhà. Công tác chăm lo sức khoẻ Nhân dân được cấp uỷ, chính quyền quan tâm đầu tư các trang, thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại trung tâm y tế huyện và các trạm y tế cơ sở; công tác phối kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác khám và điều trị bệnh cho Nhân dân ngày càng phát huy có hiệu quả. Nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, công tác dân số - gia đình, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công, trẻ em nghèo, người cao tuổi neo đơn... thông qua mô hình mới, cách làm hay, việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả... Huyện đã xoá được hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 0,91% so với tổng số hộ trong toàn huyện.

Quốc phòng - An ninh được quan tâm lãnh đạo, xây dựng lực lượng vũ trang từ huyện đến xã vững mạnh toàn diện, an  ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy, phòng chống buôn bán trẻ em, tệ nạn xã hội được thực hiện đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động.

Điều đáng tự hào của người dân sinh sống trên mảnh đất này là nơi toạ lạc khu di tích Căn cứ Trung ương cục Miền Nam được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế thệ nhất là thế hệ trẻ, hàng năm thu hút hàng ngàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Lăng Mộ quan lớn Trà Vong gắn với tập tục thờ cúng Quan Lớn Trà Vong từ lâu nay đã trở thành hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt. Nơi đây còn có khu Di Tích Đền Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên thuộc nền văn hóa Óc Eo, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân Tân Biên đang tập trung kiến thiết, xây dựng lại quê hương, nỗ lực xây dựng, đưa huyện nhà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

 

Oanh Kiều

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay19,163
  • Tháng hiện tại244,529
  • Tổng lượt truy cập8,253,234
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây