Tái cơ cấu nền kinh tế hậu dịch COVID-19: Biến "nguy" thành "cơ"

Thứ ba - 15/09/2020 01:00 63 0

​   Trên tinh thần biến "nguy" thành "cơ," dưới sự điều hành linh hoạt trước mỗi tình huống của Chính phủ, cả nước đang bền bỉ vừa chống dịch vừa khôi phục nền kinh tế.

aaaa.jpg

Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Gần 9 tháng đối đầu với dịch Covid-19, trong khi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thì tại Việt Nam với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, dịch đang được kiểm soát tốt.

Trên tinh thần biến "nguy" thành "cơ", dưới sự điều hành linh hoạt trước mỗi tình huống của Chính phủ, cả nước đang bền bỉ vừa chống dịch vừa khôi phục nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng cũng không thể đóng cửa nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế với giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm sự tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân.

"Đến nay, cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ. Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quyết tâm.

Phát huy nội lực, tận dụng cơ hội

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước diễn biến dịch bệnh chưa có điểm dừng, Việt Nam phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân.

Không phải lúc này, mà trong nhiều cuộc họp trước đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhiều lần tới chú trọng thị trường trong nước. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng khẳng định: "Thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ và nhân dân với thị trường 100 triệu dân sẽ là đòn bẩy cho sản xuất và tiêu dùng trong nước."

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

Do đó nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển khu vực này, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hành động của ngành. Trong đó, tập trung thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ Công Thương còn thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử; phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt" tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển.

Nhờ đó, lũy kế 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước đạt trên 3.225 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt trên 2.553 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Duy Đông, Vụ Thị trường trong nước cho biết, Vụ đang xây dựng kế hoạch theo 2 phương thức gồm kích thích tiêu dùng và tăng chi tiêu Chính phủ nhưng hình thức đề nghị hỗ trợ sẽ khác đi để gửi Bộ Công Thương tổng hợp trình Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để khai thác thị trường trong nước, cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa - người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam, bao gồm cả các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.

Chính phủ triển khai các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gợi ý việc tháo gỡ nút thắt của lĩnh vực bất động sản, khuyến khích, thúc đẩy lĩnh vực nhà ở xã hội.

Trước sự đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu do thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch, ngay từ thời điểm cao trào, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức sản xuất thích ứng với tình hình mới, đảm bảo an ninh lương thực.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động có giải pháp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các phương án tận dụng cơ hội về giá và nhu cầu tăng lương thực trên thế giới để xuất khẩu ở mức hợp lý.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù Việt Nam gặp khó khăn kép cả về dịch bệnh Covid-19 và thiên tai nhưng với cố gắng của toàn ngành đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, mục tiêu sản xuất 43,5 triệu tấn lương thực có thể đạt được.

Kết quả này đảm bảo an ninh lương thực trong nước và mục tiêu xuất khẩu cả năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể đạt mục tiêu 41 tỷ USD đã đề ra.

Năm nay, xuất khẩu gạo được đánh giá là thành công lớn khi có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt Thái Lan do nhu cầu thế giới tăng cao và chất lượng gạo của Việt Nam đang tốt lên.

Một điểm sáng trong việc thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh đó là lĩnh vực xuất khẩu. Tính đến hết tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu gần 12 tỷ USD.

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đạt được con số này, Bộ Công Thương đã bám sát tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý tình trạng ách tắc ở cửa khẩu khi dịch mới xuất hiện.

Tùy từng thị trường, Bộ Công Thương đã có những biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn; chuyển đổi mô hình tổ chức giao thương từ trực tiếp thành trực tuyến, tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh.

Bộ cũng tích cực tìm kiếm những mặt hàng mới mà thị trường có thế mạnh như khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ, buồng khử khuẩn toàn thân…

Bộ Công Thương hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng các hình thức nền tảng số, môi trường thương mại điện tử.

Về phía doanh nghiệp tiếp tục chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tận dụng cơ hội, lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mới để nắm bắt cơ hội chuyển hướng, tạo chuỗi giá trị mới, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Giao thông vận tải cũng là ngành chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid trên tất cả các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt và đường bộ.

Chủ động khắc phục khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ này đã xây dựng chi tiết phương án giảm phí, lệ phí, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và giao trách nhiệm cho Thanh tra Bộ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao.

Ngoài ra, còn phải kể đến sự nỗ lực nội tại của từng doanh nghiệp trong ngành nhằm duy trì hoạt động cũng như tham gia các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát, ngành giao thông vận tải đặc biệt là hàng không đang có kế hoạch mở lại một số đường bay quốc tế sẽ là cơ hội không chỉ ngành giao thông vận tải khôi phục hoạt động mà còn đóng góp cho ổn định nền kinh tế.

Giải pháp dài hạn

Có thể khẳng định Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong phòng chống dịch, giữ ổn định nền kinh tế với mức tăng trưởng dương trong nửa đầu năm được cộng đồng thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch Covid-19 chưa có điểm dừng và sẽ còn ảnh hưởng nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngay từ lúc này cần có giải pháp đối sách rõ ràng, hiệu quả, khả thi để giảm thiểu thiệt hại, phục hồi phát triển kinh tế.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể tới các bộ, ngành địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 tại Chỉ thị 31/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, một trong những vấn đề đáng chú ý đó là thúc đẩy phát triển kinh tế số, các mô hình kinh tế mới ứng dụng công nghệ số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, khơi dậy nội lực trong nước.

Thực tế, ngay tại hội nghị thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết Chính phủ sẽ tìm cách thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất bởi chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận.

Hiện thực hóa chỉ đạo này, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Từ đó, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Chương trình này, giai đoạn 2021-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%; trong đó số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020.

Giai đoạn này có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Đối với mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, từ tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đây là nghị quyết toàn diện đầu tiên vạch ra các chính sách và mục tiêu cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chủ động cùng tích cực tham gia và coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, hướng đến mục tiêu vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong thời điểm dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn cần tăng chi tiêu của Chính phủ trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số do doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhằm vừa tạo thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vừa phòng, chống dịch.

Chỉ còn hơn 1 quý sẽ kết thúc năm 2020 với vô vàn khó khăn. Với các giải pháp linh hoạt, chủ động với từng tình huống, bối cảnh cả trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong năm nay, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 7%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. “Nếu làm được thì sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng. Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc."./.

Theo (TTXVN)

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập345
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm296
  • Hôm nay17,876
  • Tháng hiện tại224,169
  • Tổng lượt truy cập8,232,874
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây