Tác động của đại dịch Covid-19 đến tình trạng đói nghèo trên thế giới.

Chủ nhật - 21/06/2020 16:00 214 0

Các tổ chức quốc tế cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tàn phá các nền kinh tế, khiến cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên, thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm.

Tin the gioi 1.jpg

Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jonglei, Nam Sudan_Ảnh: AFP/TTXVN

Gia tăng tỷ lệ người nghèo trên thế giới

Tổ chức Oxfam dẫn nghiên cứu của Đại học King ở Thủ đô London (Anh) và Đại học Quốc gia Australia ước tính, đại dịch COVID-19 sẽ khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói. Đây là nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến tình trạng nghèo khổ toàn cầu trên cơ sở ngưỡng thu nhập 1,9 USD, 3,2 USD và 5,5 USD/ngày theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 2 tỷ người trên toàn cầu cần có thu nhập hằng ngày để tồn tại.

Do tác động của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên kể từ năm 1990, mức độ nghèo khổ trên toàn cầu sẽ gia tăng khiến “một thập niên tiến bộ" sẽ bị đánh mất. Thậm chí, ở một số nơi bị đại dịch tác động mạnh như khu vực Bắc Phi, Cận Sahara châu Phi và Trung Đông, Mỹ Latinh, những tiến bộ đạt được trong 30 năm qua ở những nước này có thể bị tiêu tan.

Theo kịch bản tồi tệ nhất, nếu mất 20% thu nhập, số người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng từ 434 triệu người lên 922 triệu người trên thế giới. Kịch bản tương tự cũng xảy ra khi số người sống dưới ngưỡng 5,5 USD/ngày sẽ tăng thêm 548 triệu người, lên gần 4 tỷ người. Chương trình lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng gần gấp đôi trong năm 2020, lên 265 triệu người do suy thoái kinh tế vì đại dịch COVID-19. Theo dự báo của WB, số người nghèo khổ ở Đông Á và Thái Bình Dương có thể tăng lên khoảng 11 triệu người nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Những nỗ lực đẩy lùi tình trạng đói nghèo của thế giới trong nhiều thập niên qua có nguy cơ mất trắng. Các nước đang trên đà phát triển ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh đặc biệt bị tác động mạnh.

Trong số tầng lớp chịu nhiều rủi ro thì phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới do họ thường làm trong các lĩnh vực kinh tế không chính thức, không có hoặc hầu như không được bảo đảm quyền lợi lao động. Với cuộc sống bấp bênh ngày qua ngày, những người nghèo thường không được nghỉ ngơi và không có đồ dự trữ. Theo con số thống kê, có hơn 2 tỷ người làm việc trong thành phần phi chính thức không được tiếp cận với bảo hiểm trợ cấp ốm đau.

 Tin the gioi 2.jpg

Người dân thị trấn Alexandra (Nam Phi) xếp hàng nhận thực phẩm cứu trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19_Ảnh: Reuters

Đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Phi, vào thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19 trở thành một cuộc khủng hoảng y tế, các nước này đã phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế bởi giá nguyên nhiên liệu bị rớt thê thảm, khoảng hơn 80 tỷ USD đầu tư bị rút khỏi thị trường, khiến một nửa tỷ dân rơi vào cảnh nghèo đói. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tấn công các nền kinh tế châu Phi, các lĩnh vực như hàng không, du lịch và thương mại của các nước này được cho là chịu hậu quả trước tiên. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, đại dịch COVID-19 sẽ khiến ngành hàng không châu Phi tổn thất khoảng 4,4 tỷ USD. Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi cho rằng, dịch bệnh COVID-19 sẽ khiến ngành du lịch châu Phi thiệt hại 7,2 tỷ USD, khoảng 80% số người lao động sẽ bị mất việc làm tạm thời, nhiều người phải kiếm sống từng ngày. Sau khi thực hiện chính sách cách ly xã hội do dịch bệnh, những người lao động tầng lớp thấp sẽ mất đi cơ hội kiếm sống. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Phi sẽ giảm từ 3,2% xuống 1,8% trong năm 2020 với tổng thiệt hại khoảng 29 tỷ USD.

Ở Mỹ Latinh, có thể cảm nhận tác động của cuộc khủng hoảng đối với khu vực trên sáu khía cạnh: Sự giảm sút về hoạt động kinh tế của các đối tác thương mại chủ chốt của khu vực và các hệ lụy đi kèm; sự xuống giá của các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới; sự gián đoạn, đứt gãy của chuỗi giá trị toàn cầu; sự thu hẹp nhu cầu dịch vụ du lịch; sự sụt giảm kiều hối; gia tăng chỉ số rủi ro và sự đi xuống của các điều kiện thu hút các nguồn tài chính quốc tế khác.

Thách thức bần cùng hóa đối với người nghèo

Một trong những tác động của đại dịch COVID-19 là mất doanh thu du lịch, lượng kiều hối giảm và các hạn chế khác sẽ khiến khoảng 130 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng đói nghèo trong năm nay. “Cuộc khủng hoảng lương thực và sinh kế trầm trọng" là 3 trong 5 giai đoạn mà Liên hợp quốc định nghĩa là “thiếu nghiêm trọng quyền tiếp cận lương thực và trên mức thiếu dinh dưỡng thông thường". Mức độ 5 nghĩa là tình trạng chết đói hàng loạt. WFP nhận định, dịch bệnh COVID-19 có thể khiến hàng triệu người rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc", nhiều người bị mất trắng cơ nghiệp, thậm chí cả mạng sống. Điều quan trọng hiện nay là các nước trên thế giới phải hành động nhanh chóng, bởi nếu không chung tay giải quyết vấn đề này thì nhân loại sẽ phải trả giá đắt.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, COVID-19 đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Cùng với dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về đợt suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ, ông A. Guterres cho rằng, tình trạng bất ổn xã hội và bạo lực có nguy cơ gia tăng, gây suy yếu nặng nề đối với khả năng chống dịch của thế giới. Các nước nghèo không đủ khả năng trợ cấp cho người thất nghiệp dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng bất ổn leo thang.

Những nước giàu cũng không thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Hơn 22 triệu người lao động Mỹ phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 3-2020 do nền kinh tế rơi vào bế tắc. Dữ liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố ngày 8-5-2020 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 14,7% trong tháng 4 từ mức thấp lịch sử 3,5% hồi tháng 2-2020 và nền kinh tế Mỹ đã mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4-2020. Tỷ lệ thất nghiệp tới 14,7% ở Mỹ vượt xa mức đỉnh vào cuối năm 2009 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng mạnh so với 4,4% hồi tháng 3-2020. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ Đại suy thoái, đồng thời phá kỷ lục 10,8% vào tháng 11-1982.

 Tin the gioi 3.jpg


 

Lao động thất nghiệp nộp đơn xin trợ cấp tại một trung tâm hướng nghiệp ở thành phố Las Vegas (Mỹ), ngày 17-3-2020_Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến người lao động có thu nhập thấp và người nghèo lại càng chìm sâu vào nghèo khổ. Chẳng hạn như, từ lâu, tình trạng nghèo khổ đã là vấn đề của bang Louisiana (Mỹ). Theo tính toán của Cục Điều tra dân số Mỹ, năm 2018 có 18,6% số dân bang này sống trong nghèo khổ (cứ 5 người thì có 1 người dân Louisiana sống trong nghèo đói). Riêng ở thành phố New Orleans, có khoảng 24% số dân đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Trong khi đó, Canada có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ hai trong lịch sử. Ít nhất 2 triệu người Canada đã mất việc trong tháng 4-2020, thêm vào đó là 1 triệu người đã thất nghiệp tính tới tháng 3-2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Canada hiện ở mức 13%, mức cao thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử nước này. Cơ quan Thống kê Canada cho biết, tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn cao hơn, gần 18%, nếu những người không tích cực tìm kiếm việc làm được đưa vào tỷ lệ thất nghiệp. Gần 1/3 người lao động Canada đã không làm việc hoặc đã giảm giờ làm trong tháng 4.

Chung tay giúp đỡ người nghèo

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, nếu như có sự bất ổn, nghèo đói sẽ còn lan rộng hơn nữa, đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn để đối phó. Thế giới cần hành động ngay từ bây giờ, cần tái phân bổ các nguồn tài nguyên ở cấp độ toàn cầu.

Ở cấp độ quốc tế, Tổ chức Oxfam kêu gọi các nước trong nhóm G20 và IMF khẩn cấp lập kế hoạch cứu trợ để tránh sự bất ổn xã hội; đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua gói giải cứu khoảng 2,5 nghìn tỷ USD để giúp ngăn chặn tình trạng nửa tỷ người trên toàn cầu lâm vào tình trạng nghèo đói vì đại dịch COVID-19. Theo Oxfam, nhiều quốc gia giàu đã đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong khi hầu hết các quốc gia đang phát triển do thiếu năng lực tài chính nên không có khả năng hỗ trợ người lao động. Oxfam kêu gọi thế giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ khác, bao gồm xóa nợ đối với các khoản thanh toán nợ ít nhất 1 nghìn tỷ USD trong năm 2020 đối với những nước đang phát triển và gây thêm quỹ ít nhất 1 nghìn tỷ USD để thiết lập quỹ dự trữ quốc tế mới. Jose Maria Vera, Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam, cho biết: “Các bộ trưởng tài chính G20, IMF và WB cần ngay lập tức hỗ trợ tiền mặt cho các nước đang phát triển để giúp họ cứu trợ những cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương". Oxfam kêu gọi hủy trả nợ cho năm 2020 để có thể cung cấp tiền mặt tức thì cho các nước nghèo nhất và IMF nên giải ngân 1.000 tỷ USD phân chia cho các nước nghèo nhất.

Liên hợp quốc cũng cho rằng, gói giải cứu khoảng 2,5 nghìn tỷ USD là cần thiết để hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 và thế giới cần thêm 500 tỷ USD tiền viện trợ quốc tế. Trong khi đó, ông Suma Chakrabarti, Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chống đại dịch COVID-19, nhấn mạnh nhu cầu về tài trợ khẩn cấp là rất lớn. Theo cảnh báo của WFP, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng gần gấp đôi trong năm 2020, lên 265 triệu người do suy thoái kinh tế vì đại dịch COVID-19, do vậy WFP dự kiến sẽ cần từ 10 đến 12 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ trong năm 2020 so với mức kỷ lục 8,3 tỷ USD được huy động vào năm 2019. WFP có kế hoạch dự trữ lương thực vào thời gian tới khi có cảnh báo về nhu cầu lương thực ngày càng tăng.

Trước đó, lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc đã kêu gọi số tiền ủng hộ ban đầu 350 triệu USD để có thể nhanh chóng mở rộng quy mô các dịch vụ chung về vận tải và logistics. Những dịch vụ này do WFP cung cấp, cho phép đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả, kịp thời đối với cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Để thực hiện việc cung ứng hiệu quả, WFP thiết lập một hệ thống logistics thiết yếu nhằm giúp giảm thiệt hại về người và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. WFP hiện rất cần các khoản ngân sách bổ sung để thành lập các trung tâm vận tải cần thiết, tàu chở hàng thuê và máy bay vận tải, nhân viên trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác.

Ở cấp độ trong nước, những chính sách hỗ trợ cũng được chính phủ các nước triển khai để giúp đỡ người dân nghèo vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tại Mỹ, Bộ Tài chính nước này cho biết, ít nhất 80 triệu người dân Mỹ sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ 1.200 USD. Ngoài ra, mới đây, hai hạ nghị sĩ Mỹ đã trình kế hoạch cứu trợ khẩn cấp người dân Mỹ trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan rộng. Theo đó, mỗi công dân trên 16 tuổi với thu nhập dưới 130.000 USD/năm sẽ được nhận 2.000 USD/tháng trong vòng ít nhất 6 tháng cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức trước đại dịch. Tiền hỗ trợ sẽ được chính phủ chuyển qua đường bưu điện, chuyển khoản hoặc thậm chí qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calviño cho biết, Chính phủ nước này đang thảo luận để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây có thể là chương trình dành cho người thu nhập thấp. Chính phủ Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân trả 75% tiền lương của người lao động trong 13 tuần. Các doanh nghiệp sẽ chỉ nhận được số tiền đó với điều kiện họ không được sa thải nhân viên. Biện pháp này nhằm bảo đảm người lao động sẽ được ở nhà trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Ở Hà Lan, Chính phủ nước này trả tới 90% tiền lương của người lao động. Những doanh nghiệp dự kiến sẽ mất ít nhất 20% doanh thu có thể nộp đơn để hưởng hỗ trợ theo chương trình này. Sau khi đơn đăng ký được phê duyệt, Chính phủ sẽ chi trả tiền lương cho người lao động của doanh nghiệp đó trong 3 tháng. Các doanh nghiệp chỉ đủ điều kiện nhận hỗ trợ nếu không sa thải nhân viên trong thời gian được chính phủ hỗ trợ. Ở Anh, Chính phủ cam kết chi trả tới 80% tiền lương của người lao động. Đây là chương trình hỗ trợ lần đầu tiên được thực hiện tại Anh. Theo đó, người lao động sẽ nhận khoảng 3.000 USD/tháng. Các doanh nghiệp có thể tuyển dụng lại bất kỳ lao động nào mà họ đã sa thải và đăng ký hưởng hỗ trợ theo chương trình này. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ. Ở Pháp, Chính phủ sẽ hỗ trợ những người lao động tự do tới 1.600 USD. Khoảng 600.000 công dân Pháp sẽ nhận được tiền hỗ trợ này nếu việc phong tỏa do dịch bệnh khiến họ không thể làm việc hoặc mất 70% thu nhập. Ngoài ra, Pháp cũng chi thêm 50 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp không phải sa thải nhân viên. Ở Đức, tất cả 16 bang của nước này sẽ hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do. Ngân sách cho chương trình hỗ trợ này sẽ được lấy từ ngân sách bang và một phần từ chương trình ứng phó với dịch bệnh của chính phủ liên bang. Chính phủ Italy hỗ trợ khoảng 650 USD cho người lao động tự do và lao động thời vụ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người lao động tự do tại Brussels (Bỉ) đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ nước này trong tháng 3 và tháng 4-2020. Người dân ở các khu vực khác nhau của Bỉ nhận được số tiền hỗ trợ khác nhau. Đối tượng nhận hỗ trợ là lao động tự do và bị gián đoạn hoặc không thể làm việc trong ít nhất 7 ngày. Người lao động tự do và những người bị mất việc do dịch bệnh tại Ireland sẽ nhận được hỗ trợ tiền mặt 220 USD mỗi tuần từ Chính phủ. Hơn 58.000 người lao động Ireland đã nộp đơn để nhận hỗ trợ chỉ ba ngày sau khi có thông báo trên. Ở Australia, hơn 6 triệu người thu nhập thấp tại nước này sẽ nhận được hỗ trợ tiền mặt 750 USD. 

 Hàn Quốc, Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ 70% tiền lương cho người lao động hoặc nhiều hơn. Người lao động theo hợp đồng, lao động tự do hoặc bán thời gian cũng có thể nhận được hỗ trợ tiền mặt một lần. Chính phủ Malaysia hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động tại một số ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, như lái xe taxi và xe bus, hướng dẫn viên du lịch, lao động nhập cư và nhân viên y tế [6]

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 900 triệu người ở các nước kém phát triển nhất (LDC) đang chịu nhiều rủi ro bởi dịch bệnh COVID-19. Những nước này không có nguồn lực kinh tế và hạ tầng y tế như ở các nước phát triển hơn, nhưng có thể tham khảo kinh nghiệm từ sự ứng phó với dịch bệnh và nhận được sự hỗ trợ. Do đó, cộng đồng quốc tế cần trợ giúp các nước LDC tăng cường trang thiết bị bảo hộ cá nhân và công nghệ cho những người lao động ở tuyến đầu, bảo đảm sự cung cấp liên tục y tế thiết yếu và sự tiếp cận bình đẳng đối với thuốc và sự điều trị. Cụ thể:

Một là, thực hiện giãn cách xã hội từ sớm, có sự điều phối nhằm giảm thiểu rủi ro. Phương pháp ứng phó với COVID-19 toàn cầu hiện nay chủ yếu tập trung vào các biện pháp giãn cách xã hội, như đóng cửa trường học, dừng tổ chức các sự kiện, các hoạt động kinh doanh, du lịch… Những biện pháp này là trọng yếu và cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ thông qua việc chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin và bảo đảm sự gắn kết khu vực bằng các chính sách xuyên biên giới đối với quy định nhập cư và trao đổi thương mại.

 Tin the gioi 4.jpg

Việt Nam là một điển hình về việc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, cũng như là nước có trách nhiệm cao trong hợp tác quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19 (Trong ảnh: Bộ tư lệnh Quân khu 7 tổ chức trao tặng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho một số đơn vị thuộc Quân đội Hoàng Gia Campuchia tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), ngày 7-4-2020_Ảnh: TTXVN

Hai là, thực hiện kế hoạch tăng cường trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) và năng lực xét nghiệm. Khi dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu bị giảm mạnh, các nước nghèo nhất cần phải dự trữ các bộ xét nghiệm COVID-19 và thiết bị bảo vệ cá nhân trên cơ sở có sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay, những nước có thể tài trợ lại đang là những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Do đó, các nước cần tăng tốc chế tạo và phân phối cung cấp để bảo đảm đủ nguồn cung cần thiết. 

Ba là, bảo đảm cung cấp liên tục các loại thuốc thiết yếu. Đại dịch COVID-19 được ví như dịch bệnh Ebola khi có sự đứt gãy trong các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, thiết yếu ở các nước LDC. Vì vậy, giải pháp cần thực hiện để có thể ngăn chặn điều này là chủ động liên kết các chuỗi cung cấp y tế toàn cầu.

Bốn là, bảo đảm tiếp cận sớm và bình đẳng với các loại thuốc và cung cấp thuốc. Do làn sóng ứng phó đầu tiên đối với đại dịch Covid-19 không có đủ trang thiết bị y tế, nên cần có sự bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng đối với loại thuốc chống virus corona.

Những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vừa qua cho thấy, tất cả các nước phải cùng nhau hợp tác chống đại dịch này, trong đó, giúp đỡ các nước LDC là một trong những ưu tiên nhân đạo quan trọng. Điều này sẽ góp phần hạn chế, giảm số người tử vong cũng như làm giảm nguy cơ bất ổn, rủi ro của nền kinh tế toàn cầu./.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập344
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm310
  • Hôm nay17,183
  • Tháng hiện tại223,476
  • Tổng lượt truy cập8,232,181
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây