Sở Y tế: Giải bài toán thiết bị “ngủ đông”

Thứ bảy - 22/08/2020 00:00 94 0

Qua tiếp xúc với cử tri, các đại biểu HÐND tỉnh đã nghe nhiều cử tri phản ánh về tình trạng trang thiết bị y tế được đầu tư khá nhiều nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn hoặc không sử dụng, gây lãng phí.

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh nhà được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, các đại biểu HÐND tỉnh đã nghe nhiều cử tri phản ánh về tình trạng trang thiết bị y tế được đầu tư khá nhiều nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn hoặc không sử dụng, gây lãng phí.

ngu dong 1.jpg 

Một số thiết bị y tế được trang bị nhưng chưa sử dụng hoặc tần suất sử dụng thấp, vì thiếu người vận hành.


Giải trình với đại biểu HÐND tỉnh về những vấn đề trên, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, công tác y tế, trong đó có khám, chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến sức khoẻ người dân. Vì vậy, các tiến bộ khoa học kỹ thuật liên tục được đưa vào áp dụng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ.

Theo các quy định hiện hành về tiêu chí đánh giá bệnh viện, về cơ chế tự chủ tài chính, các cơ sở y tế công lập đứng trước áp lực rất lớn về nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật tạo nguồn thu để trang trải chi phí hoạt động.

Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư phát triển trang thiết bị y tế. Thời gian qua, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị được xem xét với hai mục tiêu chính: Một là, mua sắm các trang thiết bị  thiết yếu đáp ứng hoạt động thường xuyên, trong khả năng sử dụng của các cơ sở y tế, mua sắm các chủng loại chưa có hoặc có mà chưa đủ số lượng phục vụ theo các quy định, hoặc thay thế bằng các trang thiết bị có tính năng cao hơn.

Theo đánh giá, các trang thiết bị này hầu hết phát huy hiệu quả ngay sau khi được đầu tư. Trường hợp thứ hai, theo quy định, hằng năm các cơ sở y tế phải phát triển thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới, trong đó, một số dịch vụ kỹ thuật cần đựợc đầu tư trang thiết bị mới.

Trong trường hợp này, Sở Y tế và đơn vị thụ hưởng có bước đánh giá toàn diện nhiều mặt về cơ sở vật chất, xây dựng, cải tạo phòng ốc, thiết kế điện nước, bảo đảm an toàn bức xạ, tổ chức cung ứng hoá chất, vật tư, xử lý chất thải, phân công nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp, cử đi huấn luyện, đào tạo cấp chứng chỉ theo quy định... Nhờ vậy, phần lớn trang bị, kỹ thuật mới trong thời gian qua được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Ðơn cử, năm 2016 phát triển kỹ thuật LASER YAG điều trị tình trạng đục bao sau mổ mắt thay thể thuỷ tinh ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh; kỹ thuật đo dao động xung ký ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Năm 2017, phát triển kỹ thuật tán sỏi niệu ngược dòng, tán sỏi qua da bằng laser và siêu âm ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh, kỹ thuật mổ nội soi tổng quát ở TTYT huyện Gò Dầu và Tân Châu.

Năm 2018-2019, phát triển kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại TTYT huyện Tân Châu (9 máy) và TTYT huyện Gò Dầu (5 máy). Kỹ thuật xét nghiệm phản ứng khuếch đại gen real time - PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; kỹ thuật quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS), quang phổ hồng ngoại, quang phổ hồng ngoại biến đổi chuỗi trong kiểm nghiệm dược phẩm cũng được triển khai.

Tuy nhiên, một số trường hợp khác do nguyên nhân ngoài dự kiến nên việc triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả như mong muốn. Trước tiên, do thay đổi chính sách về phân tuyến khám, chữa bệnh. Theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trạm y tế được đầu tư máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm.

Theo quy định trước đây về phân tuyến khám, chữa bệnh, bệnh nhân phải khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã; khi quá khả năng của tuyến xã mới được chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, do quy định thông tuyến BHYT (từ tháng 3.2016), người dân có thể đi thẳng lên tuyến trên để khám, chữa bệnh nên số bệnh nhân đến trạm y tế giảm nhiều; do các TTYT huyện, thành phố cũng phải điều động bác sĩ tuyến xã về hỗ trợ nên tần suất sử dụng trang thiết bị giảm nhiều.

Thứ hai,  do thay đổi về quy định đào tạo, cuối năm 2017, các TTYT huyện Gò Dầu, Tân Châu và thị xã Trảng Bàng được đầu tư phát triển kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Theo chủ trương đầu tư, các đơn vị đã gửi các kíp phụ trách đi đào tạo, thời gian theo chương trình lúc đó là 3 tháng.

Ðầu năm 2018, khi đã hoàn thành việc đào tạo, sẵn sàng triển khai kỹ thuật thì ngày 13.4.2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2482/QÐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo, trong đó quy định kíp phụ trách phải được đào tạo ít nhất 6 tháng.

Do quyết định không quy định thời gian chuyển tiếp, cũng không có hướng dẫn về nội dung đào tạo bổ túc cho người đã học 3 tháng cho đủ 6 tháng nên các cơ sở đào tạo chưa kịp chuẩn bị chương trình đào tạo. Cuối năm 2018, Bệnh viện Chợ Rẫy mới tuyển sinh đào tạo bổ túc cho đủ thời gian theo quy định.

Vì vậy đến giữa năm 2019, các đơn vị mới bổ sung đủ tiêu chuẩn về chứng chỉ đào tạo và triển khai có hiệu quả kỹ thuật chạy thận nhân tạo ở các địa phương. Một nguyên nhân khác, biến động về nhân lực. Trong các năm trước đây, dự định phát triển kỹ thuật ngoại khoa, nội soi tiêu hoá ở TTYT huyện Bến Cầu; phẫu thuật nội soi ở TTYT thị xã Hoà Thành, TP. Tây Ninh không thực hiện được hoặc thực hiện gián đoạn do bác sĩ phụ trách nghỉ việc, bỏ việc.

ngu dong 2.jpg

Trong phòng hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh.

Từ những lý do nêu trên, Sở Y tế cho rằng, trong điều kiện khó khăn về nhân lực, ngành thường xuyên đứng trước tình huống lưỡng nan: không có trang thiết bị thì không thu hút được bác sĩ và có trang thiết bị nhưng không có người sử dụng. Khi có bác sĩ nghỉ việc, không thể bố trí ngay được người thay thế.

Thêm vào đó, chính sách, chủ trương của ngành cũng có nhiều thay đổi. Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận, cách thức phát triển phù hợp nhất hiện nay là phải vừa tranh thủ các nguồn vốn đầu tư vừa cố gắng sắp xếp, huy động trong phạm vi nhân lực hạn hẹp, vừa làm vừa điều chỉnh.

Ðể phát huy hiệu quả sử dụng các trang thiết bị được đầu tư, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, đề xuất của đơn vị làm cơ sở thực hiện công tác điều phối một số trang thiết bị từ nơi không sử dụng hoặc sử dụng tần suất thấp đến nơi có nhu cầu sử dụng cao hơn.

Các đề xuất đầu tư trang thiết bị mới được xem xét chặt chẽ trên cơ sở rà soát điều kiện cơ sở hạ tầng, nhân lực, quy định, chi phí phát sinh. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư, các đơn vị phải tự bảo đảm các kinh phí đào tạo, nâng cấp cơ sở, điện, nước... trước khi được đầu tư.

Ngành Y tế chủ trương tăng cường các hoạt động hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới thông qua các hệ thống thông tin tim mạch, hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa. Về lâu dài, tiếp tục tăng cường các giải pháp đào tạo, thu hút phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ cho việc khai thác, vận hành trang thiết bị y tế.

                                                                                                                                                                                                     Việt Ðông

                                                                                                                                                                       Nguồn: Báo Tây Ninh online

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập387
  • Máy chủ tìm kiếm156
  • Khách viếng thăm231
  • Hôm nay4,760
  • Tháng hiện tại230,126
  • Tổng lượt truy cập8,238,831
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây