Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “Tây Ninh xanh”

Chủ nhật - 10/04/2022 18:00 356 0

  ​Ngày 06/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chủ trì hội nghị cho ý kiến thông qua Báo cáo giữa kỳ về công tác này. Hội nghị kết nối trực tuyến với các chuyên gia và nhà khoa học tại các điểm cầu.


Các đại biểu tham dự hội nghị.

Cùng tham dự có ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Võ Đức Trong - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến, thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và đơn vị tư vấn.

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu của tỉnh hướng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước (bình quân đạt trên 7%/năm), GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 4.500 USD năm 2025 và đạt trên 7.500 USD vào năm 2030, đơn vị tư vấn đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng cho tỉnh. Để đạt được mức tăng trưởng, đơn vị tư vấn đưa ra các yêu cầu về nguồn lực tương ứng (như về vốn đầu tư toàn xã hội, nhu cầu đất công nghiệp tăng thêm, nhu cầu về lao động...).

Về định hướng phát triển các ngành kinh tế, du lịch đều được đơn vị tư vấn đề xuất trên cơ sở ý tưởng “Tây Ninh xanh", nhất là với du lịch để hướng đến sự phát triển bền vững.

Góp ý với hội nghị, ông Lê Văn Thuỵ- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tỉnh đang thực hiện đúng quy trình trong công tác lập quy hoạch và đề xuất để báo cáo giữa kỳ tốt hơn, đơn vị tư vấn nên cân đối, chỉnh sửa, hoàn thiện kết cấu với một số nội dung đề mục theo đúng quy định.

Báo cáo cần xác định rõ điểm nghẽn của địa phương trong giai đoạn 2021-2030 cũng như các tồn tại, hạn chế và đề ra định hướng phát triển Tây Ninh xanh. Về các nhiệm vụ trọng tâm, báo cáo dự kiến đưa ra 11 chương trình đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là quá nhiều, cần rà soát lại và lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm để tổ chức thực hiện đạt kết quả hơn.

Phó Vụ trưởng Lê Văn Thuỵ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, các địa phương phải tự định hướng phát triển cho ngành, địa phương mình đồng thời rà soát các nội dung được tư vấn để có quyết định phù hợp; phấn đấu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong năm 2022. Nếu theo đúng tiến độ, đến tháng 8 này, tỉnh sẽ trình hội đồng thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng góp ý về kịch bản tăng trưởng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân và TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh cho rằng, báo cáo đưa ra 3 kịch bản lạc quan nhất (bao gồm kịch bản tăng trưởng cao, rất cao và tham vọng). Điều này thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có những tác động từ bên ngoài mà địa phương không thể kiểm soát được như tình hình dịch bệnh Covid-19.

Do vậy, trong các kịch bản dự báo, thông thường phải có kịch bản thấp (khi gặp rủi ro), kịch bản cao (khi gặp thuận lợi) và kịch bản trung bình (không thuận lợi cũng như không rủi ro) để từ đó áp dụng các chương trình, giải pháp và công trình đầu tư tương ứng với từng hoàn cảnh.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề xuất tỉnh xem xét khả năng phát triển mô hình du lịch kết hợp/tổ hợp nhiều loại hình hơn là quy hoạch nhiều loại hình du lịch riêng biệt. Khi phát triển các kế hoạch du lịch, đề nghị tỉnh chú ý nhiều hơn đến sự tham gia và được hưởng lợi (trực tiếp hoặc gián tiếp) của người dân địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh góp ý vào các kịch bản tăng trưởng được đề xuất trong báo cáo, cần bảo đảm tăng trưởng phải hài hoà trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, so với cả nước phải đạt mức trên trung bình để có sự bức phá và cần đưa ra giải pháp phù hợp với kịch bản đó.


Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng cơ bản thống nhất với báo cáo giữa kỳ lần này, đặc biệt là báo cáo đã thể hiện được các quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần xem lại mục tiêu phát triển và một số giải pháp đặt ra. Trong 3 kịch bản đưa ra, đơn vị tư vấn chưa định hướng tỉnh nên theo kịch bản nào. Các giải pháp đột phá cần được thể hiện rõ hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, báo cáo đã gợi mở định hướng phát triển cho Tây Ninh trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo giữa kỳ của đơn vị tư vấn, nhất là về định hướng không gian phát triển, các vùng-trục phát triển đã bám sát quy định, trình tự thực hiện quy hoạch, nhiệm vụ lập quy hoạch, có tính khoa học, sát tình hình thực tế của địa phương.

Để bảo đảm chất lượng quy hoạch của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia và các ý kiến gợi mở của lãnh đạo UBND tỉnh.

Trong đó, cần quan tâm thêm đến 5 yếu tố, tiếp tục xác định đầy đủ hơn, rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế so sánh với các tỉnh, thành phố lân cận; nhận diện rõ hơn những bất cập, điểm nghẽn, thách thức lớn mà Tây Ninh đã, đang và sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội để có giải pháp; tiếp tục nghiên cứu để xác định đúng định hướng trụ cột phát triển mang tính đột phá của địa phương; nghiên cứu, đề xuất phương thức huy động nguồn lực để hiện thực hoá quy hoạch.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế, cơ hội, thách thức trong thời kỳ lập quy hoạch, hoàn thiện, đề xuất cho tỉnh các kịch bản tăng trưởng ở các cấp độ khác nhau, kèm theo đó là các giải pháp để thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành, nhưng tuyệt đối không thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn cần xác định trục đô thị trung tâm, trục đô thị vệ tinh mang tính lan tỏa; nghiên cứu phát triển thêm các khu đô thị mới có diện tích lớn; đánh giá lại dư địa của Tây Ninh trong phát triển các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến và tự động hóa.

Nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với phát triển du lịch. Xác định vị trí du lịch của Tây Ninh trong bản đồ du lịch cả nước, xác định rõ các loại hình du lịch đặc thù của tỉnh, không dàn trải mà đi vào tinh túy nhất, kết nối du lịch nội tỉnh và du lịch các khu vực trong vùng để gia tăng giá trị, tạo sự phát triển cho tỉnh trong giai đoạn tới.

XV

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập506
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm481
  • Hôm nay13,824
  • Tháng hiện tại220,117
  • Tổng lượt truy cập8,228,822
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây